Trong nhiều thể loại ảnh được thực hiện từ những năm đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam, hình ảnh về đồ chơi rất hạn hữu. Tài liệu đề cập về đồ chơi cũng không nhiều, trong đó có chuyện kể về hội chợ dân gian do nhà nghiên cứu văn hóa George Bois (Pháp) tổ chức năm 1905 ở nhà Đấu xảo – một công trình kiến trúc hoa lệ ở Hà Nội, do kiến trúc sư Bussy (Pháp) thiết kế. Hội chợ này tập hợp đồ chơi dân gian, phần đa chế tác bằng giấy (đồ chơi Trung thu), bột (con giống)…
Trong đồ chơi truyền thống, yếu tố làng nghề, chế tác thủ công thể hiện rõ, nhất là dành cho dịp Trung thu. Những đèn lồng kéo quân, đèn cá chép, đèn con cua, đến lồng đèn thỏ con, tiến sĩ giấy, đèn cù… được tạo hình, định dạng khéo léo bằng kỹ thuật uốn nan tre, lợp giấy bóng kính đủ màu sắc và trang trí thêm họa tiết sống động, bắt mắt.
Chế tác thủ công là một nét đẹp riêng của các “Hàng” thuộc 36 phố phường Hà Nội xưa như Đào – Ngang – Đường – Mã – Gai – Buồm – Thiếc…
Mặt nạ giấy bồi, ông đánh gậy trông trăng, con giống bột chợ Đồng Xuân… cũng là những tạo hình đồ chơi ưa thích của người Hà Nội xưa. Đến những năm 1920, thị trường có thêm các mô hình xe, tàu thủy, bươm bướm, thỏ đánh trống, xe ôtô, xe kéo tay… tái chế từ thùng sắt tây và được đón nhận nồng nhiệt. Đã qua gần trăm năm, dòng đồ chơi này nay vẫn được duy trì, là một nét đẹp gợi nhớ tuổi thơ bao thế hệ.
Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN ĐÌNH | Ảnh: Tư liệu
Xem thêm: