Bảo tàng dân tộc học: Không gian đồng điệu

Ra đời 1997, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hiện là một trong những điểm đến hoàn hảo để khám phá và tìm hiểu một cách khái quát nhất về cộng đồng 54 dân tộc Việt, cùng những dân tộc khác thuộc khu vực Đông Nam Á và thế giới thông qua hệ thống hiện vật, hình ảnh, phim tư liệu, các không gian kiến trúc… Tất cả được sắp đặt, phân bố, nối kết hài hòa, tạo nên sự đồng điệu đầy hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh với du khách tham quan.

Ba phân khu trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đưa người xem vào ba thế giới tách biệt, đầu tiên là tòa nhà Trống Đồng, nơi trưng bày đề tài về cộng đồng 54 dân tộc Việt. Tính dân tộc thể hiện rõ qua từng cụm hiện vật được phân mảng, theo đề tài từ đời sống thường nhật đến hoạt động tâm linh, đồ dùng truyền thống. Mỗi hiện vật thể hiện một đặc tính cụ thể về mỹ thuật, không gian, thể hiện đậm nét ở các khía cạnh văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với từng dân tộc. Không gian trưng bày ở tòa nhà Trống Đồng được sắp xếp theo bố cục 8 nhóm gồm: Việt – Mường, Tày – Thái, Hán, Tạng – Miến, H’mông – Dao, Kađai, Nam Đảo, Môn – Khơme.

Không gian mở nơi sân vườn bảo tàng là khu vườn kiến trúc dân gian gồm 10 công trình nhà ở của các dân tộc như Việt, Chăm, Bana, Êđê, Hà Nhì, Tày, Dao, H’mông… được chính cộng đồng tạo dựng theo nguyên bản, tạo nên một sự tập hợp đa dạng để người xem dễ dàng phân định và cảm nhận những nét văn hóa đặc thù dựa trên không gian sống và sinh hoạt của từng dân tộc qua kiến trúc nhà ở.

Điểm nhấn nổi bật ở cả kiến trúc lẫn nội dung trưng bày hiện nay của bảo tàng là tòa nhà Cánh diều, chính thức khai trương từ 30/11/2013 – nơi trưng bày văn hóa cư dân các dân tộc Đông Nam Á và hiện vật của các nhà nghiên cứu, sưu tập tư nhân dành tặng cho bảo tàng gồm: Dân tộc học loại hình châu Á (GS. Kaneko Kazushige, Nhật Bản), Tranh kính Indonesia (TS. Rosalia – Sciortino, Ý), và Một thoáng văn hóa thế giới (GS. Lê Thành Khôi, Việt kiều Pháp).

Những hiện vật đậm nét văn hóa dân gian hòa hợp vào không gian đương đại, sự tương phản ấy đã tôn lên giá trị và nêu bật tính hoa mỹ trong văn hóa đa dạng của các dân tộc. Sự tiết chế trong bài trí, chú thích rõ ràng, khoảng cách tiếp cận gần gũi, và lối sắp đặt theo tổng thể để người xem có điều kiện hình dung về từng không gian sống cụ thể, tất cả tạo nên sự liền mạch xuyên suốt để người xem có thể nghe – nhìn tương tác, tạo nên không khí sống động chung trong các phân khu trưng bày. Sự đồng điệu giữa dấu ấn của văn hóa dân tộc và không gian hiện đại góp phần đưa Bảo tàng Dân tộc học trong danh sách nhóm dẫn đầu các bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á.

Thực hiện: NGUYỄN ĐÌNH