Điêu khắc đá, tạo tác từ bản địa
Điểm đặc biệt và khác lạ trong chi tiết điêu khắc đá của người Hoa so với các công trình kiến trúc khác trên đất Việt, ấy là toàn bộ các cấu kiện sử dụng chất liệu đá không phải được tác tạo từ bản địa, mà được người Hoa đem đến từ chính quốc. Đến nay, đã qua đôi ba trăm năm, các nét đá ấy vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Người Hoa ở Chợ Lớn là một cộng đồng đa dạng với sự hợp thành của 5 bang hội (Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ – Khách Gia), trong từng hội quán, chùa miếu, hình tượng quen gặp là cặp sư tử đá án ngữ trước lối ra vào. Cùng là sư tử, nhưng tùy bang hội, hình tượng sư tử thể hiện khác biệt, qua đó, có thể đoán biết hội quán ấy thuộc bang hội nào trong nhóm ngũ bang. Hình tượng sư tử thể hiện đa dạng ý nghĩa, trong đó có việc trấn trạch theo tư tưởng Đạo giáo. Cặp đôi với sư tử đực – cái cũng hàm ý âm dương hòa hợp. Trống đá (thạch cổ) ra đời cuối triều Nguyên (Trung Quốc), triều đình cho đẽo trống đá, đặt trước miếu, ai đánh kêu chính là thiên tử. Tương truyền người lập nên nhà Minh là Chu Nguyên Chương đánh thì trống kêu.
Kỹ thuật chạm khắc siêu việt
Các bang hội sử dụng nhiều chi tiết điêu khắc đá có bang Phước Kiến, nổi trội với miếu Nhị Phủ, hội quán Ôn Lăng, hội quán Hà Chương… Đá trang trí ở các công trình này ngoài ý nghĩa sâu xa như việc trấn yểm, canh giữ, xua đuổi xấu xa, đón gọi điềm lành… ở góc nhìn mỹ thuật, còn thể hiện một kỹ thuật đỉnh cao hội tụ độ khó, độ tinh tế, kỳ công, từ trống đá, đến hình tượng sư tử án ngữ, các mảng phù điêu, các cấu kiện kiến trúc hợp thành công trình… Đẹp và độc đáo trong số hiện vật đá điêu khắc ở Chợ Lớn, phải kể đến 4 cây cột hiên ở hội quán Hà Chương, điêu khắc đề tài long giáng. Đây được coi là “báu vật” về chế tác đá theo phong cách người Hoa. Bốn con rồng chạm nổi, liền khối theo hình trụ, như vừa từ thiên cung giáng thế, thể hiện rõ thần thái, cảm xúc, cử chỉ, cùng độ uy dũng, vũ bão của linh thú rồng.
Kỹ thuật điêu khắc trên gỗ được ứng dụng vào đá, tạo ra các mảng chạm kỳ diệu, có chạm chìm, chạm nổi, chạm bong kênh, chạm thông phong… biểu hiện kỹ thuật siêu việt trong chế tác đá kiến trúc. Sư tử, từ một con thú đời thực, khi trở thành linh thú, người thợ điêu khắc đá mượn dáng để tả hình, nét dữ tướng, trấn áp giảm thiểu, thay vào đó là trạng thái tươi vui, uyển chuyển, gần gũi. Ở hình tượng sư tử, các hội quán như Hải Nam, Tuệ Thành cũng xuất hiện trong trang trí, nhưng đường nét điêu khắc có gì đó nghiêm cẩn, chỉn chu, mực thước hơn phong cách khoáng đạt, bay bổng kiểu Triều Châu, Phước Kiến. Các công trình kiến trúc cổ của người Hoa ở Chợ Lớn, nay đều là di sản, và những nét chạm khắc trên đá trang trí, góp phần điểm tô cho di sản ấy thêm đặc biệt, đẹp theo thời gian.
Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình
Xem thêm: