Đến thời Trần, sắc màu nhận diện tiêu biểu phải kể đến là dòng men hoa nâu và men ngọc. Sự tiếp nối vẻ đẹp tinh tế trong đồ cổ trang trí của thời Lý vẫn còn ảnh hưởng, nhưng thiết kế đã thay đổi nhiều từ kích thước hiện vật lớn hơn, đường nét mạnh bạo, chắc khỏe hơn, đề tài trang trí cũng đa dạng và phong phú với hoa lá, muông thú, con người, nếp sinh hoạt của một đất nước trong cảnh thái bình, thịnh trị sau những lần đại thắng quân xâm lược chứ không chỉ bó buộc hẹp trong các đề tài sen, vẹt, rồng thường gặp trong chế tác gốm gia dụng, tế tự thời Lý.
Qua đến thời Lê Trung Hưng, Lê – Mạc, gốm Việt vẫn tiếp tục phát triển, người thợ gốm Việt đã tạo ra các ngôn ngữ riêng từ thiết kế đến màu sắc. Gốm men trắng ngà và xanh rêu thời Lê Trung Hưng, gốm lam xám thời Mạc là những điển hình trong dải đồ văn minh gốm Việt. Việc tạo hình trên gốm ở các giai đoạn này không chỉ đi sâu vào kiểu dáng, mà chi tiết trang trí với các kỹ thuật khó như vê, vuốt, cắt, dán… được đẩy đến ngưỡng hoàn hảo. Những ấm rót rượu cá cõng tôm thời Lê Trung Hưng, những chân đèn men lam xám thời Mạc là điển hình. Đặc biệt ở thời Mạc, lần đầu tiên trong chế tác gốm Việt cổ, tên người thợ gốm được vinh danh bằng lạc khoản trên hiện vật, nổi bật là thợ gốm Đặng Huyền Thông và vợ là Nguyễn Thị Đỉnh ở thời Mạc Mậu Hợp (1578 – 1891) với những tác phẩm đèn thờ tự kinh điển trong gốm Việt cổ.
Ở dòng “đồ vớt”, Việt Nam nằm trên trục giao thương chính của con đường gốm sứ trên biển, việc phát hiện các con tàu đắm phần nào minh chứng cho sự nhộn nhịp giao thương của cung đường huyền thoại này. Dựa trên danh sách những con tàu đắm trên dải bờ biển và vùng biển Việt Nam, có thể khẳng định Việt Nam là tâm điểm “đồ vớt” ở khu vực Đông Nam Á với hơn chục tàu đắm đã phát lộ, khai thác, nghiên cứu và công bố kết quả khảo cổ học.
Trong giới “đồ vớt”, cuối những năm 1990 đầu 2000, dân sưu tầm cổ ngoạn ở Sài Gòn rung động bởi vô số đồ sứ xanh trắng mang niên đại Khang Hy chất đống từng cần xé đem vào chợ đồ cổ Lê Công Kiều, bán rẻ hơn cả đồ mới. Đó là hiện vật từ tàu đắm tọa độ X, Vũng Tàu. Việt Nam còn nhiều tàu đắm khác như Cà Mau với đồ sứ Ung Chính, Bình Thuận với gốm sứ thời Minh, tàu đắm Cù Lao Chàm với gốm cổ Chu Đậu. Tàu đắm Cù Lao Chàm khiến thế giới ngỡ ngàng,
bởi tập hợp khối lượng hiện vật đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, kích cỡ, đề tài trang trí… mang kỹ thuật chế tác đỉnh cao, từ thiết kế kiểu dáng cho đến hoa văn, men thuốc, tiêu biểu là lối vẽ tam thái, ngũ thái, nghệ thuật dát vàng, tượng người, tượng thú… xóa tan nhiều hoài nghi trước đó về kỹ thuật sản xuất gốm Việt. “Đồ vớt” không chỉ mang lại nguồn cổ ngoạn phong phú, là kho tư liệu dồi dào để nghiên cứu, so sánh, đối chiếu dựa trên từng giai đoạn lịch sử, mà còn là “tài nguyên” đáp ứng nhu cầu vô tận của giới sưu tầm.
“Báu vật” vô giá từng ngủ yên dưới lòng đại dương qua hàng trăm năm, khi được khơi dậy, vẫn còn đó vẻ đẹp để khi chiêm ngưỡng, hậu thế ai cũng phải trầm trồ thán phục. Mỗi Hiện vật tàu đắm mang đặc trưng về nét đẹp và giá trị riêng biệt, được người chơi cổ ngoạn yêu thích. Ba thể loại đồ vớt – đồ đào – đồ bờ, tạo cho môn chơi cổ ngoạn Việt thực đa dạng, đa phong cách, người chơi thỏa sức tìm chọn cho mình những dòng đồ thích hợp để sưu tầm, nghiên cứu, gìn giữ và tự hào sẻ chia nét đẹp ấy mỗi khi có dịp giới thiệu về cổ ngoạn Việt.
Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình | Sưu tập: Phạm Ngọc Tuân
Xem thêm
Đào – Vớt – Bờ trong thế giới cổ ngoạn (Phần 1)