Với khả năng biểu đạt gần như vô tận, sơn dầu đã trở thành chất liệu chính của hội họa châu Âu từ thời Phục Hưng và lan rộng ra thế giới từ đầu thế kỷ XX đến nay. Năm 1925, khi thực dân Pháp mở trường Mỹ thuật Đông Dương, tranh sơn dầu bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Nhờ vậy, những thế hệ danh họa xuất sắc bước ra từ ngôi trường này như Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… đã góp phần quan trọng trong việc nâng tầm nền hội họa nước nhà với những bức tranh lừng danh.
1. “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân
Phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng có sức hút với giới nghệ sĩ, từ vẻ đẹp của hình thể, dung mạo cho đến cái đẹp trong quan niệm. “Thiếu nữ bên hoa Huệ” là tác phẩm sơn dầu do họa sỹ Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1943, được coi là bức tranh tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông cũng như là một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ XX. Bằng bút pháp tả thực lãng mạn phương Tây cùng bối cảnh phương Đông trong chính tâm hồn Tô Ngọc Vân, nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam với tà áo dài cách tân hiện lên một cách tinh tế với gam màu trắng và xanh lam giàu xúc cảm.
2. “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn
Bức tranh sơn dầu do họa sỹ Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1943 mô tả chính hình ảnh người cháu gái 8 tuổi của ông. Đây được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, vẽ chân dung của bé Thúy trong bộ trang phục giản dị, đang ngồi trên một chiếc ghế mây được thể hiện theo lối biểu hiện chân thực, không hề có sự khoa trương. Tác phẩm “Em Thúy” được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013 và đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
3. “Chiến lũy” của Lê Anh Vân
Được họa sỹ Lê Anh Vân sáng tác năm 1985, “Chiến lũy” tái hiện khung cảnh Hà Nội năm 1946 bằng một bố cục táo bạo. Giữa dãy bàn gãy đổ, cùng bánh xe bò, tấm bình phong ngổn ngang, hình ảnh bốn người chiến sĩ đầu đội mũ ca nô, mặc áo trấn thủ hiện lên trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong khung cảnh chiến tranh đổ nát ấy, chi tiết lọ hoa tươi bằng vỏ đạn, chú chó đang nằm dưới chân người chiến sĩ, hay con gà trống mang ý nghĩa “đại cát” của Việt Nam hiên ngang đậu trên cao, mang đậm tính biểu tượng, phản ánh mạnh mẽ tinh thần lạc quan, chất lãng mạn, trữ tình cùng nét phóng khoáng, sự yêu đời của người lính Bắc Việt.
4. “Nhìn từ đỉnh đồi” của Lê Phổ
Năm 1937, khi Lê Phổ rời Việt Nam sang Paris học tập, ông đã vẽ “Nhìn từ đỉnh đồi” (View from the Hilltop). Đây là tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời và nghệ thuật của ông, đồng thời thể hiện khát vọng nhớ về quê hương như với danh thắng đẹp và hoang sơ. Không giống với đa số những bức tranh khác của ông, vốn chủ yếu khắc họa hình mẫu người phụ nữ, “Nhìn từ đỉnh đồi” mở ra một khung cảnh vắng bóng người, với gam màu xanh dịu nhẹ và góc nhìn độc đáo ra khung cảnh rộng lớn gợi nên sự hùng vĩ và bí ẩn.
5. “Một buổi cày” của Lưu Công Nhân
Trong giai đoạn cực thịnh của các trường phái Hiện Đại, họa sỹ Lưu Công Nhân đã lồng ghép thêm tinh thần dân tộc và nét bình dị của cuộc sống vào trong các tác phẩm của mình. Trong “Một buổi cày”, ông đã vẽ lên một không gian khoáng đạt diễn tả đoàn người lao động trong buổi sớm mai với con trâu cày ruộng bằng các gam màu vàng nâu trung độ. Bằng những đốm sáng mang hơi thở ẩm ướt từ mặt ruộng cày vỡ, bức tranh này đã gợi lại không khí những năm 60 khi canh tác còn nằm trong hợp tác xã , các xã viên sớm chiều bên nhau bàn việc đồng áng cày cấy.
6. “Chân dung cô Phương” của Mai Trung Thứ
“Chân dung cô Phương” được Mai Trung Thứ vẽ về một phụ nữ trẻ thuộc tầng lớp quý tộc ở Hà Nội vào năm 1930.Bức tranh được trưng bày tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước khi được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris. Người mẫu của tác phẩm – cô Phương – là một phụ nữ trẻ sở hữu vẻ đẹp tự nhiên và duyên dáng. Nhiều nguồn tin cho rằng họa sỹ đã yêu người con gái này. Tuy nhiên, do sự hạn chế của giai cấp xã hội và các chuẩn mực đạo đức, mối quan hệ lãng mạn đã bị cấm đoán.
7. Loạt tranh về Hà Nội của Bùi Xuân Phái
Nhắc đến họa sỹ chuyên khắc họa hình ảnh Hà Nội xưa, không thể không nhắc đến Bùi Xuân Phái, một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất thủ đô. Có lẽ đây chính là lý do Bùi Xuân Phái lại chọn vẽ tranh phố cổ với một trái tim nồng nhiệt và tha thiết. Tuy sử dụng đa dạng chất liệu, từ màu nước, phấn màu cho đến chì than, bút chì, nhưng Hà Nội của Bùi Xuân Phái lại đặc biệt nhất trong những tác phẩm sơn dầu. Không biết từ lúc nào, người ta bắt đầu gọi phố cổ trong loạt tranh của ông là “Phố Phái”, bao gồm: Phố cổ Hà Nội (Sơn dầu, 1972), Hà Nội kháng chiến (Sơn dầu, 1966), Xe bò trong phố cổ (Sơn dầu, 1972), Phố vắng (Sơn dầu, 1981)…
Thực hiện: Vân Thảo
Xem thêm:
Đón Tết nay ngắm tranh Tết xưa
Tranh sơn mài Trần Phúc Duyên: Nhất phiến tài tình, hai con hạc trắng…