Tranh trúc chỉ: Nét đẹp truyền thống trong ngôi nhà Việt hiện đại

Mang theo vẻ đẹp đậm bản sắc cùng kĩ thuật chế tác thủ công tỉ mỉ, tranh trúc chỉ trở thành điểm nhấn độc đáo trong ngôi nhà của người Việt hiện đại.

Trúc chỉ là một loại hình thủ công mỹ nghệ truyền thống lâu đời của Việt Nam. Ngày nay, nghệ thuật này được kế thừa một cách tinh tế và sáng tạo, hòa quyện trong không gian sống của người Việt. Theo hoạ sĩ Phan Hải Bằng, trúc chỉ được xây dựng trên nền tảng của nghề làm giấy thủ công truyền thống, kết hợp với các nguyên lý của nghệ thuật tạo hình và kỹ thuật đồ họa hiện đại.

tranh truc chi nghe thuat viet nam thu cong

Ảnh: Tư liệu

tranh truc chi hoa sen nghe thuat thu cong viet nam

Những đường nét mềm mại được thể hiện trên bề mặt óng ánh của tranh trúc chỉ. Ảnh: Tư liệu

Tranh trúc chỉ được làm từ các chất liệu mộc mạc, gần gũi và dễ tìm: Tre-biểu tượng cho sự kiên cường và bất khuất của người Việt Nam, được sử dụng để làm khung tranh và tạo hình các họa tiết trang trí. Giấy-được làm từ vỏ tre, có độ dai và mịn cao, thích hợp để thể hiện những đường nét mềm mại, uyển chuyển. Ngoài ra, các nghệ nhân còn sử dụng xơ sợi của trúc, giang, chuối, ngô, rơm, lục bình, dừa, bã mía… với độ óng và màu sắc khác nhau để làm tranh. Đồng thời, thông qua tính chất của bề mặt, độ thấm hút của từng loại giấy, những tác phẩm sẽ mang đến kết quả khác nhau.

lam giay thu cong

Những nguyên liệu tự nhiên được xử lý theo phương thức xeo giấy thủ công: rửa sạch, ngâm nước vôi trong, nghiền nhỏ nấu thành bột giấy. Ảnh: tư liệu

Là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tranh trúc chỉ được tạo ra bởi bàn tay khéo léo và tâm huyết của người nghệ nhân. Họ tỉ mỉ cắt, tỉa, tạo hình từng chi tiết nhỏ, thổi hồn vào tranh bằng những đường nét tinh tế và sắc sảo.

tranh tran thi le thin thu cong

Tranh trúc chỉ của tác giả Trần Thị Lệ Thìn đã dùng xơ rơm, bèo, tre và đặc biệt là xơ chuối để thực hiện mái tóc. Ảnh: Tư liệu

Để bắt đầu tạo ra tác phẩm, tre được chẻ thành nan mỏng, giấy được ngâm nước cho mềm, xơ tre được nhuộm màu, và keo dán được pha loãng. Sau đó, người nghệ nhân vẽ phác thảo hình ảnh lên giấy rồi tạo hình bằng tay hoặc dụng cụ chuyên dụng. Xơ tre nhuộm màu lúc này được dán lên từng chi tiết của tranh rồi phơi khô, cắt tỉa, và lắp khung hoàn thiện.

tranh truc chi nghe thuat thu cong viet nam

Tranh trúc chỉ thường kết hợp với ánh sáng để đem lại hiệu quả thị giác cao.

Được tạo ra với nhiều chủ đề phong phú, tranh trúc chỉ phù hợp với nhiều phong cách nội thất khác nhau, từ những bức tranh hoa văn lôi cuốn thị giác cho đến phong cảnh hùng vĩ hay hình tượng tâm linh. Hơn cả một vật trang trí, tranh trúc chỉ còn là biểu tượng cho bản sắc văn hóa Việt Nam, lưu giữ được sự công phu và tỉ mỉ của một loại hình nghệ thuật đặc trưng. 

Thực hiện: Quốc Huy


Xem thêm

Những bộ tứ trong văn hóa Việt: Hành trình xuyên lịch sử

Hoa văn thủy ba: Gợn sóng di sản

Các làng nghề mây tre ở Việt Nam