Nguồn gốc của Tết Trung Thu bắt đầu từ Trung Quốc từ hơn 3,000 trước. Vào thời nhà Chu (1045 – 221 TCN), trong mùa thu hoạch vào thu, các hoàng đế Trung Quốc cổ đại tôn thờ mặt trăng vì họ tin rằng làm như vậy sẽ mang lại một vụ mùa bội thu vào năm tiếp theo.
Từ đó, phong tục cúng tế mặt trăng được lưu truyền theo ghi nhận sử sách trong triều đại Tây Chu (1045 – 770 trước Công nguyên). Cụm từ “Trung Thu” lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn Chu Lễ viết vào thời Chiến Quốc (475 – 221 TCN). Nhưng vào thời điểm đó, đây chưa phải là một lễ hội chính thức, mà chỉ mang tính tượng trưng cho thời gian và mùa vụ. Tầng lớp thương gia giàu có và quan lại tổ chức những bữa tiệc linh đình, thưởng ngoạn ánh trăng và sản vật được dâng tế, cầu nguyện với mặt trăng để có một vụ mùa thuận lợi vào năm sau. Sau đó, vào thời nhà Tống (960 – 1279), ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm được chính thức chọn để làm “Tết Trung Thu”.
Tết Trung Thu thường gắn liền với nhiều truyền thuyết khác nhau. Trong văn hóa Việt Nam, câu chuyện về Chị Hằng và Chú Cuội là phổ biến nhất. Theo truyền thuyết, Chú Cuội là người chăm sóc cây đa thần kỳ. Một ngày nọ, do sự sơ ý của vợ, cây đa bị nhổ bật rễ bay lên trời, mang theo cả Cuội. Từ đó, Cuội sống trên mặt trăng, mỗi đêm ngồi dưới gốc cây đa nhìn về trần gian. Trong đêm rằm tháng Tám, khi trăng sáng nhất, người ta tin rằng có thể nhìn thấy hình ảnh của Chú Cuội và cây đa trên mặt trăng. Hình ảnh Chị Hằng và Chú Cuội đã trở thành biểu tượng của Tết Trung Thu, đặc biệt với trẻ em khi tham gia vào các hoạt động rước đèn, múa lân, và phá cỗ.
Ngoài ra, sự tích về ngày lễ này còn gắn liền với một dị bản về Hậu Nghệ và Hằng Nga. Vào thời xa xưa, trên bầu trời xuất hiện cùng lúc 10 mặt trời, thiêu đốt cỏ cây và khiến cuộc sống con người khốn khó. Lúc này, một cung thủ có tên Hậu Nghệ xuất hiện và bắn rụng 9 mặt trời. Anh đã để lại một mặt trời, hàng ngày tỏa sáng và đem lại sự sống tốt tươi cho trái đất. Sau đó, Hậu Nghệ gặp gỡ và kết hôn cùng một người phụ nữ tốt bụng, xinh đẹp tên Hằng Nga. Sau đó, để ban thưởng cho Hậu Nghệ, Tây Vương Mẫu đã ban cho anh một viên thuốc trường sinh bất tử để giúp anh thành thần. Chẳng may, nàng đã uống mất viên thuốc đó mà bay thẳng lên mặt trăng. Vì quá thương nhớ người vợ hiền, cứ vào dịp trăng tròn, Hậu Nghệ lại bày một mâm cỗ với những món vợ thích, mong cô có thể trông thấy từ cung trăng. Phong tục này được người dân noi theo và dần trở thành lễ Trung Thu, với mong ước sum vầy và cầu may.
Ngày nay, Trung Thu trở thành một trong những dịp lễ lớn ở một số nước châu Á. Mỗi nước có những cách tổ chức khác nhau, nhưng tựu trung đều là dịp để người dân trang hoàng, sum vầy, ăn mừng và nguyện ước những điều tốt đẹp.
Trung Quốc
Tại Trung Quốc, tết Trung Thu đã có từ thời Đường Huyền Tông vào đầu thế kỷ thứ VIII. Ban đầu, người dân chỉ uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết ngắm trăng. Sau này, Trung Thu trở thành tết đoàn viên vì người Trung Quốc rất xem trọng sự sum họp của gia đình trong dịp này và là một dịp lễ lớn được đầu tư tổ chức. Vào đêm rằm, bên cạnh ăn uống, trò chuyện, người Trung Quốc còn có các phong tục khác như tế trăng, thả đèn hoa đăng, giải câu đố, múa lân…
Món ăn truyền thống trong ngày tết Trung Thu ở Trung Quốc là bánh nướng, có hình tròn tượng trưng cho sự vẹn tròn, viên mãn. Bánh Trung Thu của người Hoa giống của người Việt với phần vỏ mỏng, bọc nhân hạt sen, đậu xanh, trứng muối… Ở mỗi vùng của Trung Quốc, món bánh truyền thống này sẽ có sự biến tấu tùy khẩu vị.
Nhật Bản
Tết Trung Thu của Nhật Bản còn được gọi là Tsukimi, Otsukimi hoặc Jugoya. Người dân sẽ trang trí đường phố bằng cỏ lau để bảo vệ khỏi linh hồn của họ khỏi ma quỷ. Trong mâm cỗ cúng dường, họ trưng cây khoai môn đã đâm chồi non, xem đó là biểu tượng của một gia đình thịnh vượng.
Theo truyền thuyết Nhật Bản, có một con thỏ sinh sống trên mặt trăng, nó thường giã bánh gạo mochi bằng vồ và cối. Một số người nói rằng truyện ngụ ngôn này dựa trên một câu chuyện Phật giáo. Có người lại cho rằng đó là cách chơi chữ vì thuật ngữ “mochizuki” trong tiếng Nhật có nghĩa là “trăng tròn” nhưng cũng đồng âm với “giã mochi”.
Người Nhật Bản ăn bánh gạo dango hình con thỏ trong ngày Trung Thu để có sức khỏe tốt và hạnh phúc. Ngăn xếp bánh hình kim tự tháp thường đặt 15 chiếc dango để tượng trưng cho ngày 15 của tháng hoặc 12 chiếc bánh để đại diện cho số tháng trong một năm. Màu trắng và độ tròn của món bánh này nhằm mô phỏng vẻ đẹp của mặt trăng. Đây cũng là chủ đề thường thấy trong các món ăn kỷ niệm Trung Thu khác như soba hoặc udon có kèm lòng đỏ trứng.
Người Nhật cũng thường ăn các đặc sản của mùa Thu như khoai lang, hạt dẻ, đậu, khoai môn, đậu nành và rượu sake. Khi không nhìn thấy mặt trăng, lễ hội Trung Thu năm đó được gọi là Mugetsu (không có trăng) hoặc Ugetsu (trăng mưa). Nhưng lễ kỷ niệm vẫn diễn ra bình thường, bao gồm nhiều nghi thức như pha trà, đọc thơ và biểu diễn trống.
Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, tết Trung Thu được gọi là Chuseok, theo nghĩa đen là đêm mùa thu – đêm trăng rằm đẹp nhất trong năm. Trước kia, Chuseok diễn ra vào mùa thu – mùa của sự thu hoạch. Do đó, ngày lễ này còn mang ý nghĩa hội mùa.
Vào dịp quan trọng này, người Hàn Quốc sẽ được nghỉ 3 ngày (14, 15 và 16 tháng 8 âm lịch) để về nhà và quây quần bên gia đình và gửi cho bạn bè, người thân của họ những món quà xuất phát từ tấm lòng.
Bánh trung thu Hàn Quốc gọi là “songpyeon”, được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông, có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt chứ không phải hình tròn hoặc vuông như bánh trung thu ở nhiều nước châu Á. Ngoài màu trắng truyền thống, bánh còn được biến tấu với nhiều màu sắc sặc sỡ như xanh, vàng, hồng…
Việt Nam
Tết Trung Thu là một lễ hội truyền thống quan trọng và đầy màu sắc của người dân Việt Nam dù chưa có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng Tám. Nhiều người cho rằng đây là một nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc trong thời gian bị phương Bắc đô hộ. Tuy nhiên, có tài liệu ghi chép lại rằng, Trung Thu đã được tổ chức dưới thời nhà Lý tại kinh thành Thăng Long.
Trăng có ý nghĩa rất quan trọng với những đất nước có nền văn hóa lúa nước. Ngày rằm tháng 8 là lúc cảnh trời đất đẹp nhất, khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm. Thời điểm này cũng là lúc việc nông nhàn nhất, mọi người khi đó có thể thảnh thơi ngắm cảnh thưởng nguyệt mà hòa mình vào đất trời. Vào ngày này, người Việt sẽ tổ chức các hoạt động đặc biệt như múa lân, đốt pháo hoa, làm đèn lồng và thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh Trung Thu. Đặc biệt, Trung Thu trong văn hóa Việt Nam còn mang ý nghĩa là dịp để các thế hệ gia đình sum họp, chia sẻ niềm vui và tình yêu thương.
Thái Lan
Ở Thái Lan, người ta gọi Trung Thu là “Lễ Cầu Trăng”, diễn ra vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Khác với câu chuyện truyền thống về Hằng Nga, người Thái truyền nhau rằng vào ngày này, Bát Tiên sẽ ghé thăm Nguyệt Đài để tặng đào và chúc mừng sinh thần của Quán Thế Âm – một vị Bồ Tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật. Hiện tại, vẫn có nhiều truyền thống Trung Thu được gìn giữ tại Thái, tiêu biểu như bánh Trung Thu, đặc biệt là hương vị sầu riêng rất nổi tiếng. Ngoài ra, một loại trái cây khác cũng xuất hiện rất nhiều trong dịp lễ này là bưởi, vì hình tròn của nó tượng trưng cho sự đoàn tụ và tụ họp.
Philippines
Tại Philippines, có gần một triệu người gốc Hoa sống, đặc biệt là ở khu phố Tàu ở thủ đô Manila. Nơi đây tổ chức Tết Trung Thu trong hai ngày với các biểu ngữ và đèn lồng treo rực rỡ khắp phố phường. Tại đây, người dân thích chơi Pua Tiong Chiu-trò chơi xúc xắc được cho là có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Người chơi sẽ lăn sáu viên xúc xắc vào một cái bát lớn. Người thắng cuộc được xác định bằng cách tính các số trên mặt xúc xắc, họ sẽ nhận được phần thưởng là bánh Trung Thu. Để giành được miếng bánh lớn nhất, bạn cần tung được ít nhất bốn hoặc năm con số giống nhau.
Lào
Tại Lào, That Luang là lễ hội lớn diễn ra suốt một tuần trăng tròn vào trung tuần tháng 12 Phật lịch (rơi vào vào tháng 11 hoặc đôi khi là tháng 10 dương lịch). Trung tâm sự kiện là Pha That Luang, ngôi bảo tháp linh thiêng và đẹp nhất của đất nước “Triệu Voi”. Vào những ngày diễn ra chính, các ngả đường đến Pha That Luang lung linh ánh nến và tòa tháp cùng được trang hoàng rực rỡ, tạo thành một không gian huyền diệu, linh thiêng.
Thực hiện: Vân Thảo
Xem thêm
Đồ chơi trẻ thơ – Ký ức Trung Thu rực rỡ