Croatia: Vùng đất của những công trình kiến trúc La Mã cổ đại

Nằm bên bờ biển Địa Trung Hải, đất nước Croatia sở hữu nền kiến trúc có nguồn gốc từ lịch sử lâu đời, từ những di tích của người Croat từ thế kỷ XIV cho đến tàn tích quan trọng của các thời kỳ trước được bảo tồn đến tận nay.

Croatia là quốc gia nằm ở ngã tư của Trung và Đông Nam Âu, giáp biển Adriatic. Với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và kiến trúc phong phú, đất nước này được gọi với cái tên mỹ miều “Hòn ngọc châu Âu”. Từ thời tiền sử, vùng đất lành Croatia đã có người sinh sống, minh chứng qua các hóa thạch của người Neanderthal có niên đại từ giữa Thời kỳ đồ đá cũ đã được khai quật trong khu vực Krapina và Vindija. Những di tích gần đây hơn của người Neanderthal đã được tìm thấy tại khu vực Mujina Pećina.

croatia du lich di san kien truc

Những ngôi nhà bằng đá truyền thống quyến rũ với mái ngói đỏ thắm, nằm dọc theo bờ biển Adriatic, Croatia. | Ảnh: Bronwyn Townsend

Đầu thời kỳ đồ đá mới, các nền văn hoá Starčevo, Vučedol và Hvar cũng đã xuất hiện rải rác trong khu vực. Ngoài ra còn có các dấu tích của các nền văn hóa khác như: Hallstatt (người Illyrian thời kỳ đầu) và La Tène (người Celt). Thông qua sự đa dạng và phong phú về lịch sử và văn hóa nơi đây, phong cách kiến trúc hiện tại của Croatia là sự pha trộn giữa kiến trúc La Mã, Phục Hưng và Baroque. Trong bài viết này, hãy cùng ELLE Decoration khám phá lịch sử và văn hóa của Croatia thông qua những công trình kiến trúc di sản nổi bật.

Nhà thờ St James tại thị trấn Šibenik

Šibenik là một thị trấn được thành lập trên bờ biển Dalmatian vào thế kỷ thứ XX. Từ năm 1412, nơi này thuộc sự kiểm soát của Venice. Giữa năm 1431 và 1505, ba kiến trúc sư Francesco di Giacomo, Georgius Mathei Dalmaticus và Niccolò di Giovanni Fiorentino đã lần lượt thiết kế một công trình được xây dựng hoàn toàn bằng đá, sử dụng các kỹ thuật xây dựng độc đáo cho khung và mái vòm. Mãi đến năm 1555, nhà thờ cuối cùng được thánh hiến sau khi hoàn thành mặt tiền phía tây. Nằm trong một quảng trường liền kề bãi biển, nhà thờ St James từng là trung tâm của thị trấn và có vị trí giáp với cung điện giám mục.

croatia nha tho st james sibenik

Công trình ghi lại quá trình chuyển đổi từ kiến trúc Gothic sang kiến trúc Phục Hưng. Ảnh: Tư liệu

 

Nhà thờ có hình dạng một vương cung thánh đường (basilica) với ba lối dẫn, mỗi lối đi kết thúc bằng một hậu cung hình bán nguyệt (apse). Mái vòm bao trùm một cánh ngang nằm giữa bức tường phía bắc và phía nam của vương cung thánh đường. Phòng thánh hình chữ nhật được nâng lên trên các cột, bên dưới có lối đi dẫn đến nhà rửa tội nằm giữa hậu đường phía nam và cung điện giám mục.

nha tho st james sibenik kien truc di san

Nhà thờ đã sử dụng một loại vật liệu duy nhất là đá, từ chân tường, khung sườn cho đến mái vòm, nhằm truyền tải sự thống nhất giữa các yếu tố cấu trúc và trang trí – đồng thời, cũng minh họa cho sự kết hợp thành công giữa nghệ thuật Gothic và nghệ thuật Phục Hưng. | Ảnh: Dong World

Vương cung thánh đường Euphrasian

Vương cung thánh đường Euphrasian hay còn được gọi là “Cathedral Basilica of the Assumption of Mary” là một công trình Công giáo La Mã ở thị trấn Poreč thuộc bán đảo Istria, Croatia. Khu phức hợp bao gồm vương cung thánh đường, phòng thánh, nhà rửa tội và tháp chuông của cung điện tổng giám mục gần đó, đây là một công trình minh chứng tuyệt vời về kiến trúc Byzantine thời kỳ đầu ở khu vực Địa Trung Hải.

thanh duong euphrasian croatia kien truc di san

Thánh đường Euphrasian là khu phức hợp Cơ đốc giáo sơ khai duy nhất trên thế giới còn được bảo tồn hoàn thiện đến nay. | Ảnh: Istra Culture

Quần thể nhà thờ hiện tại được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ VI bởi Giám mục Euphrasius trên bờ biển phía bắc của bán đảo Istria. Phần kiến trúc mới được xây dựng kết hợp với các phần của nhà thờ tiền nhiệm, tạo thành một cấu trúc của một đơn vị lớn hơn, cụ thể là thị trấn lịch sử Poreč. Qua đó, công trình này đã góp phần thống nhất lịch sử văn hóa, đô thị và kiến trúc bên ngoài khu phức hợp nhà thờ, đồng thời phát triển thành thị trấn mang dấu ấn Hậu Cổ điển và Sơ kỳ Trung cổ khi Khu liên hợp Giám mục của Vương cung thánh đường Euphrasian được thành lập.

nha tho kien truc di san Euphrasian

Công trình phần lớn vẫn giữ được hình dạng ban đầu, nhưng các tác động do tai nạn, hỏa hoạn và động đất đã làm thay đổi một số chi tiết. Nhờ những bức tranh khảm trên sàn và các văn bản được bảo tồn, người ta có thể đọc được các giai đoạn xây dựng và cải tạo của nó. Ảnh: Porec

Phố cổ Dubrovnik

Được mệnh danh là “hòn ngọc của Adriatic”, thị trấn cổ kính Dubrovnik nằm trên bờ biển Dalmatian, đã trở thành huyết mạch kinh thương của biển Địa Trung Hải từ thế kỷ XIII.  Nhờ sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, Dubrovnik sở hữu nhiều nhà thờ, tu viện, cung điện và đài phun nước theo phong cách Gothic, Phục Hưng và Baroque.

Dubrovnik pho co kien truc di san croatia

Nằm ở phần phía nam của biển Adriatic, Dubrovnik có nhiệt độ ôn hòa và khí hậu dễ chịu quanh năm. Ảnh: Bronwyn Townsend

Được UNESCO công nhận là di sản thế giới, những bức tường thành bao bọc khu phố cổ Dubrovnik là một trong những bức tường được bảo tồn tốt nhất ở châu Âu, chưa bao giờ bị  tác động bởi chiến tranh. Được xây dựng lần đầu vào thế kỷ thứ IX, các bức tường được tu bổ qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, những kiến trúc này đã bị hư hại một lần do xung đột vũ trang vào những năm 1990. Hiện tại, UNESCO đang thực hiện một nghiên cứu trùng tu lại những bức tường cổ này.

pho co kien truc di san Dubrovnik

Con đường chính của thị trấn tập hợp các quán bar, quán cà phê và cửa hàng nằm dọc con phố. Ảnh: Bronwyn Townsend

Đấu trường Pula

Được xây dựng vào thế kỷ I, dưới thời cai trị của vị Hoàng đế Vespasian, đấu trường Pula từng là nơi tổ chức nhiều trận đấu của các đấu sĩ với sức chứa 20.000 khán giả. Công trình được đặt tên theo loại cát từng bao phủ bên trong khu vực biểu diễn (tiếng Latin: Harena). Nhiều căn cứ khẳng định rằng, đây là đấu trường La Mã duy nhất trên thế giới vẫn còn lại 4 tháp bên được bảo tồn hoàn toàn. 

dau truong croatia kien truc di san Pula

Ảnh: Tư liệu

Bức tường bên ngoài được xây dựng bằng đá vôi. Phần hướng ra biển gồm ba tầng, trong khi phần còn lại chỉ có hai tầng do đấu trường được xây dựng trên một sườn dốc. Các trục elip của công trình có độ dài lần lượt là 132,45 và 105,10 mét, bao xung quanh là những bức tường có chiều cao đến 32 mét. Đấu trường Pula có tổng cộng 15 cổng và một loạt lối đi ngầm được xây dựng bên dưới dọc theo trục chính để có thể thả động vật, đường đi cho các chiến binh và tổ chức Ludi (tạm dịch: những trò chơi giải trí thời La Mã như: đua ngựa, săn thú, diễn kịch…).

Cung điện Diocletian 

Diocletian là một cung điện cổ được xây dựng cho hoàng đế La Mã Diocletianus vào đầu thế kỷ V theo mệnh lệnh của ông. Mặc dù, công trình được gọi là “cung điện” vì mục đích sử dụng là nơi ở khi về hưu của Diocletianus nhưng thuật ngữ này có thể gây hiểu nhầm vì cấu trúc đồ sộ của nó gần giống với một pháo đài hơn. Khoảng một nửa diện tích của được sử dụng cho các mục đích cá nhân của vị hoàng đế, phần còn lại là nơi đóng quân của quân đội La Mã.

Diocletian kien truc di san croatia

Peristyle là quảng trường Trung tâm của Cung điện Diocletian. Ảnh: Sand In My Suitcase

Việc xây dựng bắt đầu vào năm 295 sau Công nguyên và kéo dài 12 năm và kết thúc trước khi Diocletianus thoái vị. Sau sự kiện này, hoàng đế chuyển đến nơi ở mới và thay thế niềm đam mê quân sự của mình bằng công việc làm vườn. Khoảng 150 năm sau cái chết của hoàng đế, Đế chế La Mã sụp đổ dẫn đến việc cung điện bị bỏ hoang. Mãi đến thế kỷ thứ VII khi cư dân trong khu vực chạy trốn vào cung điện để thoát khỏi sự xâm lược của người Slav, họ dần dà chiếm giữ cung điện và phát triển nhà ở lẫn kinh doanh cho đến hiện nay. 

kien truc di san diocletian

Một trong những tàn tích ấn tượng nhất của Cung điện Diocletian là cánh vòm. Ảnh: Tư liệu

kien truc di san diocletian

Bên ngoài cổng Vàng – cánh cổng chính của cung điện và chỉ có Diocletianus và gia đình mới có thể sử dụng. | Ảnh: Tư liệu

Thực hiện: Vân Thảo


Xem thêm

Những công trình kiến trúc nổi bật tại Thượng Hải

Hy Lạp: Cái nôi của Kiến trúc Cổ điển

Kiến trúc Art Deco: Vẻ đẹp kinh điển và sức hấp dẫn trường tồn