Cái duyên của nghề chơi đá cảnh

Những biến đổi địa chất của thiên nhiên như một bậc thầy điêu khắc, tạo ra những viên đá mang hình thù độc lạ, cổ quái, hiếm tìm, nghề chơi đá cảnh (ngoạn thạch) ra đời từ nguyên cớ ấy. Sở hữu được viên đá đẹp, cần hơn một chữ duyên.

Việt Nam, nghề chơi ngoạn thạch rộ lên vào những năm 2000, dẫn đầu phong trào cả nước là các cư dân phố biển Nha Trang. Thiên nhiên ưu ái cho miền biển này nguồn đá cảnh bạt ngàn, từ các bãi tắm ở Hòn Rớ, cho đến các con suối nước xiết vùng Khánh Vĩnh (đường lên Đà Lạt), được dân chơi đá cảnh định danh là “kho báu” để hằng tuần làm một chuyến rong ruổi đi nhặt đá.

Trong nghề chơi ngoạn thạch, điều gây nghiện với người chơi là vẻ đẹp của đá chỉ người đi săn tìm nó nơi sông suối, bờ biển hay lên vùng núi cao… mới thấm và hiểu rõ. Người viết hỏi người chơi ngoạn thạch thế nào là một viên đá đẹp, những tiền bối ngày xưa như cụ Lý Thân (Lái Thiêu), bác Lê Công Quý (Nha Trang)… đưa ra câu trả lời ngắn gọn: “Thấy đá đẹp là nó đẹp!”.

Cái duyên của nghề chơi đá cảnh 1

Những đường vân tạo nên nét “họa” độc đáo, tựa một bức tranh sơn thủy hữu tình trên đá cảnh.

Cái duyên của nghề chơi đá cảnh 2

Tượng hình thạch, đá mang dáng người.

Cái duyên của nghề chơi ngoạn thạch 1

Đá kết từ hai chất liệu, tạo thành chi tiết độc lạ, thanh tú trên đá.

Có lang thang sông suối, biển khơi, đảo xa ở những chuyến săn đá, mới thấm việc nhìn được viên đá đẹp, là cả một triết lý nhân sinh kỳ diệu. Cả đoàn đi săn đá cả chục người, ai cũng đi qua những viên đá dưới chân, thậm chí cầm lên, xoay đủ các hướng, đặt ngay ngắn để ngắm nghía chán chê, rồi lại thấy không đẹp, bỏ đi tìm viên đá khác. Ở các bãi đá là hàng triệu triệu viên to nhỏ khác nhau, nhưng nhiều chuyến săn đá, đoàn cả chục người, lặn ngụp cả ngày bới móc từng viên đá dưới dòng sông lên ngắm, nhưng chẳng ai tìm ra một viên đá ưng bụng để mang về. Tùy vùng miền, đá cảnh sẽ có những cấu tạo từ độ cứng, đường vân, hình thù, màu sắc, kích cỡ và sức hấp dẫn khác biệt.

Cái duyên của nghề chơi đá cảnh 3

Hình đá, chất đá, là sự nhào nhặn và đúc kết qua hàng triệu năm mà thành.

Cái duyên của nghề chơi đá cảnh 4

Nét nhiên tính của đá, gian trần không có sự lặp lại.

Cái duyên của nghề chơi đá cảnh 5

Nước chảy đá mòn trên một tác phẩm đẹp từ Khánh Vĩnh, Nha Trang.

Cái duyên của nghề chơi ngoạn thạch 3

Không tì vết, tác phẩm điêu khắc của bãi biển Hòn Rớ, Nha Trang.

Đá chỉ là vật vô tri, cứng như đá, nhưng nhờ những đường nét điêu khắc của thiên nhiên, đá được uốn nắn, tỉa tót, kết hợp theo những gam màu khoáng chất, đá kết, phong hóa thời gian, rồi bào mòn sóng nước, dòng chảy, để trở nên “mềm” cách lạ kỳ. Thạch thoại – đá biết giao tiếp, trò chuyện, vẻ đẹp của đá khiến người ta rung động, chính là độ “mềm” trong chất rắn của đá. Độ cứng càng cao, hình thù siêu quái, viên đá ấy càng giá trị, nhưng mỗi người cảm nhận vẻ đẹp của đá theo cách khác nhau, môn chơi ngoạn thạch hấp dẫn là vậy.

Dân săn đá cảnh không lạ gì chuyện cũng là một viên đá được nhặt lên, chưa thấy nó đẹp, rồi bỏ đó, lần sau đi săn đá, gặp lại, tiếp tục đem ngắm nghía, vẫn chưa đủ đẹp để mang về. Bỗng có ngày, tự nhiên lại nhớ đến viên đá ấy để quyết định đem về bằng mọi giá. Lại có chuyện cả đoàn săn đá, cùng đi qua một bãi đá, nhưng không ai phát hiện ra báu vật, nhưng có người chỉ vừa đến nơi, đã lôi ra được một viên đá đẹp nao lòng. Đá và người khi ấy, như có mối nhân duyên.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình


Xem thêm

Bàn đá cẩm thạch và vẻ đẹp vượt thời gian

Thạch anh và đá hoa cương: Những khác biệt bất ngờ

Thiên nhiên quanh một thức trà