Đưa kỹ thuật chế tác bạc vào trà cụ

Lặng bên chén trà mà có thể cảm được: “Đêm qua Xuân trước một nhành mai”, nhờ ý tưởng đưa thiên nhiên điển tích cổ vào trà cụ bằng kỹ thuật chế tác bạc, tạo hiệu ứng thực bất ngờ.

Điều bất ngờ đầu tiên đến từ sự tinh tế. Bộ trà cụ (dụng cụ pha trà) phổ biến trong văn hóa thưởng trà của Đài Loan với trà kim (que thông vòi ấm), trà tắc (khay bày lá trà), trà chủy (thìa đong trà), trà hồ (bình trà), trà bôi (chung trà), trà bàn (đĩa lót chén)… được nghệ nhân Trần Dục Đình dùng kỹ thuật chạm bạc, tạo cho bộ trà cụ nét đẹp mới với sự kết hợp của điển tích, nghề thủ công và nghệ thuật thưởng thức trà nơi xứ Đài.

Hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề kim hoàn, Trần Dục Đình – ngụ tại Đài Bắc, thuộc số ít nữ nghệ nhân sở hữu kỹ thuật chạm bạc đỉnh cao, ứng dụng vào trang trí trà cụ.

Đưa nét bạc vào trà cụ 1

Que thông vòi ấm và chi tiết trang trí đĩa trà mang nhành Nhị độ mai, được chế tác tinh gọn, đầy hoa mỹ.

dụng cụ chế tác bạc 1

Hình tượng cây tùng qua nét “đậu” bạc của Trần Dục Đình.

Đưa nét bạc vào trà cụ 2

Trang trí bạc trên trà cụ, để đẹp, đòi hỏi khắt khe về vị trí, bố cục, và chi tiết thể hiện.

dụng cụ chế tác bạc 2

Khay trúc sánh đôi với cây tùng, tạo nên cặp đôi tùng – trúc theo cổ điển, nhưng vẻ đẹp đầy hiện đại, thủ công cao.

Trần Dục Đình chia sẻ: “Tôi là NTK nữ trang, đam mê trà, yêu đồ cổ. Thầy tôi sành đồ cổ, ông dạy tôi kỹ thuật sửa, vá, lắp ghép các mảnh vỡ của cổ vật, mang lại cho nó đời sống mới. Khi tiếp cận với trà, tôi thường đem trà cụ nghiên cứu, thiết kế các chi tiết bạc chạm trang trí, không phải tạo khác biệt mà tìm sự hòa hợp mang tính nghệ thuật”.

Sử dụng đề tài “tứ thời” cổ điển với “tùng – trúc – cúc – mai”, khi đưa vào trà cụ, chi tiết được Trần Dục Đình giản lược tối đa, bố cục theo nguyên tắc: “Không phô trương, mà cần sự hợp lý”. Tùng – Trúc – Mai, điển cố “tuế hàn tam hữu” khi đưa vào trà cụ, lấy ít làm nhiều, đấy là chi tiết khó.

Đưa nét bạc vào trà cụ 3

Những chi tiết tinh tế, khéo léo trên trà cụ được ứng dụng từ kỹ thuật chế tác nữ trang.

ứng dụng từ kỹ thuật chế tác nữ trang

Những chi tiết tinh tế, khéo léo trên trà cụ được ứng dụng từ kỹ thuật chế tác nữ trang.

Đưa nét bạc vào trà cụ 5

Sự kỳ công chế tác và cách ứng dụng điển tích tạo cho bộ trà cụ thêm nhiều giá trị mới.

Điệu gầy của mai, nét rắn rỏi của tùng… “đậu” lên dụng cụ pha trà, đẹp sang quý nhưng cũng đầy khiêm nhường, tôn thêm giá trị văn hóa – nghệ thuật trong thú vui thưởng trà và kỹ nghệ chạm bạc hôm nay.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình | Hiện vật của nhà sưu tập: Trần Dục Đình


Xem thêm

5 bước giúp lấy lại độ sáng bóng của dụng cụ bằng bạc

Ấm trà – Chứa đựng tinh hoa nghệ thuật trà

Kyoto House – Nghệ thuật trà đạo và gốm sứ Ukraine trong ngôi nhà Nhật Bản truyền thống