Gốm Bàu Trúc: Sắc đen huyền bí của di sản Champa

Không chỉ là vật dụng trang trí, gốm Bàu Trúc còn là di sản nghệ thuật thủ công của văn hóa Champa sâu lắng, mang những nét độc đáo không thể hòa lẫn.

Gốm là một trong những chất liệu quen thuộc của người Việt Nam với nhiều dòng phổ biến như gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Chu Đậu (Hải Dương), gốm Biên Hòa (Đồng Nai)…Trong đó, gốm Bàu Trúc mang nét độc đáo bởi vẻ ngoài mộc mạc, đường nét đơn giản và kĩ thuật đặc biệt. Đằng sau những dấu ấn giản dị ấy là một câu chuyện văn hóa lâu đời của dân tộc Chăm, tạo nên sức hút đặc biệt đối với những người yêu thích nghệ thuật thủ công và trân trọng giá trị lịch sử truyền thống.

gom Bau Truc van hoa champa

Những sản phẩm gốm Chăm được ứng dụng vào đời sống hiện đại. Ảnh: Yourgreenhn

Bau Truc van hoa champa

Bên cạnh những kiểu dáng truyền thống, gốm Chăm ngày nay có phom dáng đương đại, đáp ứng xu thế thẩm mỹ của thời đại. Ảnh: Yourgreenhn

Di sản văn hóa từ truyền thuyết

Qua hàng trăm năm, gốm Bàu Trúc được hun đúc và gìn giữ tại làng nghề truyền thống cùng tên, nằm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Với tuổi đời vài thế kỷ, ngôi làng này là một trong những làng gốm Chăm lâu đời nhất Đông Nam Á, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử phát triển của gốm sứ Việt Nam. Nơi đây còn là một bảo tàng sống động, lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc Chăm.

gom Bau Truc van hoa champa

Một góc nhỏ của làng gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận. Ảnh: Travellive+

Gần ngàn năm trước, Po K’long Chank, một người bạn thân, đồng thời là quan cận thần của vị vua Vương quốc Champa là Po K’long Giarai (1151 – 1205), đã dạy người dân Bàu Trúc cách lấy đất, nặn rồi nung thành những vật gia dụng. Hình ảnh người phụ nữ Chăm khéo léo nặn từng khối đất sét, tạo nên những tác phẩm gốm thô mộc mà tinh tế đã trở thành biểu tượng và giá trị văn hóa của dân tộc.

Bau Truc van hoa champa

Từng sản phẩm gốm được người nghệ nhân ở đây nâng niu và gìn giữ như cách họ bảo tồn nền văn hóa dân tộc.

Vật liệu đặc biệt

Vật liệu chính làm nên gốm Bàu Trúc là đất sét đen và cát mịn, được tuyển chọn kỹ lưỡng ở xứ đồng Hamu Nulanh từ những cánh đồng ven sông Quao. Các nghệ nhân chỉ khai thác một diện tích đất canh tác hạn chế, đảm bảo sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất và bảo vệ môi trường. Quy trình lấy đất được thực hiện một cách khoa học bằng phương pháp “đất tự mọc đất”, sau mỗi vụ mùa, lớp đất sét giàu dinh dưỡng lại được tự nhiên bồi đắp, tạo thành một nguồn nguyên liệu dồi dào và bền vững.

Quy trình sản xuất gốm Bàu Trúc bắt đầu từ việc tuyển chọn vật liệu, sau được xử lý qua nhiều công đoạn như phơi khô, nghiền nhỏ và nhào trộn. Tùy thuộc vào loại sản phẩm, tỷ lệ giữa đất sét và cát sẽ được điều chỉnh để tạo ra hỗn hợp đất hoàn chỉnh có độ dẻo và kết dính phù hợp.

gom Bau Truc van hoa champa

Hỗn hợp đất sét và cát mịn. Ảnh: Đi Long Nhong

Nghệ thuật tạo hình và phương pháp “nung lộ thiên” truyền thống

Khác với những phương pháp làm gốm thông thường, cách tạo ra gốm Bàu Trúc như một điệu múa độc đáo với đất sét của những người nghệ nhân. Đặc tính mềm, nhão của đất sét địa phương không cho phép họ sử dụng bàn xoay, thay vào đó, các thợ lành nghề đã sáng tạo nên kỹ thuật dân dã “nặn bằng tay, xoay bằng mông”.  Với phương pháp này, người thợ gốm buộc phải kiên nhẫn đi giật lùi, tay “bát” khéo léo từng lọn đất để trong ép, ngoài xoa. Trung bình mỗi ngày, họ di chuyển giật lùi từ 10 đến 12 km chỉ để nặn từ những khối đất thô kệch thành những chiếc bình, ang, chum, lọ hoàn chỉnh.

Bau Truc van hoa champa

Người Chăm không sử dụng bàn xoay vì cốt đất rất mềm và nhão. Ảnh: Tư liệu

gom Bau Truc van hoa champa

Nghệ nhân Chăm đang cặm cụi “nặn bằng tay, xoay bằng hông”. Ảnh: Đi Long Nhong

Bau Truc van hoa champa

Hàng trăm lọ gốm ra đời từ đôi bàn tay của người phụ nữ Chăm. Ảnh: Hoàng Nhung

Một nét riêng biệt khác của gốm Bàu Trúc chính là phương pháp “nung lộ thiên”. Thay vì những lò nung hiện đại, người nghệ nhân đã sáng tạo lò nung thiên nhiên bằng cách chồng lần lượt lớp vỏ trấu, củi, các sản phẩm gốm đã được phơi nắng và lớp rơm khô phủ trên cùng. Thời gian nung đốt mỗi sản phẩm gốm là khác nhau, từ 5-6 tiếng cho những sản phẩm nhỏ gọn, đến 12-14 tiếng qua đêm cho những sản phẩm có kích thước lớn, đòi hỏi độ hoàn thiện cao hơn.

Nhờ nhiệt độ nung thấp từ 600 – 800oC, lớp men trên bề mặt gốm được hình thành một cách tự nhiên, tạo nên những đường vân độc đáo và màu sắc trầm ấm, gợi nhớ đến màu đất và khói lửa. Chính sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật và nghệ thuật đã tạo nên những sản phẩm gốm Bàu Trúc có độ bền và tính thẩm mỹ cao. 

gom Bau Truc van hoa champa

Mỗi đống lửa bập bùng như một nghi thức thiêng liêng. Ảnh: Ngô Tuấn Kiệt

Sau khi nung, sản phẩm được phủ một lớp bóng tự nhiên từ tinh chất vỏ hạt điều, tạo nên hiệu ứng thị giác ấn tượng. Sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc đất nung và bề mặt bóng óng ánh đã tạo nên màu sắc vừa cổ điển, vừa hiện đại cho gốm Bàu Trúc.

Bau Truc van hoa champa

Sản phẩm gốm không chỉ là vật dụng sinh hoạt mà còn mang trong mình linh hồn của đất và lửa. Ảnh: Travellive+

Với những đường nét uyển chuyển, màu sắc trầm ấm mang hồn cốt Champa sâu lắng, gốm Bàu Trúc đã chinh phục trái tim của những người yêu thích cái đẹp. Mỗi sản phẩm gốm đều là một câu chuyện, một hơi thở của lịch sử và văn hóa, mang đến một giá trị thẩm mỹ vượt thời gian.

Thực hiện: Phương Oanh


Xem thêm: 

Bộ sưu tập đồ gốm The Enchanted Orchid: Đối thoại Đông-Tây mới

Bộ sưu tập đồ gốm của Nicolò Morales: Khi nghệ thuật và chức năng hòa hợp

16 loại gốm sứ Nhật phổ biến