Các làng nghề mây tre ở Việt Nam

Từ một món nghề giết thời gian của người nông dân, Đan mây tre đã phát triển thành nghề thủ công nổi tiếng với các sản phẩm độc đáo và tỉ mỉ, mang theo tâm huyết của người nghệ nhân.

Là một ngành nghề truyền thống dựa trên hai nguồn vật liệu chính là mây và tre, đan lát đã phát triển thành các làng nghề thủ công riêng biệt tại Việt Nam. Những nghệ nhân chuyên tạo ra các sản phẩm đa dạng, từ đồ gia dụng thông thường đến các tác phẩm nghệ thuật phức tạp. Hiện nay, sản phẩm từ các làng nghề mây tre đan ở Việt Nam đã có mặt tại 130 quốc gia, mang lại doanh thu trung bình hơn 200 triệu USD mỗi năm, chiếm 14% giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Qua bài viết này, hãy cùng Elle Decoration khám phá các làng nghề thủ công nổi tiếng trong nước. 

Làng nghề Phú Vinh

Hoạt động từ thế kỉ thứ XVII, làng nghề Phú Vinh thuộc xã Phú Nghĩa – Chương Mỹ – Hà Nội, nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan đẹp mắt, tinh tế với hàng trăm mẫu mã, khác nhau. Các sản phẩm ở đây kết hợp màu sắc truyền thống và hiện đại với nét riêng mang tính bản địa. Ngoài những vật dụng hàng ngày như: khay, đĩa, rổ, rá,…người dân nơi đây còn thể hiện sự tài hoa trong những món đồ lưu niệm đẹp mắt, đòi hỏi kỹ thuật cao như: khung ảnh, đồ trang trí, tranh chân dung, hoành phi, câu đối,…và cả những sản phẩm đồ nội thất. 

do noi that thu cong my nghe dan lat

Ảnh: Tư liệu

Làng nghề Ngọc Động

Thuộc xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, làng nghề Ngọc Động nổi tiếng với nghề đan lát truyền thống, đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Không sử dụng nguyên liệu tre, nứa làm chủ đạo như nhiều làng nghề khác, các nghệ nhân tại đây chủ yếu tận dụng cây mây và cây giang. Từ hai loại cây này, họ đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo như ghế mây, khau, lọ, đĩa, bát,… với nhiều mẫu mã và kiểu dáng. 

Làng Ngọc Động còn nổi tiếng với mây xiên giang – một sản phẩm được đan từ sợi mây xiên kết hợp với nan giang, tạo ra những chiếc giỏ, vali, khay, đĩa… với độ cứng cao, không biến dạng dù ở bất kỳ điều kiện thời tiết nào. 

lang nghe truyen thong

Nghề mây tre đan tại làng Ngọc Động mang lại cuộc sống ổn định cho cộng đồng nhờ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Ảnh: Tư liệu

Làng nghề Bao La

Làng nghề thuộc xã Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế đã thay đổi diện mạo nhờ những sản phẩm đẹp mắt và tinh xảo. Ban đầu, người dân nơi đây làm nghề này nhằm tận dụng thời gian nông nhàn để tạo ra những vật dụng trong gia đình. Dần dần, các sản phẩm được nhiều nơi ưa chuộng, hình thành nhu cầu mua bán trên thị trường và chuyên biệt hóa trong sản xuất. Với hơn 600 năm lịch sử, làng nghề Bao La là nơi sản xuất thúng bền và chất lượng nhất Việt Nam và còn là địa điểm du lịch văn hóa thu hút đông đảo khách thập phương.

san pham luu niem dan lat may tre

Một số sản phẩm hàng lưu niệm của làng đan lát Bao La tại quầy trưng bày Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, TP. Huế. Ảnh: Tư liệu

Không chỉ chế tác các sản phẩm truyền thống như thúng, nia, giàn, sàng… mà các nghệ nhân thủ công tại làng nghề Bao La còn tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, phục vụ cuộc sống hàng ngày và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Làng nghề Liên Khê

Thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nghề đan lát Liên Khê được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ XX. Ban đầu chỉ có một vài hộ chủ yếu ở thôn Kênh Hạ tham gia sản xuất các mặt hàng phục vụ sinh hoạt. Nhưng đến nay, nghề thủ công đã phát triển rộng ra toàn xã và là công việc thường nhật của người dân nơi đây. Song và mây là những nguyên liệu chính được người dân sử dụng. Để làm ra được những sản phẩm đẹp mắt đòi hỏi người thợ thủ công phải làm theo nhiều công đoạn. Trước tiên, sản phẩm được làm theo mẫu, tập trung tại hợp tác xã và thực hiện công đoạn nhúng keo định hình, phơi khô và sơn màu theo yêu cầu của khách hàng.

chat luong dan lat tuyet voi sang tao doc dao

Được biết đến với sự chất lượng và sự sáng tạo, sản phẩm mây tre đan Liên Khê không chỉ phục vụ việc trang trí nội thất theo phong cách văn hóa Việt Nam mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Ảnh: Tư liệu

Làng nghề Tăng Tiến

Làng mây tre đan Tăng Tiến (thuộc xã Tăng Tiến, Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nằm kề bên Quốc lộ 1A. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian hơn 300 năm từ thời Hậu Lê, người dân nơi đây vẫn một lòng gắn bó, chung thủy với nghề. Vốn là một xã thuần nông, trước đây, người dân Tăng Tiến chủ yếu gắn bó với đồng ruộng. Khi đó, nghề đan lát vẫn chỉ được coi là một nghề phụ để người dân kiếm thêm thu nhập. Để làm nên một sản phẩm đối với người thợ đó là một nghệ thuật, sản phẩm mây tre Tăng Tiến càng đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn của người thợ mới tạo nên được. Trong đó, công đoạn chẻ nan đòi hỏi sự chính xác để tạo ra những chiếc nan nhỏ như những chiếc tăm nhưng có độ dài 30 đến 40cm bằng tay. 

noi that dan lat may tre

Từ bao đời nay, người dân Tăng Tiến vẫn say mê với nghề đan lát. Ảnh: Tư liệu

Làng nghề Vân Sơn

Hoạt động từ lâu đời tại xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, làng nghề mây tre đan Vân Sơn nổi tiếng với những sản phẩm mây tre đan tinh xảo. Nhờ vị trí địa lý trên miền núi cao Minh Hóa, người dân dễ dàng tìm được nguồn nguyên liệu chất lượng tốt có giá rẻ như mây, tre, nứa, lồ ô,… được thu hoạch từ trong rừng. Mây tre sau khi thu hoạch được phơi khô, xử lý kỹ lưỡng rồi mới bắt đầu đan. Người thợ thủ công có tay nghề cao; sử dụng các kỹ thuật đan truyền thống để tạo ra những sản phẩm có hình dáng, hoa văn tinh xảo.

lang nghe may tre dan van son thu cong my nghe

Ảnh: Tư liệu

Thực hiện: Vân Thảo


Xem thêm: 

Chikuunsai – Cuồn cuộn mây tre

Chiếc ghế Cocoon Lounge – nét đương đại của mây tre đan

4 cấu trúc căn bản cho công trình làm từ tre nứa