Hoa văn thủy ba: Gợn sóng di sản

Hoa văn thủy ba truyền thống nổi tiếng với những đường nét uyển chuyển, nhịp nhàng, đã “bám rễ, ăn sâu” vào giá trị văn hóa – nghệ thuật Việt.

Nền nghệ thuật tạo hình cổ Việt Nam sở hữu đa dạng dạng thức hoa văn trang trí như hoa sen, hoa cúc, rồng, mây,…. Phần lớn trong số đó vẫn còn được sử dụng phổ biến và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong dòng chảy đương đại với ví dụ tiêu biểu nhất là văn thủy ba hoa văn sóng nước.

hoa van thuy ba song nuoc nghe thuat tao hinh co Viet Nam

Mức độ đa dạng của các dạng thức hoa văn Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Hình tượng văn thuỷ ba có ý nghĩa nhất định trong tâm thức của người Việt, nó hội tụ nhiều yếu tố triết học và tâm linh. Đối với một quốc gia mà nền văn hóa nông nghiệp lúa nước là đặc trưng thì hình ảnh cây lúa bao giờ cũng phải gắn liền với nguồn nước. Và từ đó, hình tượng thuỷ ba – sóng nước đã được người dân đẩy lên thành hình tượng nghệ thuật dân gian, gắn liền với mỹ thuật Việt Nam trong nhiều thế kỷ. 

Ý nghĩa của văn thủy ba 

Trong tiếng Hán Việt, “thủy” nghĩa là nước, “ba” là sóng, thuỷ ba tức là sóng nước. Tuy nhiên với vai trò là một biểu tượng quan trọng trong nghệ thuật tạo hình, ý nghĩa của thuỷ ba không chỉ dừng lại ở sóng nước đơn thuần, mà nó còn đại diện cho khởi nguồn của sự sống. “Vạn vật bắt nguồn từ biển”, những tế bào đầu tiên của sự sống cũng đến từ biển cả và vì thế thuỷ ba phản ánh sự luân chuyển không ngừng, tính bất diệt và một nguồn năng lượng vô tận, qua đó,  khẳng định sự kiên cường của con người trong giai đoạn phải chiến đấu với thiên nhiên và thời tiết khắc nghiệt. 

chan tuong dai Ngo Quyen

Họa tiết sóng nước đều dưới chân tượng đài Ngô Quyền (Hải Phòng). Ảnh: Tư liệu

Giá trị nghệ thuật của thủy ba còn gắn liền với quan điểm thuyết Âm Dương trong triết học Phương Đông. Nó thường biểu trưng cho sự cân bằng giữa hai yếu tố cơ bản: âm đại diện cho yếu tố tính nữ, mát mẻ, mềm mại và dương đại diện cho sự nam tính, nồng nhiệt, mạnh mẽ. Hoa văn này thể hiện tốt sự cân bằng này qua những đường uốn lượn, nhấp nhô và trộn lẫn màu sắc, tạo nên một tổ hợp tương phản nhưng hài hòa. 

Lược sử hình thành của văn thủy ba

Nước là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống cũng như trong sinh hoạt của người dân nên họ đã sớm thiêng hóa và đưa hình tượng nước vào nghệ thuật tạo hình. Tuy nhiên, nước vốn không có hình thù cụ thể nên để biểu thị cho nước người ta phải sử dụng những hình ảnh tượng trưng như đường nét của những con sóng. Cứ như vậy, hình tượng sóng nước được biến đổi dần dần theo nhận thức cái đẹp của con người và được đưa vào nghệ thuật tạo hình với nhiều hình thức khác nhau. 

Quá trình hình thành dạng thức thủy ba phải trải qua hàng nghìn năm biến đổi và phát triển. Ở thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên và Đồng Đậu, tiêu biểu ở chất liệu gốm, có các họa tiết hoa văn hình chữ S được xếp song song theo lối bố cục đứng hơi nghiêng. Một dạng hoa văn khác là lượn sóng hình Sin, đây là một đường lượn đơn giản chạy ngoằn ngoèo uốn đi uốn lại đều đặn thành một băng trang trí. 

Trong lịch sử hình thành văn thủy ba, không thể không nhắc đến một dạng hoa văn quý giá mà người ta gọi là hoa văn khuông nhạc. Sở dĩ có tên gọi đó là vì nghệ nhân gốm lúc kẻ vạch hoa văn đã dùng một vật cứng dẹt, trên đó được chia làm nhiều cạnh nhỏ, nhọn và họ kẻ lên phôi gốm để trang trí trước khi nung. Kết quả việc đó đã tạo nên nhiều đường kẻ song song cách đều nhau giống như khuông nhạc của các bài hát, có lúc là một băng thẳng chạy vòng quanh chu vi của gốm, có lúc lại lượn sóng, uốn lượn đều đặn kiểu hình Sin.

hoa van khuong nhac khoi nguon cua thuy ba

Hoa văn khuông nhạc. Ảnh: Tư liệu

Hình tượng văn thuỷ ba phát triển rực rỡ nhất vào thời Lý – Trần, trở thành khuôn thước rực rỡ nhất đánh dấu thời kỳ vàng son của nghệ thuật tạo hình cổ Việt Nam. Trong thời kỳ này, các dạng thức của hoa văn thuỷ ba đã được đẩy lên mức biểu trưng hoàn thiện nhất. Chúng thường được kết hợp cùng mây gấm, văn khánh để tạo ra những đường diềm đặc sắc. Đến các thời kỳ sau, thuỷ ba trở nên đơn giản hơn, biến hoá vào cuộc sống thuần nông làm nền cho các bố cục lao động giản dị, tượng trưng cho cuộc sống thanh bình, điển hình là các bức chạm lan can trên đá trắng và đá xanh của chùa Bút Tháp cuối thế kỷ XVIII. 

song nuoc hoa sen chim

Họa tiết sóng nước trên lan can chùa Bút Tháp. Ảnh: Tư liệu

Có thể thấy, trong suốt chiều dài lịch sử, văn thủy ba đã ra đời và chuyển biến theo quan niệm của người dân qua từng thời kỳ, nhưng dù thế nào nó vẫn giữ được những nguyên tắc cơ bản và giá trị văn hóa

Các dạng thức của hoa văn thủy ba

Trải qua các thời kỳ, giao hòa với nhiều nền văn hoá khác nhau, thủy ba đã xuất hiện nhiều dạng thức phong phú, tinh tế hơn nhưng phổ biến nhất là các dạng thức sau: thuỷ ba hình Sin, thủy ba hình nấm và thủy ba hình núi.

Thủy ba hình Sin, thường được gọi đơn thuần là sóng nước, là loại thủy ba uốn lượn dàn ngang doãng nhịp nhàng, có nhiều lớp sóng cùng bước nhưng độ cao thì khác nhau, mang đến cảm giác rất thư thái, trang nhã. 

luon song hinh sin gom dieu khac

Hoa văn thủy ba hình Sin. Ảnh: Tư liệu

Loại sóng có thắt chân bên dưới gọi là thủy ba hình nấm. Mỗi ngọn sóng thường có ba lớp to nhỏ lồng vào nhau, một mô típ sóng gồm: hai đến ba tầng tạo bởi những chỗ thắt gãy của đường cong Parabol, cuối ngọn sóng bẻ gấp cong vào để tạo ra chân sóng kề tiếp theo. 

dang thuc hoa van thuy ba

Dạng thức này xuất hiện trên chân tháp Phổ Minh và tháp Huệ Quang với bố cục sóng gần giống với thời Lý. Ảnh: Tư liệu

Cuối cùng, thủy ba hình núi là loại hoa văn sóng nước có doãng chân dáng hình như núi. Sóng vẫn lồng nhau ba lớp, nhô cao nhưng kéo dài hơn và các lớp từ trong ra có số tầng là 1,2,3, chân sóng mở ra bắt liền sang sóng bên cạnh, tạo thành những dây uốn lượn nhịp nhàng theo hình Sin gãy khúc. 

hinh tuong song nuoc hinh nui

Hình tượng sóng nước và núi. Ảnh: Pháp giới an lập đồ

Thông thường, dạng thức văn thuỷ ba hình Sin sẽ kết hợp, bổ trợ với một trong hai loại còn lại, tạo nên sự tương phản nhưng vẫn dung hòa lẫn nhau. 

Văn thủy ba trong nghệ thuật tạo hình cổ Việt Nam 

Trong kiến trúc 

Hình tượng thuỷ ba thường xuất hiện ở chân bệ, cột của các công trình tín ngưỡng. Nó còn được kết hợp với các hoạ tiết hoa lá, sen, mai, cúc… trong điêu khắc gỗ ở hạ lương (đố bậc bước vào) tại tư gia của các gia đình quyền quý hoặc quan lại. Văn thủy ba trong kiến trúc có nhiều phong cách như: phong cách nghệ thuật Tháp Mẫm thế kỷ thứ XII đến XIV, phong cách Mỹ Sơn, Khương Mỹ, phong cách Đồng Dương. Đến giữa thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, hình tượng thuỷ ba lại xuất hiện một cách trang nhã, ca ngợi cuộc sống thanh nhàn lạc đạo, thấm nhuần tư tưởng của Phật giáo.  

hoa van thuy ba trong kien truc den chua

Tu Di đài chùa Phật Tích. Ảnh: EFEO

Trong điêu khắc 

Sự hiện diện của văn thuỷ ba khá đậm nét trong nghệ thuật điêu khắc thời Lý – Trần. Ví dụ, Cột rồng thời Lý được trang trí bằng hình ảnh đôi rồng bay lên từ sóng nước, với các đụn thuỷ ba bạc đầu chồng lên nhau dày đặc như những lớp núi non trùng điệp được thể hiện qua các đường chạm nổi tinh xảo. Hình ảnh này gợi cho chúng ta nhớ đến sự tích vua Lý Công Uẩn nhìn thấy rồng vàng bay lên khi thuyền vua chèo đến vùng sông nước Đại La. 

cot rong thoi ly hoa van thuy ba

Cột rồng thời Lý. Ảnh: Tư liệu

Các nhà nghiên cứu đã rút ra được quy luật đặc biệt khi quan sát các hiện vật điêu khắc cổ, đó chính là tất cả hoa văn thủy ba đều nằm ở phần dưới của bệ đỡ trang trí, nâng những hình tượng, nội dung thăng hoa lên. Vị trí của nước bao giờ cũng phải nằm ở dưới bởi ông cha ta quan niệm rằng nước lên đến đâu sẽ tạo sự sinh sôi nảy nở đến đó còn nước ở bên trên sẽ nhấn chìm sự sống.

Một công trình vô cùng nổi tiếng, được mệnh danh là một trong những tác phẩm điêu khắc cổ đẹp nhất Việt Nam: tượng Adiđà của chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) đã phản ánh rất sát quy luật này. Với chất liệu đá xanh nguyên khối, đá nhám bạc và bàn tay tài tình của người nghệ sĩ, hầu như toàn bộ phần bệ của tượng được phủ một lớp thuỷ ba lộng lẫy với những đường chạm nổi và chạm kênh hết sức tinh xảo, thể hiện sự giao hòa âm dương giữa các hình tượng hoa sen, hoa cúc, rồng, núi và nước, nước dâng lên thì sự sống cũng hiện hữu theo. 

tuong phat cua chua Phat Tich

Tượng Adiđà của chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh). Ảnh: Tư liệu

Trong lễ phục 

Trên y phục của vua chúa, văn thuỷ ba thường xuất hiện ở dải gấu hoặc vạt của áo long bào, được thêu bằng chỉ kim tuyến trên nền gấm vàng với tiết tấu theo dạng thức thuỷ ba hình núi, thêm tua vây rồng ngũ sắc nhằm tôn lên tính uy nghiêm của bậc tôn quyền. Với y phục của hoàng hậu, họa tiết sóng nước thường xuất hiện ở tay áo và được thêu bằng chỉ kim tuyến trên nền lụa bạch hoặc lụa điều với dạng thức hình Sin thoải để thể hiện sự thanh mảnh, mềm mại và tôn quý. 

hoa tiet song nuoc tren ao tuoc vuong thoi le trinh

Thủy ba trên áo của tước vương thời Lê – Trịnh. Ảnh: Sách Trang phục triều Lê – Trịnh

long bao thoi Nguyen

“Không có một chiếc áo long bào nào là không có sự xuất hiện của thủy ba” – PGS, TS, Họa sĩ Đoàn Thị Tình, người đã có những nghiên cứu về thủy ba trên trang phục vua chúa chia sẻ. Ảnh: Bảo tàng MTCĐ Huế

Sang đến thời nhà Nguyễn thì hoa văn thuỷ ba lại xuất hiện dưới gấu áo thanh các, kết hợp nhiều dạng thức khác nhau song không lộng lẫy và cầu kỳ như áo long bào.

hoa van thuy ba song don ao truyen lo

Cận cảnh họa tiết trên áo thủy ba sóng dợn, còn được gọi là áo truyền lô tiến sĩ, loại áo triều đình nhà Nguyễn dùng để ban cho các tân tiến sĩ mặc trong lễ truyền lô được Trịnh Bách phục chế thành công. Ảnh: Trịnh Bách

Hoa văn thủy ba không chỉ xuất hiện tại Việt Nam dưới dạng họa tiết trang trí lăng tẩm, chùa chiền hay trên trang phục của vua chúa mà còn thâm nhập vào trong tranh thờ, tranh dân gian và nghệ thuật tuồng… Ngoài ra, chúng còn phổ biến ở các nước phương Đông khác, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Thậm chí, chúng cũng xuất hiện trong các hình tượng trang trí của Thiên Chúa giáo, chứng tỏ tầm quan trọng của một biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình. 

Thực hiện: Thùy Như 


Xem thêm: 

Hoa sen: Biểu tượng của sự thuần khiết và kiên định

Trong thế giới của gốm: Nét & hồn của hoa văn gốm 

Nét chạm tinh trên nền đá Đại Việt