Di sản kiến trúc Chợ Lớn: Minh Hương Gia Thạnh – Ngôi đình hòa nhập

Chợ Lớn có một mái đình mang nét Việt, thờ các vị tiền hiền có công lập làng Minh Hương để người Hoa quần tụ, kiến tạo nơi đất mới thành một vùng đô thị Chợ Lớn, phát triển rực rỡ về kinh tế – văn hóa khắp Nam kỳ lục tỉnh và cả Đông Dương thời xa xưa.

Chi tiết kiến trúc và trang trí Đình Minh Hương Gia Thạnh mang những nét hòa hợp, với cổng sắt mang phong cách chế tác mỹ nghệ đậm ảnh hưởng Tây Âu, kết nối rất mở với không gian nội thất đậm nét Á Đông của đình.

Minh Hương Gia Thạnh vùng Chợ Lớn là công trình kiến trúc mang công năng của một ngôi đình Việt. Đây là minh chứng cụ thể cho việc hòa nhập cộng đồng của người Hoa vào đời sống cư dân bản địa. Bởi theo quan niệm của người Việt, một ngôi làng khi thành lập phải có nơi thờ vị Thành Hoàng làng, người có công khai lập ra đất mới để cộng đồng quần tụ, sinh sống. Mái đình của người Hoa vùng Chợ Lớn không giống bất kỳ phố Hoa nào khác, vốn dĩ tồn tại hình thức chùa, miếu, đền chứ không có đình làng với lối thờ tự như kiểu thức Việt.

Sự hình thành Đình Minh Hương Gia Thạnh, tương truyền do di dân là con cháu của những cựu thần nhà Minh gồm 3.000 binh sĩ cùng gia đình đến hàng phục Chúa Nguyễn Phúc Tần (1620 – 1687) ở Đàng Trong từ 1679,  xin lập nên làng Minh Hương, với hàm ý chọn đất mới làm chốn “Hương” hỏa cho người nhà “Minh”, như một cách bày tỏ lòng tôi trung. Đến 1789 dưới thời vua Lê Chiêu Thống, Minh Hương Xã chính thức thành lập, nhà làng của người Minh Hương ra đời ở vùng Chợ Lớn. Năm 1808, vua Gia Long ban cho tên gọi “Gia Thạnh đường”, và đến 1839 – niên hiệu Minh Mạng thứ 20, cộng đồng người Minh Hương quyên góp dựng nên Đình Minh Hương Gia Thạnh làm nơi thờ cúng và làm việc của các hương chức trong làng.

Kiến trúc hiện tại của Đình Minh Hương Gia Thạnh được xây dựng lại từ năm 1901, thuộc niên hiệu Thành Thái thứ 13, với dấu tích còn thấy rõ ở phần chóp mái nơi hệ “tiếu tượng” của lò gốm Cây Mai ghi Đồng Hòa Diêu Tạo (góc trái mái đình), và góc phải là năm thực hiện: Tân Sửu Niên Lập (1901). Đình có kết cấu chữ Tam, nhưng khác với các kiến trúc chữ Tam khác của Chợ Lớn thường gồm tiền điện – trung điện và hậu điện. Đình Minh Hương Gia Thạnh lại phân thành Võ Ca (trang trí hoành phi, liễn đối, sắc phong…), Chánh Điện (nơi thờ tự chính) và Tri Từ (nơi hội họp, tiếp khách, thờ tự các chức sắc lớn nhỏ của làng).

 

Điểm độc đáo trong đình Minh Hương là bộ liễn đối, hoành phi với đa dạng ý nghĩa và giá trị, như “Thiện Tục Khả Phong” (phong tục tốt đẹp đáng được khen ngợi) được vua Tự Đức sắc tặng cho làng vào năm Quý Hợi (1863). Cùng những đại tự mang nghĩa tốt như “Chí Thành Bất Tức”, “Biến Vu Quần Thần”, “Hoa Bửu Dị Hương”, “Thọ Tư Giới Phúc”, “Trạc Trạc Quyết Linh”, “Thân Tích Vô Cương”…

Chánh điện dùng cho việc thờ tự với Thần lầu chính thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Chánh Đông thờ 2 quan võ: Nguyễn Hữu Cảnh và Trần Thượng Xuyên. Chánh Tây thờ 2 quan văn: Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh. Nơi đây cũng còn lưu câu đối mang bút tích của Trịnh Hoài Đức với nội dung: “Minh đồng nhật nguyệt diệu nam thiên, phụng chữ tường lân, Gia cẩm tú – Hương mãn càn khôn linh việt địa, long bàn hổ cứ, Thạnh văn chương”. (Dịch nghĩa: Minh sáng cùng nhật nguyệt trời Nam, phượng xòe lân múa, Gia tăng điều tươi đẹp – Hương linh bay tỏa ngát đất Việt, rồng chầu hổ phục, Thịnh mãi nét văn chương).

Liễn đối, bao lam, hoành phi… đều là những tác phẩm nghệ thuật được thực hiện kỳ công, chi tiết, tạo nét đẹp xuyên suốt trong không gian kiến trúc đình Minh Hương Gia Thạnh.

Ngôi đình cổ duy nhất của người Minh Hương vùng Chợ Lớn mang sự hòa nhập bản địa nay đã qua trăm năm tồn tại, nét đẹp khác lạ trong kiến trúc và thờ tự của đình, cùng những chi tiết trang trí của đại tự, liễn đối, hoành phi… góp cho vùng di sản Sài Gòn – Chợ Lớn một điểm đến thú vị, một công trình đáng để bảo lưu, gìn giữ cho muôn đời sau.

Thực hiện: NGUYỄN ĐÌNH