Sưu tầm cổ phục, thú chơi độc đáo

Cổ phục áo dài năm thân thuộc tầng lớp quan, nhà quyền quý, hiện hiếm gặp trên thị trường cổ ngoạn. Tuổi đời áo càng cao, độ quý hiếm càng tăng, nhất là những chiếc áo trên chất liệu trừu, đoạn có niên đại từ thế kỷ XVIII – XIX. Mỗi chiếc áo là một câu chuyện, một nét đẹp lạ để trân trọng, nâng niu và gìn giữ.

Phần đông người lựa chọn con đường sưu tầm cổ phục ở Việt Nam thường chọn lối chơi dòng đồ cao cấp của vua chúa, hàng quan nhất phẩm, nhị phẩm. Ở cuộc chơi này, phải vừa đam mê, vừa mạnh vốn, giỏi kiến thức và quan hệ đủ rộng để có thể sở hữu được hiện vật đẹp, nhưng quan trọng hơn cả là biết chọn đúng món. Bởi với cổ phục lên hàng vua quan, đồ thật ít mà hàng giả tràn lan, một thoáng chốc sơ sẩy, số tiền bỏ ra mua hiện vật mới toanh, giả từ gấm vóc, đến kỹ thuật dệt thêu, nhưng giá tương đương một gia tài là chuyện không xa lạ trong nghề sưu tầm.

cổ phục 17

Hoa văn trên cổ phục có thể xác định được chủ nhân chiếc áo là nam hay nữ. Ảnh: Nguyễn Đình.

Có những người đơn thuần chỉ là say mê cổ phục Việt, họ cần mẫn góp nhặt những gì lưu lại ở thị trường, định hình thành BST đa dạng về số lượng lẫn chất lượng. Trương Việt Anh ở Hà Nội là một nhà sưu tập như thế. Tự nhận mình là kẻ sưu tầm đến sau, những chiếc áo đẹp, giá trị của người xưa lần lượt ra nước ngoài từ nhiều thập niên trước, việc chơi cổ phục ở những năm 2000 trở về sau, ngày càng khó hơn bội phần.

cổ phục 16

Mặt trong và ngoài của chiếc áo hoa văn chữ “Thọ”, chất liệu đoạn cài hoa ở thời Nguyễn. Ảnh: Nguyễn Đình.

cổ phục 15

Cổ phục với chi tiết mai cài thọ trên chất liệu trừu từ thế kỷ XVIII. Ảnh: Nguyễn Đình.

ĐƠM KHUY DỰNG ĐỨNG TRÊN ÁO LÀ MỘT TRONG CHI TIẾT XÁC ĐỊNH CỔ PHỤC ĐƯỢC NGƯỜI XUÔI LÀM. NGƯỜI MIỀN NGƯỢC KHÔNG BIẾT KỸ THUẬT NÀY.

cổ phục 14

Áo thụ lĩnh với cổ áo dựng đứng, với hai nửa hoa văn nối làm một dọc sống giữa áo, theo lối đậu bông trong kỹ thuật may đo xưa. Ảnh: Nguyễn Đình.

cổ phục 13

Đoạn cài hoa, một trân phẩm dành cho giới cao sang ngày xưa khi may trang phục sử dụng. Ảnh: Nguyễn Đình.

cổ phục 12

Chất liệu vải xưa với lối dệt phối màu ngũ sắc, hoa văn chữ “Thọ”. Ảnh: Nguyễn Đình.

Hỏi chuyện bén duyên với cổ phục Việt, Trương Việt Anh tâm sự: “Cả tuổi thơ, tôi được chứng kiến hình ảnh trồng dâu, nuôi tằm, lấy tơ dệt lụa, cuộc sống lúc đó đẹp lắm, lung linh như tranh vậy. Các cụ gia đình tôi ngày trước có người làm quan Chánh Tổng, có người làm thương nhân, nên cái ăn, cái mặc cũng đọng lại trong tâm trí tôi những hình ảnh đẹp. Khi có điều kiện tiếp cận lĩnh vực thời trang của gia đình, gặp bạn bè quốc tế, tôi nhận ra trong cổ phục có những đường nét, chi tiết, câu chuyện thực sự hấp dẫn, và cứ theo ngày tháng tìm hiểu, qua hình ảnh, hiện vật, qua bưu thiếp sưu tầm, tôi chuyển sang sưu tầm cổ phục từ lúc nào không hay. Cảm giác mọi thứ đến theo trình tự, rất chậm, đến nỗi tôi không nhận ra”.

cổ phục 11

Các lớp lót và khuy cài đều là chi tiết quan trọng của áo dài năm thân. Ảnh: Nguyễn Đình.

Cái “rất chậm” như miêu tả của Việt Anh, cũng đủ hình thành những BST cổ phục giá trị, từ bưu ảnh cổ với nhiều minh họa cổ phục Việt, đến các bộ trang phục dân tộc Dao, H’mông, Thái, Mường, nổi trội là cổ phục người Kinh. Việt Anh tâm sự: “Trong sưu tầm cổ phục, mỗi người có cách lựa chọn riêng. Tôi sưu tầm để giữ lại chất liệu, tập trung vào những chiếc áo dài năm thân, ít người để ý đến nó, thường bị mục rách, và thị trường không còn nhiều, nếu không nhanh giữ, sau này không dễ tìm”.

cổ phục 10

Khuy cài của áo dài năm thân xưa làm từ nhiều chất liệu: đá, gỗ, đồng, ngà, xương. Ảnh: Nguyễn Đình.

cổ phục 9

Một kỹ thuật dệt phối màu (cài hoa) và hoa văn các kiểu chữ “Thọ” theo lối triện. Ảnh: Nguyễn Đình.

ÁO DÀI NĂM THÂN, VỀ YẾU TỐ THỜI TRANG LÀ MỘT THIẾT KẾ ĐẸP, KÍN ĐÁO, ĐÚNG KHÍ CHẤT NGƯỜI VIỆT. VIỆC PHÂN ĐỊNH ĐẲNG CẤP CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG DỰA TRÊN CHẤT LIỆU VẢI DÙNG MAY ÁO.

cổ phục 8

Khuy cài của áo dài năm thân xưa làm từ nhiều chất liệu: đá, gỗ, đồng, ngà, xương. Ảnh: Nguyễn Đình.

Trong sưu tập của Trương Việt Anh, thấy đủ các chất liệu trừu, đoạn, sa, gai, lĩnh… cả những chiếc áo thêu cầu kỳ về đường nét, quý về chất liệu, nhưng tìm hiểu kỹ, nhiều cổ phục được may thêu sai quy cách theo lối sử dụng đương thời. Chị cho biết: “Tôi có những chiếc áo chất liệu trừu từ thế kỷ XVIII, kỹ thuật dệt thể hiện mai cài thọ rất đẹp, nhưng quy cách may không đúng cổ lệ, không thấy đậu bông. Nguồn những chiếc áo này đa phần ở vùng núi, chủ sở hữu là những ông thầy cúng của đồng bào dân tộc, họ may áo, sử dụng truyền từ đời này sang đời kia”.

cổ phục 7

Một sắp đặt cổ phục áo dài ngũ thân thuộc sưu tầm của Trương Việt Anh. Ảnh: Nguyễn Đình.

cổ phục 6

Chiếc áo thêu rồng, dữ tợn, oai vệ, nhưng quy cách thủy ba, mặt rồng, dải vân mây đều sai, khả năng là áo cúng của thày mo mới tự may sau này. Ảnh: Nguyễn Đình.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách – người phục chế cổ phục và các loại vải dệt – đưa ra lý giải: “Trong lịch sử, có những giai đoạn do chiến tranh, loạn lạc, vải quý bị xuống giá, từ trong cung đem bán ra ngoài thừa mứa. Người mạn ngược xuống xuôi đổi chác, thấy vải đẹp mua về tự may. Các loại vải này khi dệt, có ổ hoa văn hai bên mép, nhưng chỉ dệt thành một nửa, người miền xuôi may sẽ ráp lại nguyên vẹn theo khổ vải, gọi là đậu bông, người thượng du không biết chi tiết này nên trong trang phục cổ cùng thời ấy, nếu của người mạn ngược, sẽ không thấy chi tiết đậu bông”.

cổ phục 5

Chi tiết hai mặt trong và ngoài của áo dài năm thân trên chất liệu đoạn cài hoa. Ảnh: Nguyễn Đình.

cổ phục 4

Cổ phục ít nhiều bị tàn phá theo thời gian, tìm được một chiếc áo ngũ thân nguyên vẹn luôn là của hiếm. Ảnh: Nguyễn Đình.

cổ phục 5

Hoa văn phụng ổ, chất liệu vải dành cho nữ giới. Ảnh: Nguyễn Đình.

Cổ phục Việt được nước ngoài sưu tầm từ lâu, nay cạn nguồn, nhiều nhà sưu tập tìm sang tận các sàn đấu giá ở trời Âu để mua lại. Phong trào chơi cổ phục đang lan rộng, là nguồn tư liệu quý giúp mọi người dễ dàng so sánh, đối chiếu, hữu ích cho việc phục chế, phục dựng cổ phục trở nên chuẩn mực và đúng theo nguyên bản.

cổ phục 2

Chiếc áo với chất liệu trừu, hoa văn thọ lồng được dệt từ thế kỷ XVIII. Ảnh: Nguyễn Đình.

“XƯA NỮ MẶC ÁO TỨ THÂN VỚI YẾM, THƯỜNG LÀ YẾM TRÚC BÂU TRẮNG (KHI LỄ LẠT, ĐỎM DÁNG YẾM CÓ THÊM HAI DẢI THẮT EO MÀU ĐÀO) ĐỂ CHE NGỰC. LẤY ĐƯỢC CHỒNG GIÀU, CÔ LÊN CHỨC BÀ, KHÔNG MẶC ÁO TỨ THÂN NỮA, MÀ ĐỔI SANG ÁO NGŨ THÂN. YẾM TRONG TRƯỜNG HỢP NÀY ĐỂ NỊT, ÉP NGỰC.

– Nhà nghiên cứu Trịnh Bách –

cổ phục 1

Nhà sưu tập Trương Việt Anh với BST cổ phục đa dạng. Ảnh: Nguyễn Đình.


Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình

Lược ghi và tuyển chọn:
Nội dung, hình ảnh từ BST bưu thiếp cổ, trang phục cổ của TRƯƠNG VIỆT ANH.


Xem thêm:

Đi tìm hoa sắt nở chốn rào thưa

Dấu ấn bản địa trên hoa sắt Tây