Anh có thể mô tả những nét cơ bản về hành trình nghề nghiệp của mình?
Tôi bắt đầu công việc thiết kế kiến trúc và phát triển công trình xanh từ năm 2007. Có hai điểm chính trong chặng đường sự nghiệp hơn 15 năm của tôi. Đầu tiên, tôi may mắn có cơ hội làm việc với nhiều tổ chức , công ty Việt Nam lẫn quốc tế như Sứ quán Đan Mạch và UNDP (United Nations Development Programme – Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc). Cả hai đều hỗ trợ cho việc phát triển công việc của bản thân trong lĩnh vực thiết kế công trình tiết kiệm năng lượng. Trước khoảng thời gian đó, tôi cũng có cơ hội làm việc với VGBC (Vietnam Green Building Council) để xây dựng bộ công cụ đánh giá công trình xanh đầu tiên ở Việt Nam có tên gọi LOTUS.
Cùng với việc liên tục tích lũy kiến thức qua các khoá học tại Thuỵ Điển, Israel , Mỹ và Đài Loan cho tới hiện tại, tôi và nhóm của mình vừa thực hành thiết kế, vừa đảm nhiệm thực hiện các dự án chứng nhận công trình xanh. Ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như quản lý dự án và nghiên cứu chuyên sâu. Nhìn chung, các dự án mà chúng tôi tham gia đều cố gắng áp dụng các giải pháp thiết kế thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng.
Cơ hội tìm hiểu và nghiên cứu về kiến trúc bền vững và phát triển bền vững (PTBV) của anh bắt đầu từ khi nào?
Sau khi tốt nghiệp Khoa kiến trúc và quy hoạch tại Đại Học Xây Dựng, tôi bắt đầu làm việc cho một công ty thiết kế của Úc trong vòng 5 năm. Đến 2010, nhóm của tôi có cơ hội được tham gia vào dự án The Green One UN House (GOUNH) – Tòa nhà xanh của Liên Hợp Quốc- dự án áp dụng cho bộ công cụ đánh giá LOTUS. Chính vì vậy, ngay thời điểm bắt đầu tham gia nhóm thiết kế, tôi đã bắt đầu tìm hiểu các vấn đề về xanh và bền vững trong lĩnh vực xây dựng. Năm 2012, tôi có cơ hội trở thành quản lý kỹ thuật cho Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC). Có thể nói, tôi và các cộng sự của mình đã rất may mắn vì là những người đầu tiên thực hiện các dự án kiến trúc xanh tại Việt Nam, khi LOTUS vẫn còn đang ở bước đầu trong giai đoạn thử nghiệm.
Công việc hiện tại của anh đang ứng dụng những hiểu biết về PTBV qua những thực hành và dự án cụ thể nào?
Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án thuộc các hạng mục khác nhau áp dụng những kiến thức về PTBV như nhà máy, văn phòng, nhà trẻ và lưu trú…, theo đuổi các chứng nhận xanh như LEED của Mỹ, LOTUS của Việt Nam hay EDGE của IFC World Bank. Kể cả khi không vì mục đích lấy chứng nhận công trình xanh, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực để đưa những giải pháp bền vững vào các dự án của mình như thiết kế thủ động, đưa vào hệ thực vật đa dạng, thông gió tự nhiên, tiết kiệm nước, năng lượng…
Phương pháp nghiên cứu và tài liệu nghiên cứu về PTBV mà anh đang sử dụng bao gồm những hình thức nào? Những tư liệu hiện có tại Việt Nam (bằng Tiếng Việt), miễn phí cho cộng đồng vv.. theo anh đã có nhiều chưa?
Ngoài ra, chúng ta còn có thể cập nhật nội dung về lĩnh vực này thông qua trao đổi với chuyên gia tại các buổi workshop, hội nghị, chẳng hạn như Tuần lễ Công trình xanh diễn ra trong thời điểm này hàng năm. Mặc dù tại Việt Nam, những tạp chí viết về công trình xanh và phát triển bền vững hiện tại không nhiều, nhưng vẫn có một số chuyên đề có nội dung rất đáng tham khảo. Bản thân nhóm chúng tôi cũng đang nỗ lực để xuất bản một ấn phẩm chuyên đề Công trình xanh mỗi quý có tên GSC – Green Sustainable Community, hợp tác với tổ chức phi chính phủ Thụy Sỹ tên là Keep it beautiful Vietnam, nhằm truyền tải những thông tin về kiến trúc xanh một cách gần gũi, dễ tiếp cận hơn với độc giả.
Theo anh, những rào cản trong phát triển nhận thức và vận dụng PTBV trong lĩnh vực Xây Dựng tại VN hiện đang là gì?
Từ thời điểm tôi bắt đầu theo đuổi kiến trúc bền vững cho đến nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, dù đã có những bước tiến rõ nét. Đầu tiên, về mặt kiến thức, dù không còn bị hạn chế về tài liệu như giai đoạn đầu nhưng vẫn còn tồn tại những hiểu lầm, điển hình là công trình xanh sẽ đi đôi với chi phí xây dựng cao. Thứ hai, khung hỗ trợ pháp lý ở Việt Nam chưa thực sự cụ thể. Mặc dù đã có những quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng nhưng vẫn rất khó khăn trong việc áp dụng.
Ngoài ra, cơ chế về hỗ trợ tài chính cho các dự án công trình xanh còn khá mới. Theo tôi được biết, hiện tại, mới chỉ có chứng chỉ EDGE đã hoàn thành cơ chế về hỗ trợ tài chính, đề xuất tỷ lệ cho vay ưu đãi ở một số ngân hàng để hỗ trợ những công trình áp dụng tiêu chuẩn này. Có thể trong tương lai gần, LOTUS cũng sẽ nỗ lực để tạo một chính sách tương tự.
Bên cạnh đó, thói quen của thị trường cần thêm thời gian để thay đổi và đón nhận những giải pháp mới. Với sự tiện lợi của internet, tốc độ cập nhật và tiếp thu thông tin diễn ra nhanh hơn, các chủ đầu tư cũng cởi mở hơn trong việc áp dụng những phương án, giải pháp mới đi sâu vào cốt lõi kỹ thuật thiết bị cũng như lớp vỏ của công trình.
Không thể không nhắc đến tốc độ đô thị hóa nhanh tại Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của nhiều dự án, không bắt kịp với nhận thức về phát triển bền vững để áp dụng. Có thể phát triển nhanh đồng nghĩa với cơ hội để có nhiều công trình áp dụng quy chuẩn xanh hơn, nhưng diễn ra đồng thời là việc ưu tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án hơn là các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Anh đánh giá mức độ nhận biết và quan tâm của công chúng về công trình xanh hiện ở mức độ nào? Mức độ quan tâm và sẵn lòng đầu tư của chủ đầu tư hiện đang ở mức độ nào?
Về phía công chúng, tôi nghĩ tất cả mọi người đã không còn xa lạ và có sự quan tâm tới khái niệm phát triển bền vững trong kiến trúc và xây dựng. Những chương trình như Nét Xanh trong Kiến Trúc của VTV hay Giờ Trái Đất đã rất phổ biến. Tuy nhiên, những hiểu biết chưa được toàn diện. Có thể khi nghe về khái niệm công trình xanh, người ta chỉ nghĩ đến việc đưa nhiều cây xanh vào các tòa nhà thay vì nhận đó là một hướng tiếp cận tổng thể, bao gồm nước, vật liệu, năng lượng hay thậm chí cả các yếu tố liên quan đến vận hành và quản lý.
Về phía chủ đầu tư, vào thời điểm 2010-2012, tôi đánh giá mức độ quan tâm và sẵn sàng tham gia vào các dự án xanh ở Việt Nam chỉ khoảng 5%. Nhưng đến thời điểm hiện tại, con số ấy đã lên đến gần 30%, trong đó 10%-15% quyết định áp dụng. Đây là những con số mà chúng tôi dự đoán và thống kê từ quan sát thực tế các dự án mà nhóm tiếp cận.
Theo anh, những chương trình và hoạt động nào sẽ thu hút và có giá trị với cộng đồng kiến trúc tại VN để lan toả tầm nhìn về PTBV qua góc độ thiết kế kiến trúc?
Để có thể tham khảo và cập nhật những thông tin và kiến thức về PTBV với ngành kiến trúc và xây dựng, những người quan tâm đến lĩnh vực này có thể tìm đến các kênh sau:
Về tài liệu:
-US Green Building Council (USGBC): Các tài liệu học tập và thông tin về xây dựng bền vững, bao gồm các hướng dẫn về chứng nhận LEED và các xu hướng phát triển bền vững.
-International Finance Corporation (IFC): Gồm thông tin chi tiết về tiêu chuẩn EDGE.
-Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC): Đây là nguồn thông tin quan trọng trong nước, cung cấp các tài liệu về chứng nhận LOTUS – tiêu chuẩn công trình xanh dành riêng cho Việt Nam.
Hội thảo và triển lãm
-Tuần lễ Công trình xanh Đây là một sự kiện thường niên do Bộ Xây dựng tổ chức, tập trung vào các giải pháp xây dựng bền vững và phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
-Triển lãm Kiến trúc Xanh: Tổ chức bởi các trường đại học kiến trúc và hội nghề nghiệp, các sự kiện này giới thiệu các dự án xanh nổi bật tại Việt Nam, khuyến khích cộng đồng kiến trúc sư chia sẻ ý tưởng và xu hướng bền vững mới.
Khóa học và chứng chỉ
Khóa học LEED AP, LOTUS AP và EDGE Expert: Các chứng chỉ chuyên môn như LEED Accredited Professional (LEED AP). LOTUS AP hay EDGE Expert giúp các kiến trúc sư nắm vững kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện các dự án bền vững.
Thực hiện: ELLE Decoration Team
Xem thêm
Phát triển công trình xanh – Chìa khóa tiến đến Net Zero Carbon
Thiết kế thụ động: Giải pháp “xanh” hóa kiến trúc
Biophilic Design – Lịch sử kiến trúc xanh kết nối với thiên nhiên