Kiến trúc Modernist: Từ lịch sử đến địa điểm mang tính cộng đồng

Qua thời gian, các công trình Modernist dần trở thành những địa điểm công cộng, góp phần lưu giữ giá trị văn hoá và kiến trúc bản địa cho người dân Sài Gòn.

Gắn liền với nhiều sự kiện nổi bật về chính trị, văn hoá, xã hội của Sài Gòn trong những năm giữa thế kỉ XX. Nhiều công trình Modernist đã ra đời với những dấu ấn đặc biệt về một phong cách kiến trúc tự chủ, giao thoa giữa nền tảng truyền thống và tri thức hiện đại. Trải qua đổi thay của thời gian, một số công trình Modernist dần trở thành địa điểm công cộng mang tính biểu tượng về lịch sử, kiến trúc miền Nam Việt Nam, thu hút nhiều sự quan tâm của thị dân muốn tìm hiểu và thụ hưởng không gian di sản trong thời đại mới.

1. Dinh Độc Lập

phong cach kien truc modernist dinh doc lap

Khánh thành 30.10.1966, Dinh Độc Lập được biết đến là di tích cấp quốc gia đặc biệt – điểm đến du lịch quốc tế, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến thành phố. Công trình bao gồm khu làm việc của tổng thống và chính quyền, khu ở gia đình tổng thống, khu vực phụ trợ và hệ thống tầng hầm. Ảnh: Joshua McHugh.

Hình thành trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động về chính trị, Dinh Độc Lập là công trình kiến trúc mang phong cách Modernist có quy mô lớn và tiêu biểu tại trung tâm Sài Gòn. Dinh được xây dựng nhằm mục đích phục hồi tổng hành dinh của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà sau sự kiện đánh bom của phe đảo chính làm hư hại nghiệm trọng Dinh Norodom 1962 – dinh thự Thống đốc Nam Kỳ theo phong cách Tân Baroque, từng tồn tại trên nền đất cũ của công trình.

Với mong muốn khơi gợi lại bản sắc Việt vào đời sống mới sau thời kỳ thuộc địa, Dinh Độc Lập tựa như bản hoà ca khéo léo giữa phong cách kiến trúc hiện đại với những giá trị truyền thống Á Đông, được đặt để theo đồ án thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ – người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi Nguyên La Mã.

phong cach kien truc hien dai dinh doc lap

Mặt tiền Dinh Độc Lập được KTS Ngô Viết Thụ gửi gắm triết lý phương Đông qua cách sắp xếp bố cục chiếc tự chữ Hán xưa. Bức rèm hoa đá mang hình dáng đốt trúc, đi cùng hệ cửa thép có trục xoay đứng vừa là điểm nhấn thẩm mỹ, vừa giúp điều tiết ánh sáng, lưu thông không khí. Điều này cho thấy kiến trúc Modernist ở Sài Gòn bấy giờ đã quan tâm đến đặc tính khí hậu nhiệt đới và văn hoá Việt trong thiết kế. Ảnh: Joshua McHugh.

phong cach kien truc modernist dinh doc lap

Kiến trúc bên trong sử dụng các hình khối tối giản hiện đại, đường nét ngay thẳng. Hành lang, đại sảnh, các phòng đều lấy câu chính đại quang minh làm gốc. Công trình đã ứng dụng xu thế vật liệu và công nghệ mới trong giai đoạn này như bê tông, kính cường lực, thép, thang máy,… vào không gian. . Ảnh: Joshua McHugh.

phong cach kien truc hien dai dinh doc lap

Dinh Độc Lập có diện tích sử dụng 20.000m2, chia làm 95 phòng, mỗi không gian được thiết kế riêng cho từng mục đích sử dụng. Phòng trình Quốc Thư nổi bật bởi đồ nội thất từ kỹ thuật sơn mài với bức tranh “Bình Ngô Đại Cáo”. Tính dân tộc luôn được kết nối tinh tế, đan xen trong tổng thể không gian kiến trúc hiện đại. Ảnh: Joshua McHugh.

phong cach kien truc modernist dinh doc lap

Khác với tinh thần trang nghiêm ở các phòng làm việc, phòng giải trí gia đình Tổng Thống sử dụng những gam màu pastel nhẹ nhàng, có phần thoải mái, đi cùng với đường cong phóng khoáng từ đồ nội thất. Không gian thay đổi đa dạng, cầu kỳ, thể hiện năng lực và mức độ đầu tư của đội ngũ nhà thiết kế và KTS cho công trình kiến trúc hiện đại bật nhất miền Nam Việt Nam. Ảnh: Joshua McHugh.

2. Đại học Y Dược TP.HCM

Ở một diễn biến khác trong giai đoạn hình thành Dinh Độc Lập 1962 – 1966, đội ngũ văn phòng tư vấn kiến trúc của KTS Ngô Viết Thụ tiếp tục hợp tác với nhóm KTS Mỹ CRS Hoa Kỳ cho xây dựng một công trình kiến trúc Modernist khác, phục vụ cho lĩnh vực giáo dục mang tên Trung tâm Giáo dục Y khoa nằm trên đường Hồng Bàng, Quận 5 – nay được đổi tên thành Đại học Y Dược TP.HCM.

Công trình là tổ hợp những khối nhà kiến trúc hiện đại đặt trong khuôn viên rộng lớn, với 1 đại giảng đường 500 chỗ ngồi, 3 giảng đường với mỗi giảng đường có 300 chỗ ngồi, thư viện và đầy đủ các khu y học cơ sở cùng với các phòng thí nghiệm. Trên bản đồ phát triển đô thị bấy giờ, nơi đây được xem là công trình Modernist thể hiện được đặc trưng kết cấu kỹ thuật của Việt Nam, tận dụng nhiều loại lam gió khác nhau cho phương án ánh sáng tự nhiên và khí hậu.

phong cach kien truc hien dai dai hoc y duoc tphcm

Bản vẽ phối cảnh tổng thể công trình. Bố cục phân tán các khối chức năng được liên kết với nhau bằng lối hành lang có mái che, giúp cho việc lưu thông và kết nối trở nên thuận tiện. Ảnh: manhhai.

phong cach kien truc modernist dai hoc y duoc tphcm

Cấu trúc lam gió cùng hệ thống hành lang rộng giúp giảm thiểu tia bức xạ từ bên ngoài vào công trình. Vật liệu bê tông, bề mặt đá rửa là những chi tiết điển hình của kiến trúc hiện đại nhiệt đới Sài Gòn. Ảnh: Triệu Chiến.

phong cach kien truc hien dai dai hoc y duoc tphcm

Hoạ tiết lam gió được vận dụng đa dạng. Các hướng Đông – Tây đón lượng bức xạ mặt trời lớn, áp dụng cấu trúc vỏ kép như bức tường hoa gió hay hệ thống lam đứng bao bọc khoảng không hành lang, với hướng Bắc – Nam sử dụng lam gió hỗn hợp trên cao tạo sự thông thoáng. Ảnh: Triệu Chiến.

phong cach kien truc modernist dai hoc y duoc tphcm

Cây xanh, hồ nước được đặt vào khoảng trống của khuôn viên tạo cảnh quan tươi mát, điều tiết không khí tự nhiên từ bên ngoài vào công trình. Ảnh: Triệu Chiến.

3. Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM

Được đông đảo người dân biết đến như là thư viện lâu đời mang phong cách Mordenist tại Sài Gòn, thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM ( tên gọi cũ là Thư Viện Quốc Gia ) được khánh thành ngày 23/12/1971 do KTS Bùi Quang Hanh và Nguyễn Hữu Thiện thiết kế với sự cố vấn kỹ thuật của KTS Lê Văn Lắm. Công trình đã thể hiện đặc sắc hình thái vật liệu của kiến trúc hiện đại nhưng được kế thừa ý tưởng nhà truyền thống Việt vào kết cấu bên trong.

phong cach kien truc hien dai thu vien khoa hoc tong hop tphcm

Nằm trong trung tâm Sài Gòn – số 6 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1. Thư viện được chia làm hai khối chính: Khối nằm ngang là các phòng đọc gồm một dãy nhà dài 71 m, ngang 23 m với tầng hầm, tầng trệt, hai lầu và một sân thượng. Khối đứng là kho chứa sách báo có 14 tầng, cao 43m với các mảng tường dày đặc chạy dài theo phương ngang xếp chồng lên nhau, vuông vức như một toà tháp. Ảnh: Joshua McHugh.

Tác giả sử dụng hai khối ngang – dọc, rỗng – đặc mang tính tương phản cao tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng cho người xem. Đồng thời, thư viện đã thể hiện được tính nhất quán hài hoà giữa kiến trúc công năng hiện đại với giải pháp thích nghi khí hậu nhiệt đới nhiều nắng mưa. Đến giai đoạn này, kiến trúc Modernist tại Việt Nam đã khẳng định được tính riêng biệt trong kết cấu và cả nghệ thuật trang trí hoa văn trên công trình.

phong cach kien truc modernist thu vien khoa hoc tong hop tphcm

Dáng dấp nhà sàn truyền thống được thể hiện qua hàng cột bê tông trên mặt hồ tựa dãy hàng hiên. Cách sắp xếp này gợi tả hình ảnh kiến trúc bản địa thân quen, mang đến giải pháp vi khí hậu, điều tiết độ ẩm, giảm nắng nóng miền nhiệt đới. Ảnh: AtelierPRK – Raphaël.

phong cach kien truc hien dai thu vien khoa hoc tong hop tphcm

Cấu kiện kiến trúc gỗ truyền thống cũng được cách điệu và truyền tải qua cột, dầm, công xôn, mái đua,.. giúp che chở công trình khỏi nắng gắt, mưa tạt. Ảnh: Joshua McHugh.

phong cach kien truc modernist thu vien khoa hoc tong hop tphcm

Chạy dọc mặt tiền khối đọc là hệ lam gió cỡ lớn tạo thành bức tường trang trí đẹp mắt, giúp giảm đáng kể tác động nắng mưa từ bên ngoài, nhưng vẫn đảm bảo lượng ánh sáng và luồng khí đối lưu vừa đủ tràn vào không gian đọc bên trong. Hoa văn truyền thống như rồng phượng, chữ thọ, chữ vạn,… cũng được kết hợp nhuần nhuyễn cho toàn công trình với ý nghĩa triết lý dân tộc tốt đẹp. Công trình trở thành biểu tượng kiến trúc Modernist có thủ pháp trang trí đặc trưng tại Sài Gòn. Ảnh: AtelierPRK – Raphaël.

4. Chung cư 42 Nguyễn Huệ

Là toà nhà thương mại với nhiều cửa hàng cà phê, quán ăn, shop quần áo,… nằm trên con phố đi bộ Nguyễn Huệ sầm uất, chung cư 42 Nguyễn Huệ mình chứng cho sự biến đổi về diện mạo và công năng theo thời gian của một công trình kiến trúc Modernist lâu đời, để tồn tại và thích nghi với nhu cầu không gian kinh doanh mới.

phong cach kien truc hien dai chung cu 42 nguyen hue

Chung cư có mặt đứng tối giản theo phong cách hiện đại, được phân chia bởi các thành phần tường, trần, sàn thành nhiều ô vuông không gian hình bàn cờ. Với sự lấp đầy của những thương hiệu dịch vụ, công trình di sản nhuốm màu thời gian đã có một diện mạo đầy màu sắc. Ảnh: Bảo Lê Ca.

Xây dựng vào đầu những năm 1960, chung cư từng là nơi ở của các công chức chính phủ với khối kiến trúc hình chữ U, cao 10 tầng, phân chia thành nhiều gian phòng có diện tích khác nhau như dãy căn hộ 120m2 có ban công hướng ra đại lộ dành cho công chức cấp cao, các căn phòng tinh gọn hơn khoảng 50m2 cho quan chức cấp trung và dãy nhà sau với diện tích nhỏ có lối cầu thang riêng là nơi ở của những người phục vụ. Đi qua những thăng trầm, công trình giờ đây được kế thừa bởi sự sáng tạo và năng động của thế hệ cư dân mới, tạo thành tổ hợp dịch vụ có không gian đa dạng, thuận tiện dành cho giới trẻ và khách du lịch.

phong cach kien truc modernist chung cu 42 nguyen hue

Dẫn đến mỗi cửa hàng là lối cầu thang làm bằng vật liệu đá mài đặc trưng, tạo cảm giác tương phản giữa bên trong – bên ngoài, giữa cái cũ – cái mới, cho thấy năng lực thích ứng của kiến trúc hiện đại trong mục đích sử dụng mới. Việc văn hoá kinh doanh trong chung cư cũ được đón nhận như một hiện tượng cho thấy mối liên hệ hai chiều giữa không gian kiến trúc phải thích nghi với bối cảnh đời sống mới và cách thế hệ trẻ phản ứng lại với công trình kiến trúc trong quá khứ như thế nào. Ảnh: Ashraf fagih.

phong cach kien truc hien dai chung cu 42 nguyen hue

Bề mặt tường ngoại thất sử dụng vật liệu đá rửa, chống hao mòn do thời tiết và ngoại cảnh. Khoảng đệm hành lang được mỗi cửa hàng tận dụng để trang hoàng, thu hút ánh nhìn khách tham quan. Ảnh: Ashraf fagih.

5. Hồ Con Rùa

Nằm tại vị trí Công Trường Quốc Tế, Quận 3, TP.HCM, Hồ Con Rùa là địa điểm công cộng nổi bật mang đậm nét văn hoá đường phố với những hoạt động buôn bán, gặp gỡ nhộn nhịp. Công trình được thiết kế bởi KTS Nguyễn Kỳ theo phong cách Modernist. Đề án được lựa chọn trong một cuộc thi thiết kế ngày 24 tháng 11 năm 1967 và khánh thành năm 1969.

Đi cùng tiến trình thay đổi của vùng đất Sài Gòn, tại đây đã từng tồn tại những biểu tượng lịch sử khác nhau trong mỗi giai đoạn, từ cổng thành của công trình phòng thủ thời Nguyễn đến tháp nước theo quy hoạch thời Pháp, một công trường thể hiện tình hữu nghị của các nước đồng minh thời Việt Nam Cộng Hoà và dần được biết đến với tên gọi Hồ Con Rùa.

phong cach kien truc modernist ho con rua

Nhìn từ trên cao, Hồ Con Rùa là hồ phun nước nhân tạo, được thiết kế theo hình bát giác với 4 lối đi uốn lượn nổi trên mặt nước, giữa hồ có một toà tháp cao 43m đúc bằng bê tông cốt thép hình hoa sen, gồm 25 cánh hoa nâng đỡ hệ kết cấu khung kim loại – nhuỵ hoa. KTS đã đưa bố cục trừu tượng mang tính biểu hiện cao vào trong kiến trúc hiện đại của công trình. Ảnh: Quỳnh Danh.

phong cach kien truc hien dai ho con rua

Theo thiết kế ban đầu, dưới tháp hoa là tượng rùa bằng đồng đội bia đá lớn khắc tên các nước viện trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, kế bên là lễ đài được ốp gạch mosaic và đá cẩm thạch trắng, có lối lên bằng cầu thang bề mặt đá rửa. Sau 1975, tấm bia và tượng rùa bị phá huỷ, cùng sự mất đi của một vài thứ khác như nhuỵ hoa, đỉnh đồng,…, hiện trạng còn lại đã được người dân sử dụng như khuôn viên thư giãn cho đến ngày nay. Ảnh: Joshua McHugh.

Thực hiện: Quốc Hải


Xem thêm: 

Kiến trúc Modernist tại Sài Gòn: Kế thừa di sản trong đời sống hiện đại

Cửa hàng OSC Boutique: Nét cổ điển trong không gian lập thể hiện đại

Cuộc đời KTS Paul Rudolph – Người tiên phong trong chủ nghĩa kiến trúc hiện đại (modernist)