Frank Gehry thường được nhắc đến như một trong các bậc thầy kiến trúc của thế kỷ 20 và 21, cùng với Herzog de Meuron, Rem Koolhaas và Tadao Ando. Ông và Gehry Partners, văn phòng kiến trúc của mình đặt trụ sở tại Los Angeles đã trở thành những nhà tiên phong trong lĩnh vực thiết kế công trình. Thông qua hình thức, không gian và vật liệu, họ không ngừng thử nghiệm những ý tưởng táo bạo, thách thức hiện trạng bằng sự mạnh mẽ, quyến rũ và đầy bất ngờ của các dự án. Điều này đã mang đến cho kiến trúc sư Giải thưởng Pritzker Kiến trúc danh giá năm 1989, một trong số rất nhiều sự công nhận mà ông nhận được. Hiện nay, dù đã ở độ tuổi 90, ông vẫn tiếp tục sáng tạo và nuôi dưỡng thế hệ kiến trúc sư tiếp theo trong văn phòng của mình.
Trước khi bén duyên với kiến trúc, ông đã từng cân nhắc trở thành tài xế xe tải và kỹ sư hóa học. Ngành nghề này thu hút ông bởi mối liên hệ chặt chẽ với nghệ thuật – lĩnh vực mà ông luôn bị hấp dẫn và thường xuyên thể hiện qua các thiết kế. Khẳng định “kiến trúc là nghệ thuật” đã trở thành kim chỉ nam của ông ngay từ những ngày đầu hành nghề. Sự say mê với nghệ thuật điêu khắc của Frank được đặc biệt nhấn mạnh khi ông giành giải thưởng Pritzker.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Nam California, kiến trúc sư làm việc toàn thời gian tại Victor Gruen Associates, phục vụ một năm trong quân đội và được nhận vào chương trình quy hoạch đô thị của Trường Cao học Thiết kế Harvard. Sau đó, ông tiếp tục làm việc cho Pereira and Luckman. Một giai đoạn cộng tác với Gruen đã đưa ông đến một năm lưu trú tại Pháp và cuối cùng, ông quay trở lại Los Angeles và tự thành lập văn phòng riêng vào năm 1962.
Ngay từ đầu, các công trình của ông đã thử nghiệm với vật liệu và hình thức thô ráp, thậm chí mang tính công nghiệp. Cho đến ngày nay, ông vẫn thường xuyên sử dụng các tấm thép và titan. Lưới mắt cáo và “nét đẹp dang dở” cũng thường xuất hiện trong các thiết kế của ông – đặc biệt là những công trình thời kỳ đầu. Với đặc trưng là hình khối năng động và bố cục táo bạo, thiết kế của ông dễ dàng nhận diện được ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Ban giám khảo Giải Pritzker năm 1989 đã viết trong trích dẫn của mình: “Những công trình của ông, đôi khi gây tranh cãi nhưng luôn thu hút sự chú ý, được mô tả theo nhiều cách khác nhau như phá vỡ quy tắc, ngỗ ngược và không bền vững. Tuy nhiên, hội đồng giám khảo đánh giá cao tinh thần không ngừng nghỉ của ông, điều đã biến các công trình trở thành biểu tượng độc đáo của xã hội đương đại với những giá trị mâu thuẫn của nó.”
Sự nghiệp của kiến trúc sư trải dài trên các công trình thuộc mọi loại hình và quy mô – từ văn phòng đến gian hàng, từ nhà ở gia đình đơn lẻ đến tòa nhà chọc trời. Ông cũng đã thử sức với quy mô nhỏ hơn, sáng tạo ra những món đồ nội thất giống như các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. Danh mục sản phẩm của ông bao gồm một dòng đồ nội thất cho Knoll, trang sức cho Tiffany & Co, một chai cognac Hennessy phiên bản giới hạn năm 2020 và túi xách điêu khắc phiên bản giới hạn cho Louis Vuitton.
Ông cũng là nhân tố chủ chốt đằng sau “hiệu ứng Bilbao”. Việc hoàn thành Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao vào năm 1996 đã đưa thị trấn tương đối nhỏ bé ở vùng Basque của Tây Ban Nha lên bản đồ thế giới, hoàn toàn thay đổi vận mệnh của nơi đây chỉ trong một đêm. Điều này là minh chứng cho sức mạnh của kiến trúc đương đại theo một cách chưa từng có.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2011, khi được hỏi về sự nghiệp của mình thay đổi như thế nào sau Bilbao, ông chia sẻ: “Bilbao đã mang lại cho tôi uy tín. Nó khiến cộng đồng hài lòng và tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và thành phố. Quan trọng hơn, công trình được xây dựng đúng theo ngân sách dự kiến. Tất cả những điều đó đều có ý nghĩa tích cực. Mỗi lần đến thăm Bilbao, tôi đều cảm nhận được sự mãn nguyện của mọi người về công trình – những người thuộc Guggenheim và nhiều nghệ sĩ đều yêu thích nó. Tất nhiên, vẫn có những nhà quản lý bảo tàng và giám tuyển cứng nhắc trên thế giới cho rằng đây là cách trưng bày nghệ thuật sai lầm và họ vẫn phàn nàn về nó. Nhưng quan điểm đó đã bị bác bỏ qua nhiều triển lãm. Nó đơn thuần chỉ là sự than vãn.”
Mặc dù được nhiều người coi là một trong những “kiến trúc sư nổi tiếng” tiêu biểu của thế kỷ 20, ông vẫn tỏ ra hoài nghi về thuật ngữ “kiến trúc biểu tượng”. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói: “Tôi nghĩ lịch sử đã chứng minh rằng các công trình công cộng cần tính biểu tượng, bởi chúng sẽ trở thành niềm tự hào của cộng đồng. Từ thời Hy Lạp, La Mã cho đến hiện tại, chúng ta luôn đề cao tính quan trọng về mặt kiến trúc của các công trình công cộng. Chính sự tập hợp của những công trình biểu tượng này đã tạo nên bản sắc của một cộng đồng. Điều đang xảy ra trên thế giới ngày nay là mọi thứ đều được coi là biểu tượng.”
Kiến trúc sư chia sẻ thêm: “Có vẻ như chúng ta đang bắt đầu những bước đầu tiên của việc tạo nên một ngôn ngữ mới hoặc mô hình mới cho việc xây dựng đô thị. Ngày nay, các nghệ sĩ đang dần tham gia vào cuộc chơi, mang đến cá tính và vẻ đẹp cho các thành phố. Họ có những văn phòng hoành tráng như tôi, và họ biết cách xây dựng. Nhiều nghệ sĩ đang ấp ủ những dự án lớn, chẳng hạn như Olafur Eliasson và Anish Kapoor. Họ có nguồn tài chính, mối quan hệ và nguồn lực kỹ thuật để phát triển những công trình vĩ đại, có thể sánh ngang với Tháp Eiffel. Tôi luôn hoan nghênh những nghệ sĩ tài năng với những ý tưởng táo bạo ngoài kia.”
Một vài dự án kiến trúc nổi bật của Frank Gehry:
Nhà của Frank Gehry tại Santa Monica, Mỹ (1978)
Ngôi nhà của kiến trúc sư nằm tại Santa Monica, California. Vốn là một công trình xây dựng từ năm 1920, cho đến năm 1977, ông đã tân trang và mở rộng ngôi nhà. Điểm nhấn của công trình là lớp vỏ kim loại bao bọc xung quanh kết cấu ban đầu, ông đã biến đổi ngôi nhà mang phong cách của thời đại thành một khối hình cứng cáp hơn, mang tính tiện dụng. Công trình thể hiện niềm đam mê của ông đối với khối tích năng động và hình học mạnh mẽ.
Toà nhà Nationale-Nederlanden tại Prague, Cộng Hòa Séc (1996)
Được hoàn thành một năm trước công trình nổi tiếng nhất của kiến trúc sư – Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, tòa nhà Nationale-Nederlanden ở Praha ra đời nhờ sự hợp tác của ông với kiến trúc sư người Croatia-Séc – Vlado Milunić. Thiết kế mang hình khối năng động, gợi liên tưởng đến hình ảnh của một cặp đôi đang ôm nhau nhảy múa với tà váy bay phấp phới và đội mũ cao.
Bảo tàng Guggenheim tại Bilbao, Tây Ban Nha (1997)
Bảo tàng Guggenheim Bilbao chính là minh chứng tiêu biểu nhất cho sức mạnh biến đổi của kiến trúc. Dự án hoàn thành năm 1997 đã biến một thị trấn cảng ven biển, có phần thô sơ, trở thành một thành phố quốc tế với một bảo tàng nghệ thuật đẳng cấp thế giới, nơi thu hút đông đảo du khách tham quan cho đến ngày nay. Giám đốc bảo tàng, Juan Ignacio Vidarte, phát biểu trước thềm “Reflections”, lễ hội kéo dài một tuần kỷ niệm 20 năm thành lập bảo tàng vào năm 2017: “Có hai Bilbao: Bilbao trước Guggenheim và Bilbao sau Guggenheim.”
Phòng hoà nhạc Walt Disney tại Los Angeles, Mỹ (2003)
Tương tự như thành công của Bilbao, giờ đây, Hội trường Walt Disney đã ngay lập tức gợi lên hình ảnh trung tâm Los Angeles, nơi tọa lạc tại số 111 South Grand Avenue. Kiến trúc sư được ủy nhiệm thiết kế công trình ngay trước khi được xướng tên là người đoạt giải Pritzker (1989), đây cũng là dự án lớn đầu tiên của ông tại quê nhà Los Angeles.
Toà nhà IAC tại New York City, Mỹ (2007)
Tòa nhà trụ sở của công ty holding Mỹ IAC ở Manhattan cũng là một công trình tiêu biểu của kiến trúc sư. Được hoàn thành vào năm 2007, đây là công trình đầu tiên do ông thiết kế tại New York. Tòa nhà khẳng định vị trí ven sông của mình bằng những hình khối uyển chuyển, nhẹ nhàng và hiệu ứng phản chiếu gợi lên hình ảnh gợn sóng trên mặt nước. Khác với lớp vỏ bằng tấm titan được sử dụng ở Bilbao hay Phòng hoà nhạc Walt Disney, hình khối của trụ sở IAC được ốp bằng kính mờ, bao gồm các khối tháp xoắn kết nối với nhau ở chân đế và thon gọn hơn về phía đỉnh.
Serpentine Pavilion tại London, Vương Quốc Anh (2008)
Là công trình nằm trong chuỗi dự án kiến trúc nổi tiếng của Serpentine Galleries, thiết kế của Frank Gehry chủ yếu sử dụng gỗ và được các kỹ sư từ Arup hỗ trợ tư vấn. Vào thời điểm đó, ông giải thích: “Gian hàng được thiết kế như một cấu trúc bằng gỗ xẻ, hoạt động như một con phố đô thị chạy từ công viên đến phòng trưng bày hiện có. Bên trong gian hàng, các mái che bằng kính được treo trên cấu trúc gỗ để bảo vệ nội thất khỏi gió và mưa, đồng thời che bóng mát trong những ngày nắng. Gian hàng giống như một nhà hát ngoài trời, được thiết kế để phục vụ như một địa điểm cho các sự kiện trực tiếp, âm nhạc, biểu diễn, thảo luận và tranh luận.”
Tòa nhà 8 Spruce Street tại New York, Mỹ (2011)
Tòa nhà 8 Spruce Street trước đây được gọi là Tháp Beekman và New York by Gehry, từng giữ danh hiệu toà nhà cao nhất ở Tây bán cầu khi khánh thành vào năm 2011. Tòa tháp đa chức năng này kết hợp các căn hộ cao cấp với các khu vực bán lẻ, cùng với một trường học, bệnh viện và các tiện ích khác.
Fondation Louis Vuitton tại Paris, Pháp (2014)
Fondation Louis Vuitton nằm tại khu Jardin d’Acclimatation thuộc Bois de Boulogne, Paris, được ủy quyền bởi tỉ phú Bernard Arnault, là một kiệt tác của những hình khối uyển chuyển và sự nhẹ nhàng. Công trình bao gồm các khối trắng xếp chồng (còn được gọi là “tảng băng trôi”), đặc trưng bởi 12 “cánh buồm” bằng kính cong và được hỗ trợ bởi các dầm gỗ. Kiến trúc sư lấy cảm hứng từ sự nhẹ nhàng của kiến trúc kính và sân vườn thế kỷ 19, bố trí bên trong là 11 phòng trưng bày dành cho các chương trình triển lãm tạm thời và thường trực từ bộ sưu tập của Fondation. Dự án cũng bao gồm một khán phòng, phòng họp, quán cà phê, hiệu sách và các tiện ích giáo dục.
Tháp Luma tại Arles, Pháp (2021)
Uốn lượn với những khối hình học chính là tâm điểm kiến trúc của tháp Luma. Tọa lạc tại Parc des Ateliers, một khuôn viên rộng hơn 100 mét vuông, dự án được hoàn thiện với 11.000 tấm thép không gỉ, thể hiện tầm nhìn của kiến trúc sư người Mỹ trong việc tạo ra những công trình phiêu lãng, thách thức lực hấp dẫn. Không gian rộng 15.000 m2 sẽ là nơi trưng bày triển lãm, các không gian dự án, cơ sở nghiên cứu và lưu trữ của quỹ, cùng với các phòng hội thảo và xưởng.
Prospect Place tại Battersea Power Station, Luân Đôn, Vương Quốc Anh (2022)
Prospect Place ở khu vực Battersea Power Station, Luân Đôn chính là công trình nhà ở đầu tiên của kiến trúc sư Frank Gehry tại Vương quốc Anh. Dự án bao gồm hai tòa nhà và tổng cộng 308 căn hộ, vừa được hoàn thành và đón chào những cư dân đầu tiên vào năm 2021. Kiến trúc sư chia sẻ: “Thành phố này sở hữu một nền văn hóa, lịch sử và sự đa dạng phong phú. Các công trình chúng tôi thiết kế tại Battersea Power Station được định hướng để tồn tại độc lập một cách nghệ thuật giữa bối cảnh đó, đồng thời tôn vinh một biểu tượng được quốc tế công nhận.”
Thực hiện: Quốc Huy | Theo: Wallpaper*
Xem thêm:
Louis Vuitton x Frank Gehry: Sáng tạo không giới hạn