Thiên nhiên quanh một thức trà

Nhấp ngụm trà, thấy ở đó là hương, vị, là màu sắc đơm dệt từ sương khói đất trời, cộng hưởng với bàn tay và trái tim người làm nên phẩm trà, “tạo” thành một môn chơi, một thú phong lưu đầy ý vị.

Nghệ thuật ấm – chén

Nghệ thuật xoay quanh chén trà, cái dễ thấy, dễ cảm nhất khi đề cập về cái đẹp, chính là ấm – chén. Trong thú chơi trà, bộ môn ấm – chén là một nghệ thuật. Một chiếc ấm đẹp, đến từ kiểu dáng, tính tiện dụng, nguyên liệu tác thành là những đất sét, cao lanh, khoáng chất… thiên nhiên, qua bàn tay người thợ ấm và kỹ thuật lò nung, hun đúc ra một chiếc ấm hoàn chỉnh đến tay người dùng. Trà hảo hạng, kết hợp ấm chén tốt, việc thưởng vị thêm phần viên mãn.

Thiên nhiên quanh một thức trà 1

Ấm đất của Trần Tú Quỳnh (Bát Tràng) với tạo dáng lấy cảm hứng từ hoa trái thiên nhiên.

Đỉnh Chiêu Lầu Thi

Đỉnh Chiêu Lầu Thi, nơi có rừng trà búp tím độc đáo trên bản đồ Việt Nam.

Cảnh đẹp bản Luốc

Cảnh đẹp bản Luốc với thiên nhiên hữu tình, dẫn lối vào miền shan cổ thụ Hoàng Su Phì.

Thiên nhiên quanh một thức trà 2

Hong trà là một kỹ thuật quan trọng trong số các công đoạn chế biến.

Ấm – chén đẹp cần lắm. Nhưng trong thú chơi trà, quan trọng nhất vẫn là trà. Việt Nam thực may mắn khi nằm trong dải trà cổ thụ của thế giới, lại càng may mắn hơn khi sở hữu những rừng nguyên sinh bạt ngàn nơi vòng cung Đông – Tây Bắc. Và thế là, nếu đi đến ngọn nguồn, tựa hồ cuộc rong chơi vào miền thiên nhiên, trà khi ấy chỉ là cái cớ để làm kết nối giữa con người và thiên nhiên nơi cây sinh trưởng.

Đặc tính của shan tuyết thường mọc từ cao độ trung bình 800m trở lên so với mực nước biển, càng mọc trên núi cao (trên 2.000m), phẩm trà càng chứa đựng những hương vị đặc biệt. Cũng bởi thế, miền shan cổ thụ, luôn là miền đẹp với mây núi hữu tình, không khí trong lành, cảnh vật hoang sơ. 

Thiên nhiên quanh một thức trà 3

Măng trà, thức uống ảo diệu với các dải hương hoa độc đáo.

Thiên nhiên quanh một thức trà 4

Chơi ấm đất cũng là một nghệ thuật đặc biệt.

Rừng rêu phong dưới đỉnh Chiều Lầu Thi

Rừng rêu phong dưới đỉnh Chiều Lầu Thi.

Vườn quốc gia Phja Đén – Phja Oắc

Để chơi trà, một chuyến lên non cao, săn tìm và diện kiến các cây trà cổ thụ hay lang thang vào rừng có cây thân to hơn người ôm, phủ kín rêu phong của thời gian năm tháng… luôn là một hành trình đáng mong đợi. Trong ảnh: Tác giả đi săn ở vườn quốc gia Phja Đén – Phja Oắc (Cao Bằng).

Thiên nhiên quanh một thức trà 5

Hương vị thiên nhiên trong chén nhờ đôi tay người làm trà mà thành. 

Hành trình đến với trà

Những nấc thang vàng ở Hoàng Su Phì, những bản làng nguyên sơ ở Quản Bạ (Hà Giang) những cung đường quanh co đá tai mèo cheo leo ở Tủa Chùa (Điện Biên), những rặng núi săn mây đẹp như miền tiên cảnh ở Chiêu Lầu Thi (Hà Giang) hay sống khủng long Tà Xùa (Sơn La), sự hùng vĩ và hoang sơ của hai đỉnh cao Phja Đén, Phja Oắc (Cao Bằng), nét rêu phong của cánh rừng nguyên sinh trên đỉnh Phàn Liên San (Lai Châu)… đều là miền trà shan cổ thụ. Chơi với trà, là cơ hội đưa mình vào những hành trình trải nghiệm như thế.

Nguyên liệu tốt, để ra phẩm tốt, cần bàn tay người làm có tâm. Từ Quốc An – vị cao nhân người Đài Loan bị cây shan cổ thụ Việt ở vùng Túng Sán, Hoàng Su Phì, mê hoặc, khi nói về nghề đã chia sẻ rất đơn giản: “Làm trà dễ lắm, chỉ cần hai chữ tay và tâm là làm được”. Cái “dễ” ấy, hiểu kỹ ra, lại cực kỳ phức tạp, bởi như chính ông An, đã qua hơn 60 năm cuộc đời, với kinh nghiệm truyền qua các đời, nhưng đứng trước những gốc đại thụ, luôn ví mình như trẻ thơ, chưa đủ tầm hiểu được loại cây này. Hành trình đời người làm trà shan cổ thụ, như đứa bé chập chững tập đi, học nói, học làm người thông qua những lần vân vê với lá.

Săn mây ở Tà Xùa

Săn mây ở Tà Xùa, cũng là nơi có vùng cây shan đặc biệt của tỉnh Sơn La.

Người làm trà Từ Quốc An

Ông Từ Quốc An trong rừng cổ thụ Túng Sán. 

Thiên nhiên quanh một thức trà 6

Trà chế biến qua tay người càng nhiều kinh nghiệm, thời gian chế biến dày công, hương vị cũng tương đồng để trở thành khác biệt.

Cụ Giàng Nhà Lử

Cụ Giàng Nhà Lử, người H’mông ở Giàng B, Suối Giàng đang hái lá shan cổ thụ.

Nghiệm về cây trà shan cổ thụ, như tiếp cận một triết lý nhân sinh. Càng ở vùng khắc nghiệt, núi cao, thung lũng sâu, độ ẩm lớn, mây mù dày đặc, gió to, nóng – lạnh ngày đêm chênh nhau khắc nghiệt, lại mọc ở núi đá, thiếu đất, thiếu dưỡng chất sinh tồn… sự rèn dũa thiên nhiên ấy khiến chất trà càng thêm đặc biệt. 

Người có tay nghề cao, họ coi trà là bạn để có thể “nghe” được trà thoại qua từng công đoạn chế biến, lên men, hay diệt men, nhiệt độ nào là đủ, phơi thế nào là đạt, vò thế nào là vừa, ủ ra sao để bắt được hương, giữ làm sao để hương vương mãi mà không mất… Hàng trăm công đoạn nối tiếp nhau, có thành công, nhưng cũng lắm thất bại. Mẻ trà khi hoàn thiện, người uống có thể cảm rõ là hương vị đặc thù của thiên nhiên – nơi nào chát, nơi nào thơm, nơi nào ngọt, rồi đến cá tính của người làm khi biết khơi dậy những dòng hương ẩn sâu trong lá, hay đẩy được nốt vị độc đáo để người dùng dễ cảm nhận. Uống được chén trà, như được uống cả một chén nhân sinh.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình


Xem thêm

Thiên nhiên trên trang sức miền cao

Ấm trà – Chứa đựng tinh hoa nghệ thuật trà

Bàn trà: Từ cổ điển đến hiện đại đầy màu sắc