Thiên nhiên trên trang sức miền cao

Mặt trời, mặt trăng, cỏ cây hoa lá, hoa văn kỷ hà… chuyển vào trang sức bạc người miền cao, đẹp lạ, mang khát vọng hòa với thiên nhiên, mong thiên nhiên chở che, bao bọc đời người theo năm tháng.

Trang sức bạc miền cao – Dấu ấn của văn hóa, lịch sử, tộc người, tín ngưỡng

Xà tích, trâm cài tóc, vòng tay của người Thái, khuyên tai của người H’mông, vòng cổ của người Dao… cùng nhiều trang sức được chế tác từ bạc, bao đời qua luôn là niềm tự hào của đồng bào dân tộc miền cao. Ở nơi xa ấy, quan niệm về sự phồn vinh của gia đình, dòng họ không ở đất đai cò bay thẳng cánh, không ở số đếm đàn trâu bò, gà lợn, mà là qua trang sức làm từ bạc, xúng xính tỏa sáng theo váy áo những dịp chợ phiên, những ngày trọng đại hay khi lễ hội vào mùa.

Bạc trong đời sống đồng bào dân tộc, không chỉ mang giá trị vật chất, mà còn là biểu tượng về văn hóa, tâm linh. Sống nơi lam sơn chướng khí, núi non hiểm trở, người miền núi xem bạc là chất liệu có khả năng chở che, bảo vệ, ngăn gió độc, mang lại điều may mắn, xua trừ tà ma. Bạc vừa là trang sức làm đẹp cho người phụ nữ, đồng thời là vật thiêng có năng lực chở che người đời. Nghệ thuật trang trí, tạo hình khối, đường nét, thêm tính mỹ thuật để bạc trở thành thứ trang sức mang công năng, ngôn ngữ riêng của từng dân tộc, là một kho tàng để chiêm ngưỡng và khám phá.

Thiên nhiên trên trang sức miền cao 1

Khuyên tai của người H’mông với các chi tiết trang trí bằng đường khắc vạch hình học.

Đồ bạc dân tộc 1

Kỹ thuật đậu bạc các hình tượng thiên nhiên cũng là nét riêng trong trang sức dân tộc.

Thiên nhiên trên trang sức miền cao 2

Vòng đeo cổ của người H’mông.

Thiên nhiên trên trang sức miền cao 3

Vòng đeo tay được người Nùng ở Hoàng Su Phì chế tác

Gần gũi thiên nhiên, nương tựa thiên nhiên, người miền cao lấy vẻ đẹp từ thiên nhiên chuyển thể thành hoa văn chế tác trên trang sức bạc. Hình ảnh của hoa dây, hoa chanh, nét xoăn xoăn của rau dớn, cho đến rặng núi, tường rào, dấu chân voi, chân gà, hình ảnh sừng trâu, vỏ ốc… rất gần gũi, chân phương, được người thợ bạc đẩy vào nét chạm, tạo nên sự sinh động, tinh tế trong từng chi tiết nhỏ. Nghệ thuật trang trí trong chi tiết hoa văn trang sức bạc của người miền cao đi vào tỉ mỉ, thể hiện các nét chạm li ti, đặc biệt là các đường khắc vạch, hoa văn kỷ hà, các đường hình học, chế tác theo mạch xuyên suốt liên hoàn của vòng tiếp tuyến hoặc theo phân lớp cụ thể. Sự lặp lại đều đặn, nhuần nhuyễn, tạo cho từng món trang sức nét đẹp vừa phảng phất sự tự nhiên, thanh thoát, nhưng cũng đầy cá tính gắn liền với các tộc người.

Thiên nhiên trên trang sức miền cao 4

Hộp bạc trong bộ xà tích của người Thái.

Đồ bạc dân tộc 2

Đồ bạc dân tộc 3

Vòng cổ và trâm cài tóc dày đặc hoa văn trang trí.

Khuyên tai của người H’mông là một ví dụ, kiểu dáng phổ biến là khuyên tròn, một đầu chẻ nhánh 6 mối, tạo xoắn như ngọn rau dớn, đầu còn lại cũng tạo xoắn, nối khép khuyên tai thành vòng xuyến, trên nền bạc là vạch khắc trang trí. Người H’mông quan niệm hoa tai càng to, càng nhiều chi tiết, càng thể hiện giá trị, cũng như biểu hiện sức khỏe, sự dẻo dai, mạnh mẽ của người phụ nữ. Hình tròn của chiếc khuyên tai còn là biểu trưng cho mặt trời, mặt trăng, những “vị thần” bảo hộ quen thuộc trong tín ngưỡng dân gian người miền núi.

Thiên nhiên trên trang sức miền cao 5

Hoa văn mặt trời trên mũ của người Dao thường đội trong lễ trưởng thành.

Đồ bạc dân tộc 4

Bộ xà tích và túi đeo trang trí hoa văn đồng tiền.

Thiên nhiên trên trang sức miền cao 6

Bộ 7 vật dụng trang trí trong xà tích, cũng là vật bảo vệ bình an cho người sử dụng.

Đồ bạc dân tộc 5

Vòng cổ và bộ dây trang trí đi kèm dành cho các dịp trọng đại như đám cưới, lễ hội của người H’mông.

Trang sức bạc cũng là thông điệp về đời sống gia đình, địa vị xã hội, là di sản đặc biệt trong đời sống người miền cao. Trang sức bạc miền cao, còn là quà tặng lưu truyền qua thế hệ, thường gắn liền với một người từ khi sinh ra – đặc biệt với cộng đồng Dao tiền – cho đến khi khuất núi. Bạc trang sức được bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con, mạch liên kết không đứt đoạn ấy qua bao đời, những kỹ thuật chế tác, trang trí, chạm khắc trên bạc nhờ đó vẫn được duy trì, tiếp nối và phát triển.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình | Hiện vật của: Hội cổ vật TP.HCM


Xem thêm

Đưa kỹ thuật chế tác bạc vào trà cụ

5 kiểu cất giữ trang sức gọn và phong cách mà bạn nhất định phải biết

Bảo tàng dân tộc học: Không gian đồng điệu