Chủ nhân BST ấm chén thú vị ấy là Nguyễn Đình, cây bút quen thuộc trên các báo, tạp chí ở Sài Gòn với mảng đề tài văn hóa, du lịch khám phá, mạo hiểm. Nhớ những ngày đầu nhập môn chơi ấm chén, Đình kể: “Cái ấm trà bằng đất đầu tiên Đình sở hữu của một bạn người Hoa vùng Chợ Lớn tặng nhân rằm Trung thu 1996. Lúc đấy Đình chưa biết uống trà, nhưng vì ấm đẹp quá nên đi mua trà về pha uống. Nghe nói ấm đất nếu pha ngon chỉ nên dùng cho một loại trà, vậy là lại mua thêm cái khác, cứ thế thành BST lúc nào không hay”.
Không gian sống của Nguyễn Đình được dành tối đa cho BST ấm chén. Mỗi góc nhà, ngăn tủ… khắp nơi đều có sự hiện diện, khi thì bộ ấm tích bằng sứ với đủ kích cỡ từ nhỏ đến lớn, vẽ đề tài bảy ông già trong rừng trúc (Trúc lâm thất hiền), rồi bộ ấm trà đề tài Bát Tiên… Để có được BST đa dạng về kích cỡ, Đình bảo phải tốn kém rất nhiều thời gian, công sức mới làm chủ sở hữu được nó.
Đình chia sẻ nguyên do: “Những dòng ấm sứ vẽ xanh trắng mình sưu tầm thường có niên đại giữa và cuối thế kỷ 19, đây là dòng đồ người Trung Quốc làm rồi đưa sang Việt Nam giao thương. Các gia đình xưa thường đặt mua vài bộ dùng trong dịp trọng đại. Ở thị trường dòng đồ này không nhiều, lâu lâu mới xuất hiện một cái, nếu không săn tìm mỗi ngày, dễ lỡ duyên với nó ngay”.
“Ấm chén cổ đều mang nét đẹp ấn tượng,
không chỉ là kỹ thuật chế tác, lối trang trí,
mà còn là câu chuyện thú vị gắn liền với chủ sở hữu”
Nhóm hiện vật đồ sứ khác trong BST ấm chén của Nguyễn Đình là các dòng đồ vớt từ biển, từ ấm Khang Hy của tàu đắm Hòn Cau đến ấm Ung Chính của tàu đắm Cà Mau… mỗi chiếc ấm trà mang một vẻ đẹp và giá trị riêng. Đình bảo nếu để từng chiếc thì giá trị không lớn, nhưng khi tập hợp lại thành bộ, đa dạng kích cỡ, chủng loại, đề tài trang trí… càng tạo sức hấp dẫn, chí ít là niềm đam mê sưu tầm thêm mãnh liệt, vui thú hơn.
Hỏi tiêu chí chọn ấm trà, Đình tiết lộ: “Đầu tiên phải là đẹp, kế đến là độ tuổi, hiện trạng nguyên lành, khả năng sử dụng tốt, câu chuyện thú vị, yếu tố thật giả, cuối cùng là giá trị thị trường”. Thắc mắc với chuyện giá trị lại là yếu tố cuối cùng để chọn mua, Đình giải thích thêm: “Khi chọn mua một sản phẩm, hay tác phẩm ấm chén mới được làm có đầu tiên. Còn với những hiện vật cổ, có nhiều yếu tố mà tiền không thể giải quyết được, chẳng hạn niên đại đã 200 – 300 năm, những kỹ thuật tạo tác thời ấy giờ không còn, nên khi gặp đúng đồ thật, chuyện giá cả lại thành thứ yếu”.
“Thứ nhất Thế Đức gan gà,
thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần.
Đấy là Nguyễn Tuân nhận định,
nhưng dựa trên kỹ thuật tạo hình
thì ấm Mạnh Thần đẹp nhất”
Lọ mọ trong thú chơi ấm chén cổ, một mảng đề tài nhạy cảm và dễ bị xỏ mũi bởi những chiêu lừa thật – giả đầy biến ảo của thị trường, hỏi Đình có bao giờ bị mua lầm đồ giả, anh thật lòng: “May là chưa bị đóng ngu phí cho việc chọn lầm đồ. Tính mình rất kỹ khi xem ấm, chọn ấm, cũng nhờ nghề báo nên có cơ hội đi khắp nơi, gặp gỡ anh em trong giới sưu tầm; được xem những hiện vật đồ thật trong bảo tàng, trong sưu tập tư nhân nên khi gặp đồ giả, không khó nhận ra những chi tiết khác lạ để dễ dàng đưa ra quyết định đúng”.
Ngồi trò chuyện với Đình trong không gian thưởng trà, ngắm BST ấm chén độc đáo, với Đình, mỗi hiện vật đều ẩn sau đó một tình cảm rất riêng, được anh trân trọng, gìn giữ và cùng chia sẻ đến bằng hữu vẻ đẹp, nét duyên chiếc ấm thông qua những buổi giao lưu trà. Với Đình, nghề chơi ấm chén như một hành trình đầy niềm vui, và anh chẳng dại gì để hành trình ấy bị gián đoạn.
NGUYỄN ĐÌNH
– Nhà báo tự do.
– Sưu tập ấm – chén trà từ 1996.
– Thực hiện các phim khám phá về trà: Vân Nam (Trung Quốc), Đông – Tây Bắc (Việt Nam), Paris (Pháp), Chiang Rai (Thái Lan).
– Tổ chức các buổi giới thiệu trà Shan tuyết cổ thụ trong nước và quốc tế.
Bài: Thiên An | Ảnh: Phan Trọng Đức.
Xem thêm: