“Công năng quan trọng hơn dáng vẻ. Bất kỳ thứ gì trông đẹp đẽ đều có thể bị thay thế, nhưng những gì hiệu quả thì sẽ tồn tại lâu dài”. Đây là câu nói nổi tiếng của Ray Eames khi bàn luận về cách tiếp cận tiên phong của vợ chồng bà trong việc sử dụng vật liệu, kỹ thuật sản xuất và quan niệm thiết kế với phương châm “tốt nhất và phải chăng nhất cho nhiều người”. Họ không quan tâm đến sự đổi mới vì mục đích mở rộng sản xuất mà coi đó là phương tiện giải quyết vấn đề và đưa ra giải pháp cho tất cả mọi người. Điều này giải thích lý do vì sao studio Eames Office lại có những tác động đáng kể trong bối cảnh ngành công nghiệp thiết kế thế kỉ 20 ngày càng hiện đại.
Hành trình sự nghiệp
Charles Eames (sinh năm 1907) bắt đầu sự nghiệp kiến trúc của mình sau khi tốt nghiệp Đại học Washington ở St. Louis. Những tác phẩm đầu tay của ông chịu ảnh hưởng từ kiến trúc sư Eliel Saarinen, người đã mời ông tham gia Học viện Nghệ thuật Cranbrook ở Michigan. Tại đây, ông gặp gỡ người vợ tương lai của mình – Ray Kaiser với xuất thân từ nền tảng mỹ thuật, đặc biệt là hội họa trừu tượng. Bà là thành viên của nhóm Nghệ sĩ trừu tượng Hoa Kỳ trước khi quyết định dừng lại để nâng cao trình độ học vấn. Họ gặp nhau trong thời kỳ cả hai đều đang phát triển tiềm năng sáng tạo, gắn kết qua những ý tưởng chung về việc kết hợp thiết kế với cuộc sống hàng ngày.
Năm 1941, họ kết hôn và chuyển đến Los Angeles, cùng thành lập studio thiết kế riêng Eames Office. Charles tập trung vào kiến trúc và thiết kế công nghiệp, trong khi Ray đóng góp các kỹ năng nghệ thuật độc đáo của mình vào thiết kế đồ họa và phát triển đồ nội thất.
Những khám phá nổi bật
Thiết kế với ván ép đúc
Khám phá quan trọng đầu tiên của studio Eames Office là tập trung vào việc thử nghiệm và phát triển các sản phẩm nội thất với gỗ ván đúc. Ván ép uốn cong từ lâu đã được ứng dụng trong ngành công nghiệp nội thất, nhưng Charles & Ray Eames lại chú ý đến khả năng định hình chúng theo không gian ba chiều để phù hợp hơn với hình dáng tự nhiên của cơ thể người.
Họ đã nhận ra tiềm năng của ván ép đúc trong dự án hợp tác cùng kiến trúc sư người Phần Lan Eero Saarinen, tạo ra chiếc ghế giành giải nhất trong cuộc thi Organic Design in Home Furnishings, diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) ở New York vào năm 1940. Charles và Ray Eames đã sử dụng một thiết bị tự chế (thứ mà sau này họ được cấp bằng sáng chế), có tên gọi là máy Kazaam!, để liên kết nhiều tấm gỗ mỏng bằng nhựa nhiệt rắn nóng chảy xung quanh khuôn, mang đến kết cấu vững chắc không tưởng cho loại vật liệu linh hoạt.
Đến năm 1945, bộ đôi nhà Eames lại tiếp tục có bước phát triển đột phá với loạt đồ nội thất Plywood Group, trong đó thiết kế đáng chú ý nhất là ghế gỗ LCW kinh điển. Chiếc ghế có phần mặt ngồi và lưng cong nhẹ, bo tròn các góc cạnh, được kết nối bằng giá đỡ cao su, tạo ra sự thoải mái ngay cả khi không bọc thêm vải. Thành công đó đã dẫn đến sự trung thành của bộ đôi nhà thiết kế trong việc lựa chọn vật liệu ván ép đúc cho những sản phẩm sau này, chẳng hạn như Eames Elephant – ghế đẩu hình động vật dành cho trẻ em và đã được tái hiện lại bằng nhựa ngày nay. Ngoài ra, kỹ thuật sử dụng nhuần nhuyễn ván ép đúc còn mang đến cho Charles và Ray Eames cơ hội được phụng sự cho đất nước, tạo ra các thanh gỗ và mẫu cáng mà quân đội sử dụng.
Bất chấp những thành công của Plywood Group, nhu cầu về đồ nội thất giá rẻ sản xuất hàng loạt giảm sút nhanh chóng sau khi Thế chiến II kết thúc. Nhiều người nhận định rằng điều đó có thể là một vấn đề nan giải mà vợ chồng Eames phải giải quyết. Tuy nhiên, bộ đôi nhà thiết kế tài ba với tầm nhìn tiên phong đã nhanh chóng đánh bại quan niệm đó khi họ chọn mang một chiếc ghế được chế tác hoàn toàn từ gỗ ván ép đúc đến cuộc thi quốc tế về thiết kế đồ nội thất vào năm 1948, đưa các hình dạng hữu cơ của Plywood Group tiến xa hơn nữa, khẳng định rằng những thiết kế và vật liệu ưa thích của họ có thể đáp ứng cả quy trình sản xuất hàng loạt và những tiêu chuẩn chất lượng cao một cách dễ dàng và đồng đều.
Sử dụng sợi thủy tinh cho cả đồ nội thất và kiến trúc
Không chạy theo xu hướng phát triển vật liệu mới của thời đại, Charles và Ray Eames luôn tìm cách áp dụng và cải tiến những vật liệu hiện có, miễn là chúng tiềm năng. Vì thế, nhựa polyester gia cố sợi thủy tinh, được tạo ra và sử dụng cho vòm radar máy bay cũng như vỏ buồng lái trong Thế chiến II đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của họ.
Thành công của họ nằm ở việc lựa chọn vật liệu mang tính đột phá, vào thời điểm mà nó chủ yếu chỉ được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp. Độ nổi tiếng trường tồn của dòng ghế Fiberglass chính là minh chứng cho điều đó. Sợi thủy tinh nhẹ nhưng cực kỳ bền, chống chịu tốt trước sự hao mòn của môi trường. Khả năng thích ứng của vật liệu cho phép họ đúc ra các hình dạng phức tạp nhất, tạo ra một chiếc ghế thoải mái, đẹp mắt và cực kỳ chắc chắn. Lớp hoàn thiện thô với kết cấu mới mẻ của vật liệu đã trở thành dấu ấn của thiết kế hiện đại.
Trên thực tế, gia đình Eames là những người đầu tiên sử dụng nhựa sợi thủy tinh trong các công trình kiến trúc. Họ thu thập chúng từ các cửa hàng bán lại đồ dư thừa của quân đội, tạo nên những tấm bình phong hiệu quả thay thế cho kính và thép dập cho ngôi nhà Case Study House 8, còn được gọi là ngôi nhà Eames, ở khu phố Pacific Palisades, Los Angeles. Sự thay thế vật liệu này khiến cho toàn bộ thiết kế trở nên phù hợp hơn với nhu cầu nhà ở giá rẻ đang bùng nổ sau khi Thế chiến II kết thúc và tình trạng thiếu hụt thép kéo dài, dẫn đến việc nhiều công trình bị trì hoãn tiến độ trong suốt nhiều năm.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm: