Dị hài theo muôn dạng của Phỗng

Khi cười tươi, hài hước, khi nhăn nhó, lúc trầm ngâm… muôn cảm xúc ấy tụ vào cái dáng chung là tư thế quỳ, bụng phệ, tay như đang dâng hương, dâng đèn… đấy chính là Phỗng – một nhân vật đặc biệt trong nghệ thuật tác tượng dân gian.

Phỗng có từ bao giờ? Sao lại có tên gọi này? Phỗng để làm gì?… những câu hỏi dễ liên tưởng ngay khi nhìn ngoại hình của nhân vật trong vai trò người hầu, hiện diện chủ yếu nơi đền chùa, miếu thờ, lăng tẩm… và một số bộ sưu tập cổ vật tư nhân, bảo tàng. Dựa trên các hiện vật còn lưu lại, có thể xác định niên đại những tượng này sớm nhất là vào thời Lê (1428 – 1527). Phỗng là một dạng tôn tượng (tượng thờ), tên gọi này nếu đem phân tích theo nghĩa chữ, là sự hợp thành của bộ “nhân” và chữ “phụng”, đọc thành Phỗng, nghĩa là người lo việc phụng thờ.

Culture Phong 1

Tượng từ thời Lê Trung Hưng (1533 – 1789) đeo thập tự giá, đây cũng là giai đoạn nhiều nhà truyền giáo phương Tây đến Việt Nam.

Culture ED40 1

Một dáng Phỗng lạ với gương mặt buồn đầy biểu cảm, có lẽ do mới bị bắt về làm tù binh.

Culture Phong 2

Tư thế dâng hương quen thuộc của các hình tượng Phỗng.

Culture Phong 3

Gương mặt kỳ dị, biểu lộ sự bình thản của một tượng ông trong sưu tập của Trần Nguyên Huy (Hà Nội).

Truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của Phỗng, có hai thuyết giải thú vị. Thứ nhất: Phỗng là người đến từ phương nam, với nước da đen, gương mặt góc cạnh, điển hình như tượng ông dâng hương của đền vua Lê Thánh Tông, mang niên đại thế kỷ 17, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam… Đây chính là tù binh người Chàm, bị bắt giữ trong những lần giao tranh với nhà Lê và bị đưa về kinh thành làm nô lệ, phục dịch cho các tầng lớp quyền quý. Giả thuyết thứ hai: Phỗng là người Ngưu Hống, một tiểu quốc ở miền núi phía Bắc của người Thái đen, sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt từ 1337.

Dựa trên các niên đại của Phỗng, hiện vật được xác định sớm nhất chính là tượng vẽ men lam – dòng men đặc trưng của gốm cổ Chu Đậu – sản xuất vào thời Hồng Đức (1470 – 1497) đây là thời kỳ vàng son của Đại Việt dưới tài dẫn dắt của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn chép: “Trước bàn thờ tông miếu tạc hình người nước Ngưu Hống, mắt sâu, bụng lớn, tục gọi là Phỗng…”.

Culture Phong 4

Tượng mặc áo vai mây (vân kiên), với chăm chút rất kỹ từ trang phục đến đầu tóc, chứng tỏ được sống trong quyền quý, cao sang.

Culture Phong 5

Tượng bà lim dim, thể hiện thái độ bất cần đời, hiếm gặp trong thế giới Phỗng.

Culture ED40 2

Gương mặt đặc thù của Phỗng với búi tóc, mắt mũi to, miệng rộng, không giống với cư dân Đại Việt.

Phỗng ở nơi thờ tự không chỉ riêng cho vua quan, mà cả con cháu các đấng bậc quyền quý cũng sử dụng nên khi Lê Quý Đôn viết “Kiến văn tiểu lục” (1777), có nhấn mạnh việc sử dụng tôn tượng tràn lan đến nỗi triều đình nhà Lê ở cuối thế kỷ 18 phải ban lệnh cấm. Hầu hết tạo hình của Phỗng là tính nam, mang tính nữ rất hiếm gặp. Phỗng làm từ gốm rất ít, mỗi tôn tượng, đều là một tác phẩm đẹp vượt thời gian.

Nhiệm vụ của Phỗng được phân định rõ nét, là dâng hương, dâng đèn, nghi trượng (đồ vật bày thờ cúng)… Thuộc thân phận tôi đòi, nên nhìn trong các tạo hình biểu cảm trên nét mặt, thấy ở đó sự bàng quang, thậm chí đến thờ ơ với cảnh đời, kiểu như dù gì đi nữa, tôi cũng chỉ lo việc dâng hương đèn, phục dịch nơi thờ tự chứ chẳng có danh phận gì khác. Một số hình tượng Phỗng thể hiện sự u buồn, đau thương, với nét mặt cau có, đây hẳn là những tượng ông mới bị đem về để lo việc phục dịch.

Culture ED40 3

Gốm men lục, một chi tiết xác định được ông Phỗng này ra đời vào thời Lê Trung Hưng.

Culture Phong 6

Chữ “Phỗng” được in rõ trên vai áo của tượng thời Lê Trung Hưng.

Culture ED40 4

Phỗng trang trí men lam của gốm cổ Chu Đậu, thời Hồng Đức, nhà Lê.

Culture ED40 5

Ông Phỗng đầy nghiêm cẩn dâng hương, hiện vật của đền vua Lê Thánh Tông, Thanh Hóa.

Vị thủ từ Nguyễn Tiến Hùng, đình Vũ Thạch, nơi có thờ đôi phỗng sơn son từ thời Lê cho biết: “Đình làng thờ Phỗng thường là các thần làng ấy có công bình Chiêm”. Nhìn trên các chi tiết trang trí ngoại hình, nhất là những dòng Phỗng gốm, có thể phân định được Phỗng ấy thuộc hàng chủ nhà quan lại quyền quý hay chỉ là thứ dân bình thường. Phỗng ở nhà dân, trang phục đơn sơ lắm, chỉ thấy đầu vấn khăn, đóng khố. Còn ở nhà quan, được trang trí nhiều chi tiết tinh xảo, khuôn mặt cũng lộ vẽ sự an yên, bình thản, ông được mặc áo choàng, ông lại có cả áo vân kiên (áo choàng trên phần vai như áng mây hình khánh). Trong xã hội phong kiến, hễ ai có được áo vân kiên, không phải người tầm thường. Đằng này ở vị thế một tù binh, một kẻ hầu hạ như Phỗng mà được gia chủ ban cho cái áo vân kiên để dùng, hẳn gia thế ấy phải là bậc cao sang quyền quý, chức cao vọng trọng lắm mới có đủ điều kiện chiều người hầu của mình đến vậy.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình


Xem thêm

Tranh trúc chỉ: Nét đẹp truyền thống trong ngôi nhà Việt hiện đại

Những bộ tứ trong văn hóa Việt: Hành trình xuyên lịch sử

Đào – Vớt – Bờ trong thế giới cổ ngoạn (Phần 1)