Dấu ấn hoa nâu trên bản đồ gốm Việt

Gốm hoa nâu thuộc hai thời kỳ lịch sử: thời Lý (1009 – 1225) và thời Trần (1225 – 1400). Tuy giản đơn với gam màu chủ đạo trắng ngà và nâu trầm nhưng gốm hoa nâu đã tạo nên bước tiến vượt bậc, gói trọn tinh thần và vẻ đẹp tiêu biểu, thuần khiết trên gốm Việt xưa.

So sánh về lịch sử phát triển của nghề gốm Việt ở giai đoạn Lý – Trần với dòng gốm hoa nâu và các trung tâm sản xuất gốm lân cận như Chămpa với Vijaya (gốm cổ Gò Sành) ở phương Nam, gốm Tống ở phương Bắc, xa hơn đến các quốc gia phát triển mạnh về gốm như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng không thấy loại hình chế tác tương tự như gốm hoa nâu. Riêng trong bản đồ gốm Việt, có thể nói vẻ đẹp của gốm hoa nâu đứng ngôi đầu bảng ở cả về nghệ thuật tạo hình, công năng ứng dụng đa dạng, đến phong cách thuần Việt, không bị ảnh hưởng lai tạp bởi bất kỳ dòng gốm khác.

hoa nâu 1

Ấm trà gốm hoa nâu thời Lý với đề tài trang trí cánh sen kép được thể hiện bằng kỹ thuật cực kỳ tinh xảo, chính xác và chi tiết.

hoa nâu 2

Chiếc ấm hình tượng voi và đấu sĩ xung trận, một đề tài chế tác gốm mang đậm âm hưởng triều Trần.

hoa nâu 3

Tạo hình nhỏ gọn, chi tiết tinh xảo, bố cục chặt chẽ là nét đặc thù của gốm hoa nâu thời Lý.

Điều thú vị đầu tiên khi tiếp cận các hiện vật gốm hoa nâu từ thời Lý – Trần còn lưu lại chính là sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Nếu gốm kiến trúc của hai triều đại này mang công năng trang trí khu trú trong phạm vi cung đình, chùa chiền, thì gốm hoa nâu được sử dụng rộng rãi cả trong đời sống cư dân bản địa. Minh chứng cho điều đó chính là những hiện vật, không chỉ khai quật ở khu vực Hoàng thành Thăng Long (đồ ngự dụng – dùng cho vua chúa), mà còn ở các tỉnh thành lân cận như Hòa Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng… đều phát lộ rất nhiều hiện vật đa dạng, với hai phong cách quen gặp (chủ yếu) là nền trắng hoa nâu, số ít còn lại mang nền nâu hoa trắng.

hoa nâu 4

Những chiếc ấm thời Trần mang tạo dáng chắc khỏe, được điểm xuyết bằng màu men hoa nâu.

hoa nâu 5

Gốm hoa nâu là dòng gốm đặc sắc, đẹp giản dị,
gần gũi, tiêu biểu và sâu lắng hồn Việt,
vì chỉ Việt Nam mới sản xuất dòng gốm này.

Sản phẩm cũng rất đa dạng
với kiểu dáng, kích cỡ, chủng loại…
phục vụ mọi nhu cầu đời sống thường nhật.

Chân đế gốm hoa nâu mang dáng đài sen – một thiết kế ảnh hưởng từ văn hóa Phật giáo.

Nền độc lập tự chủ của Đại Việt ở thời Lý cũng đồng thời đánh dấu sự ly khai của các phong cách chế tác gốm Hán mang phong cách Bắc thuộc. Gốm hoa nâu là sự sáng tạo rất riêng và có phần thừa hưởng từ gốm Việt cổ thuộc văn hóa Đông Sơn. Dựa trên hiện vật lưu lại, rất nhiều thạp gốm hoa nâu có tạo hình cơ bản giống với các thạp đồng thuộc văn hóa Đông Sơn ngày trước.

Về kỹ thuật, màu men nâu làm ra từ nguyên liệu tự nhiên đá son vốn có chứa nhiều tạp chất chủ yếu là ô-xít sắt, phối với màu nền trắng ngà hoặc trắng ngả vàng, được chế tác từ men tro và men thực vật. Sản phẩm khi hoàn thiện phủ men được nung bằng lò củi, việc làm chủ ngọn lửa là cả một kỳ công của người thợ. Bởi thế cùng với hai màu men trắng ngà và nâu, nhưng mang đủ trầm bổng của sắc nâu từ đậm, nhạt, nâu vàng, nâu đen… rất đa dạng, tạo nên nét duyên chuyên biệt của dòng gốm này.

Tùy vào kỹ thuật lửa và độ hỏa biến, màu hoa nâu mang các sắc độ đậm nhạt khác nhau.

So sánh gốm hoa nâu ở hai triều đại Lý – Trần, tuy cùng chất liệu nhưng có sự khác biệt. Khi nhà Lý giành được độc lập, đất nước phồn vinh, đời sống ổn định, Phật giáo phát triển, sự kiện Trần Nhân Tông nhường ngôi đi tu (1299) là sự nở hoa kết trái của Thiền tông Việt. Nền gốm hoa nâu thời Lý thường mang chi tiết trang trí đậm dấu ấn tín ngưỡng, lối trang trí cánh sen đơn, sen kép phổ biến trên nhiều hiện vật là một ví dụ. Quan sát kỹ trên gốm hoa nâu thời Lý, dễ thấy ở đó sự tinh tế, tỉ mỉ, cầu kỳ, nhiều chi tiết trên cùng một hiện vật được chế tác phần nhiều nhỏ gọn, như ấm trà, kỷ phấn, bát, đĩa, tô, chén uống trà, chân đế, đài sen, liễn… thể hiện cảm thụ mỹ thuật cao, biết thưởng thức cái đẹp về chi tiết của người đương thời.

Bộ thạp gốm hoa nâu với hai phong cách nền trắng hoa nâu và nền nâu hoa trắng (khá hiếm).

Gốm hoa nâu phóng khoáng trong tạo hình
với chi tiết trang trí khi bay bổng,
khi chắc khỏe hùng mạnh, trông rất đơn giản
nhưng đời sau chưa giai đoạn nào thực hiện đến đỉnh cao ấy.

Thạp gốm trên đài sen chạm thông phong, một phong cách chế tác tỉ mỉ của gốm thời Lý.

Qua thời Trần, với gốc tích vương triều có xuất xứ gần biển (Thiên Trường, Nam Định), cộng với niềm tự hào chiến thắng 3 lần chống ngoại xâm, đã hình thành lối biểu đạt phóng khoáng, kiêu hùng qua hoa văn trên cốt gốm. Gốm giai đoạn này trở thành biểu vật để nghệ sĩ chế tác thể hiện tinh thần dân tộc. Tạo dáng gốm hoa nâu lúc này lớn hơn về kích cỡ, hoa văn khoáng đạt, thể hiện các đề tài sóng nước, hoa sen, đấu sĩ luyện võ, cưỡi voi xung trận, hoặc cảnh thái bình với hình tượng chim chóc nhảy múa. Tất cả như gửi gắm thông điệp yêu nước, lạc quan, chiến đấu, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm.

Gốm hoa nâu thời Lý – Trần không chỉ mang công năng là vật dụng sinh hoạt thường nhật mà còn đạt mốc giới cao hơn, là nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, hùng lực của vương triều, là tinh thần của cả một dân tộc.

Thạp gốm thời Trần với đề tài trang trí vận dụng từ hình ảnh hoa lá, muông thú trong tự nhiên.

Bài & Ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Đi tìm hoa sắt nở chốn rào thưa

Vẻ đẹp biểu tượng của cổng rào hoa sắt