Họa sĩ Doãn Chí Trung đến với sơn mài như một cái duyên, anh kể: “Tôi chỉ là thợ vẽ trong hợp tác xã sơn mài, làm sản phẩm xuất đi các nước Xã hội Chủ nghĩa những năm 1980 theo đơn hàng. Khi hết hàng, tôi mày mò sáng tác, vẽ chơi, nhưng vóc thời ấy toàn hàng chợ, chóng hỏng, vậy là mày mò cách làm vóc, làm thợ sơn, gặp những siêu cao thủ sơn mài thọ giáo về nghề”.
Qua gần 50 năm ăn ngủ với đủ cảm xúc cùng sơn mài, họa sĩ Doãn Chí Trung đúc kết theo một trải nghiệm riêng: “Các cụ nghĩ cách dùng sơn, chính để mong muốn bền lâu, tôi có thể tóm gọn sơn mài là hợp thành của phẳng – nhẵn – bền. Đó là nền tảng, nhưng để thợ nghề đạt những tiêu chí ấy, mất 50 năm cũng chưa thể trọn vẹn”.
Nguyên do nghề sơn có nhiều công đoạn, được đúc kết qua kinh nghiệm từ nghệ nhân làng nghề, không bài bản, không hệ thống khoa học, người giữ nghề lại chẳng mấy hào hứng chia sẻ, không chỉ dạy cặn kẽ bởi sợ mất nghề, nên cả quá trình theo đuổi sơn mài, Doãn Chí Trung phải học lỏm từ các cao thủ ở hợp tác xã như Thống Nhất ở phố Huế, Thăng Long ở Hàng Đào, Liên Hà bên Đông Anh, rồi Huyền Kỳ của Hà Đông… cho đến các danh thủ như ông Quý chuyên về sơn ở Hà Đông, ông Chấn chuyên vẽ… Mỗi cụ một tài riêng, và rút tỉa tinh hoa từ đó để luyện nghề.
“SƠN MÀI KHÔNG NHƯ MÔN NGHỆ THUẬT KHÁC, CHỈ CẦN NHÌN CÁCH THỂ HIỆN TRÊN VÓC, SƠN, MÀI LÀ ĐỦ NHẬN RA ĐẲNG CẤP NGAY, KHÔNG GIẤU HAY LẤP LIẾM ĐI ĐƯỢC”.
Người Việt có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Khi khoe sơn mài, độ bền là một chi tiết thường được người làm nghề nhấn mạnh. Và để có được sự bền, từng công đoạn, từng chi tiết đều phải được thực hiện một cách cẩn trọng. Tạo ra một sản phẩm sơn mài, về lý thuyết, quy trình, công đoạn, người làm nghề ai cũng hiểu, nhưng để làm nhuần nhuyễn cần nhiều giờ rèn luyện. Anh Trung tâm sự thêm: “Nghề này như đấm bốc, đá bóng ấy, muốn giỏi, muốn chơi các giải lớn, chuyên nghiệp, ngoài học hỏi kỹ thuật, cái chính phải là sự rèn luyện không ngừng, nói chung là giờ bay phải liên tục”.
“ TÔI THỂ HIỆN TRÊN NHIỀU ĐỒ VẬT NHỎ. NHIỀU NGƯỜI HỎI TÔI SAO KHÔNG LÀM TÁC PHẨM ĐỂ ĐỜI, TO LỚN, HOÀNH TRÁNG, NHƯNG TÔI THÍCH NGHIÊN CỨU, THỬ NGHIỆM VÀ CHƠI CÙNG ĐAM MÊ TRONG KHẢ NĂNG CHO PHÉP”.
Để làm nền cho sơn, chi tiết “tốt gỗ” (công đoạn làm vóc) được Doãn Chí Trung tập trung rất kỹ, anh bảo: “Một loạt vóc tôi làm, mất gần 2 tháng mới hoàn thiện, đảm bảo phẳng – nhẵn – bền theo tiêu chí tôi đặt ra. Ở Việt Nam, tôi thân quen với hơn 50 thợ vóc, trong đó có 10 cao thủ hơn 50 năm kinh nghiệm, bao năm qua, cứ đến giờ ngồi lại với nhau, cũng chỉ nói về kỹ thuật phẳng, nhẵn, bền mà chưa hết chuyện. Một tấm vóc ngon, tôi nói 50 năm kinh nghiệm vẫn còn mắc lỗi, bởi có đến 20 nước và bao công đoạn, chỉ một động tác không chuẩn là sản phẩm kém ngay, nhưng đấy là tự khắt khe với mình thôi chứ người ngoài khó mà nhận biết ra được. Còn chỉ để tạo ra vóc cho có, đào tạo thợ một tuần, làm ba ngày cũng xong. Thợ của tôi ở xưởng, học 19 năm, vẫn mắc lỗi, bị mắng là thường”.
Dụng cụ hành nghề sơn mài, là cả thế giới riêng, trong không gian làm việc của họa sĩ Doãn Chí Trung, chỉ riêng các thể loại cọ vẽ, đếm sơ hơn trăm chiếc. Anh bảo: “Dùng một cây cọ duy nhất vẽ, cũng xong, nhưng độ kỹ, tinh, chất… của nét bị giới hạn. Có những nét của các cụ ngày xưa, tôi mất thời gian rất lâu dò hỏi, mãi mới được tiết lộ là dùng lông mèo, lông chuột chế thành cọ vẽ. Tôi cùng mấy học trò cũng lọ mọ đi đặt bẫy bắt chuột đồng, lấy râu làm cọ, rồi lấy lông tai bò, lông mèo – phải là mèo già, mỗi con chỉ vài cọng trên sống lưng mới có, đem về xếp lông, đếm từng cọng, rồi thử đi thử lại, khi thêm vào, bớt ra… tạo được cây cọ vẽ như ý, khi đi nét thì không dễ ai làm theo được”.
“TRONG SƠN MÀI, BẢN THÂN CHẤT SƠN ĐÃ LÀ NGHỆ THUẬT, KHI LÀM SẢN PHẨM, Ý TƯỞNG ĐƯỢC THỂ HIỆN KỸ, ĐẸP, BỀN… ĐÓ LÀ GIÁ TRỊ TÔI HƯỚNG ĐẾN”.
Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình | Ảnh: Lam phong.
Xem thêm: