Mỗi mùa hội Xuân – Dấu xưa còn mãi

Du xuân mùa lễ hội, mỗi địa danh lại dẫn dắt vào một chuyện kể, một miền cảm xúc khác lạ với những bất ngờ rung động, đến cả những cảm giác thăng hoa, bay bổng, hòa nhịp theo âm thanh, sắc màu suốt mùa xuân trên đất Bắc.

Đọi Tam nổi danh khắp nước Việt với nghề làm trống truyền thống. Đây cũng chính là nơi xưa kia vua Lê Đại Hành hạ điền dưới chân núi Đọi (thuộc Duy Xuyên, Hà Nam ngày nay) cày những luống đầu tiên của năm mới mong ước một vụ mùa bội thu. Lễ Tịch Điền từ đó ra đời, cách đây hơn ngàn năm lịch sử (987). Trải qua nhiều thăng trầm, lễ Tịch Điền bị bỏ quên mãi đến năm 2009 mới được phục dựng, hằng năm được diễn ra từ Mùng 5 – 7 tháng Giêng. Đây cũng là một trong những lễ hội xuân hiếm hoi vùng chiêm trũng Bắc bộ có sự kết hợp thú vị các yếu tố dân gian và đương đại.

hội xuân 11

Tác phẩm hội họa trên mình trâu tạo nên nét vui nhộn, gần gũi cho một lễ hội xuân cổ truyền.

hội xuân 10

Gương mặt trâu mang nét vẽ ngẫu hứng của các họa sĩ đương đại.

Hình ảnh con trâu là đầu cơ nghiệp theo quan niệm người nông dân xưa được làm mới bằng ngôn ngữ hội họa. Trước ngày hội chính (Mùng 7), các họa sĩ khách mời tụ hội về Đọi Tam, nơi người làng tuyển chọn một bầy trâu (thường là trâu cái) làm nguyên liệu cho họa sĩ sáng tác các đề tài, ý tưởng lên mình trâu. Bầy trâu từ hình ảnh cày ruộng thường ngày trở thành giá vẽ sống động, rộn ràng màu sắc, đầy tươi vui trong đám rước từ đình làng ra thửa ruộng Kim Ngân Điền dưới chân núi Đọi ở ngày chính hội hằng năm. Từ ngay khi lễ Tịch Điền được phục dựng, hoạt động vẽ trâu đến nay đã trở thành một nét chấm phá riêng, tăng tính hẫp dẫn trong ngày hội xuân ở xứ Đọi.

hội xuân 9

Tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày dịp đầu Xuân; Đoàn rước trâu với lớp áo hội họa ra ruộng cày trong lễ Tịch Điền.

hội xuân 8

Tương truyền, khi trâu theo vua Lê Đại Hành ra ruộng cày
được khoác áo gấm.

Khi lễ Tịch Điền được phục dựng,
áo gấm thay bằng các nét họa do nghệ sĩ đương đại trong và ngoài nước
thực hiện, tạo bầu không khí tươi vui, gần gũi.

hội xuân 7

Khai trống sấm trong lễ hội xuân Tịch Điền ở làng Đọi Tam.

hội xuân 6

Hình tượng rồng trong nghệ thuật múa dân gian đồng bằng Bắc bộ.

Là một làng nghề chuyên làm trống với truyền thống hơn 200 năm, khi lễ hội xuân Đọi Tam vào mùa cũng là cơ hội phô diễn hùng tráng của đội trống qua những bài diễn mang âm thanh vang dội. Điểm đặc biệt của làng nghề có câu chuyện lập ra đội trống nữ, gồm các chị em là con dâu của làng đã yên bề gia thất. Ngày bận việc gia đình, việc luyện tập chỉ vào buổi tối, nhưng danh tiếng đội trống nữ với các bài diễn không chỉ phục vụ riêng các dịp lễ hội của làng mà còn được mời đi khắp các tỉnh thành lân cận để trình diễn cái độc, lạ của đội trống gái Đọi Tam.

hội xuân 5

Đọi Tam nổi danh cả nước với nghề làm trống truyền thống; “Đội trống gái Đọi Tam” với những màn diễn hùng tráng ở lễ hội Tịch Điền.

hội xuân 4

Đọi Tam là làng hiếm hoi của cả nước
có “Đội trống gái Đọi Tam” với 48 tay trống nữ.

Điều kiện được vào đội trống phải là gái đã có chồng.

hội xuân 3

Các thanh đồng trong trang phục giá thánh ở hội đình Kim Liên.

hội xuân 2

Màn diễn xướng binh sĩ xung trận của phụ lão đình Hào Nam.

Ở các địa danh khác trên đất Bắc, mỗi khi hội đình, hội làng vào mùa khai hội cũng đều có các phần trình diễn mang dấu ấn riêng, như hội làng Triều Khúc (09 – 12/01 âm lịch) đặc biệt với các chàng trai giả gái trong điệu múa “Con đĩ đánh bồng” – một trong những điệu múa cổ nhất của kinh thành Thăng Long xưa còn lưu lại đến ngày nay. Đình làng Hào Nam với đội múa tái hiện hình ảnh xung trận của Đức thánh Linh Lang Đại Vương đánh đuổi quân Tống. Đền Kim Liên với bài múa Tứ Linh (Long – Lân – Quy – Phụng) cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an… Đền Bạch Mã với các buổi diễn xướng hầu đồng với 36 giá hầu thánh, ca ngợi công đức những vị nhân thần trong lịch sử nước Việt…

Nét đẹp và vốn quý của làng chính là hồn cốt, là dấu ấn gắn với nghề truyền thống, với những tái hiện lịch sử, được gìn giữ, bảo tồn nhờ không gian lễ hội. Mong rằng vẻ đẹp ấy mãi được tiếp nối, truyền đời, để khi Xuân về lại nô nức tìm về hội vui tận hưởng trọn vẹn những dấu xưa còn mãi.

hội xuân 1

Trình diễn vũ điệu linh quy ở Kim Liên.

Diễn xướng dân gian ca ngợi công đức,
ôn lại tích truyện xưa của các vị linh thần phù hộ độ trì
cho làng xã cũng là cách duy trì các bài múa,
làn điệu cổ trong sinh hoạt dân gian.

Thực hiện: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Những lan can biết nói

Sắt uốn và công trình thế kỷ