Lịch sử ra đời của gốm hoa lam bắt đầu từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16, dựa trên những hiện vật khai quật từ di chỉ lò gốm ở Chu Đậu (thuộc Nam Sách, Hải Dương). Giới khảo cổ định danh cho dòng gốm hoa lam là Chu Đậu. Ở thị trường gốm Việt, từ xa xưa, dân gian đã có câu: “Sứ Giang Tây, gốm Chu Đậu” để nói lên độ phổ biến và thông dụng của dòng gốm trứ danh này.
Dấu ấn nổi bật của gốm Chu Đậu chính là lối vẽ men lam đặc trưng trên nền trắng. Vẻ đẹp khi giản đơn, khi trau chuốt qua các nét phóng bút tài hoa của người thợ gốm từng khiến giới nghiên cứu phải đau đầu vì không thể hình dung gốm Việt lại có những sản phẩm tinh hoa đến vậy, và thường lầm tưởng đây là dòng gốm có xuất xứ từ Trung Hoa xưa. Nguyên do cũng một phần nhiều hiện vật gốm Chu Đậu mang nét trang trí có nhiều đề tài tương đồng với đồ sứ đời Nguyên cùng niên đại.
Điều thú vị của gốm hoa lam Chu Đậu, là rất nhiều hiện vật được tìm thấy từ khắp nơi trên thế giới thuộc các nước khu vực Đông Nam Á, qua Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Pháp… minh chứng dòng gốm này từng có cơ hội giao thương rất rộng, vượt khỏi ranh giới đất Việt. Khai quật nhiều di chỉ ở cố đô Trowulan thuộc vương triều Majapahit, miền Đông Java, Indonesia cũng phát hiện nhiều hiện vật gốm hoa lam Chu Đậu. Đặc biệt tại Nhật Bản, các sản phẩm chén trà gốm hoa lam Chu Đậu du nhập qua con đường giao thương xưa, được các trà sư hiện nay trân quý như một bảo vật.
Nhìn lại lịch sử thương mại cùng thời điểm phát triển của gốm hoa lam Chu Đậu, có thể thấy khi ấy các trung tâm sản xuất gốm sứ lớn tại Trung Hoa gặp khó khăn bởi chính sách hải cấm do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1328 – 1398) ban hành, gắt đến nỗi: “Một thanh gỗ cũng không cho ra biển”. Năm Hồng Vũ thứ 14 (1381) còn: “Cấm dân không được tự tiện xuất hải trao đổi buôn bán với nước ngoài”. Nhờ vậy, ngành hàng đồ gốm các nước lân cận có cơ hội vươn ra thế giới. Gốm hoa lam Chu Đậu chớp thời cơ này, nhanh chóng phát triển kỹ thuật và phong cách để hòa nhập thị trường.
Nhiều kiểu dáng tạo hình của gốm hoa lam Chu Đậu
chưa từng gặp ở các dòng gốm Việt trước đó,
cho thấy sự nắm bắt của thợ gốm với thị trường.
Sản phẩm gốm hoa lam được chế tác
nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Tận dụng nguyên liệu đất sét trắng bản địa, nhưng có thể thấy gốm hoa lam có cốt thai đanh chắc, rắn rỏi hơn so với gốm Lý – Trần. Nguyên do thợ gốm đã biết phối trộn thêm cao lanh vào đất sét. Đề tài trang trí trên gốm hoa lam mang đậm yếu tố hội họa, bằng việc sử dụng bút lông thể hiện, các đường nét hoa lam biểu đạt hình linh thú, hoa văn, sơn thủy… rất đa dạng, sắc nét, mang vẻ đẹp vượt trội về mỹ thuật trang trí trên gốm.
Công phu chế tác trong gốm hoa lam được thể hiện không chỉ qua các hiện vật kích cỡ lớn như bình, đĩa, chum, hay các hình tượng bé xíu bằng đầu ngón chân cái với các loại chim, cá, voi, ngựa… mà còn ở đề tài thể hiện được bố cục chặt chẽ, có lối bổ ô, phân viền rõ rệt, tạo thành tầng tầng lớp lớp trang trí liên hoàn trên hiện vật. Cùng là một sắc men lam, nhưng tùy vào độ pha chế men, lối vẽ khi công bút, khi ý bút, đã tạo nên nhiều sắc độ đậm – nhạt khác biệt nhờ vào kỹ thuật lò nung củi, khiến gốm hoa lam Chu Đậu càng trở nên tinh tế, giá trị, kéo theo sự thoái trào và mất hẳn dòng gốm hoa nâu từng phát triển trước đó.
Bố cục về nội dung, hoa văn cùng các họa tiết,
đề tài trên gốm hoa lam Chu Đậu
rất hài hòa, chặt chẽ, tạo cho từng hiện vật gốm Chu Đậu
một vẻ đẹp tinh tế, riêng biệt, độc đáo,
dễ phân biệt bởi không pha lẫn với những dòng gốm khác.
Gốm hoa lam Chu Đậu cũng là dòng gốm đầu tiên của Việt Nam sử dụng kỹ thuật nung nhiều lần để cho ra các sản phẩm hoa lam kèm tam thái, ngũ thái. Sản phẩm khi hoàn thiện công đoạn vẽ dưới men, đem nung trong lửa lò, lại tiếp tục vẽ tiếp trên men các gam màu khác để minh họa thêm cho màu men lam, đem nung nhẹ qua lửa để giữ màu. Đây là những công đoạn đòi hỏi kỳ công trong chế tác và kỹ thuật lửa hoàn hảo, minh chứng cho sự phát triển cao độ trong chế tác gốm của nghệ nhân Chu Đậu xưa.
Vẻ đẹp đặc sắc của gốm hoa lam Chu Đậu chỉ thực sự được biết đến nhờ các hiện vật tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm, phát hiện ở những năm 1990. Vô vàn hiện vật từ con tàu đắm, với đủ kiểu dáng, kích cỡ từ tượng người, tượng linh thú, bát, chén, đĩa đến các tạo hình nhỏ gọn, tinh tế hơn như bình tì bà, bình vôi, kendi (bầu vú), thủy trì (lọ nhỏ đựng nước), hộp phấn… gây ngạc nhiên cho giới khảo cổ và sưu tầm trong và ngoài nước. Dựa trên hiện vật tàu đắm, các nhà nghiên cứu nhận định gốm hoa lam là dòng gốm Việt hiếm hoi được ví von không thua kém gì các chủng loại gốm sứ khác của các nước trong khu vực.
Bài & Ảnh: Nguyễn Đình.
Xem thêm: