Đón Tết nay ngắm tranh Tết xưa

Mang giá trị lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người Việt, những bức tranh Tết từ dân gian đến hiện đại dù khác biệt về thời kì nhưng vẫn thể hiện được cảm xúc và nét đẹp rất riêng của dịp lễ này.

Tết Âm lịch là dịp lễ đầu năm của không chỉ Việt Nam mà còn của các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia. Dù cùng đón chung một cái Tết và chia sẻ một số nét tương đồng nhưng mỗi nước lại có những đặc điểm riêng làm nên bản sắc. Riêng Việt Nam, con giáp thứ 4 là mèo cũng đã rất khác so với các nước còn lại. Không chỉ có vậy, các phong tục ngày Tết của người Việt cũng khác. Từ những món ăn, cách bày trí, thờ tự hay nghi thức, lễ hội và cả tranh vẽ đã làm nên một cái Tết Nguyên Đán rất riêng của Việt Nam.

Theo dòng chảy của lịch sử, người Việt đã ghi lại những hoạt động ngày Tết của mình trong tranh. Vào thế kỉ 17, tranh dân gian Đông Hồ ra đời với những hình ảnh thân thuộc và gần gũi nhưng lại mang hàm ý tốt đẹp cầu chúc một năm mới hạnh phúc đủ đầy. Thịnh hành vào cuối thế kỉ 19 là dòng tranh Hàng Trống đặc trưng của khu Phố Cổ Hà Nội với hai dòng tranh chính là tranh tết và tranh thờ. Đến thế kỉ 20, với sự xuất hiện của văn hóa phương Tây, hội họa Việt Nam nói chung và tranh Tết nói riêng lại bước qua một giai đoạn mới với dấu ấn đặc trưng riêng của mỗi họa sĩ.

Đón Tết hiện đại ngắm tranh xưa  như một cách để khơi dậy nét đẹp truyền thống trong lòng mỗi người con đất Việt mỗi độ Xuân về. Dù xã hội có phát triển đến đâu thì những giá trị văn hóa đẹp đẽ sẽ vẫn tồn tại theo thời gian.

tranh dong ho ngay tet

Tranh Đông Hồ vẽ đàn gà với lời chúc gia tộc sung túc, nhiều con cháu. Hình ảnh này cũng tượng trưng cho cảnh con cháu sum vầy.

tranh dong ho treo tet vu dinh thien at

Không chỉ vẽ những hình ảnh thân thuộc, tranh Đông Hồ treo Tết còn vẽ các nhân vật trong điển cố điển tích. Cặp tranh môn thần Vũ Đình – Thiên Ất được treo trước cửa nhà được xem như vật phong thủy trừ tà.

tranh hang trong ca chep trong trang

Là một trong những bức tranh tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống, bức “Cá chép trông trăng” rất được ưa chuộng để treo trong nhà ngày Tết với mong ước thịnh vượng. Đặc biệt nhà nào có con cháu đang trong tuổi học hành thi cử lại mang thêm ý nghĩa cầu công thành danh toại.

ngu ho tranh hang trong tet

Một bức tranh Hàng Trống tiêu biểu khác gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của người Việt là “Ngũ Hổ”. Năm ông hổ tượng trưng cho ngũ hành gắn liền với văn hóa thờ cúng, nhưng đồng thời cũng biểu trưng cho sức khỏe, may mắn và bình an. Ngoài được thấy ở bàn thờ “Ông Hổ” trong nhà, bức “Ngũ Hổ” còn được xuất hiện ở trong đền chùa, miếu mạo để xua đuổi tà khí và mang lại sinh khí.

 

Sap Tet Le Pho

Là danh họa tiêu biểu của hội họa hiện đại Việt Nam, Lê Phổ hoàn thành bức “Sắp Tết” năm 1937 với màu và mực trên lụa, thể hiện không khí Tết đang gần kề qua hình ảnh người phụ nữ trong tà áo dài bên chậu hoa cúc trắng.

di cho nguyen tien chung

Khung cảnh chợ tết trong bức “Đi Chợ Tết” của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung trên chất liệu lụa, hoàn thành năm 1940.

giao thua ben ho guom

Tranh sơn mài “Giao Thừa Bên Hồ Gươm” (1957) của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

don giao thua

Tranh sơn mài “Đón Giao Thừa” (1958) của họa sĩ Lê Quốc Lộc.

mua xuan nguyen thu

Tranh khắc gỗ “Mùa Xuân” của họa sĩ Nguyễn Thụ hoàn thành năm 1961 vẽ lại khung cảnh tết vùng cao phía Bắc với hình ảnh mẹ con và hoa mận trắng.

xuan tay nguyen tranh khac go

Tranh khắc gỗ “Xuân Tây Nguyên” của họa sĩ Trần Hữu Chất hoàn thành năm 1962.

phong canh mua xuan tran luu hau

Cũng với khung cảnh Tết vùng cao, nhưng họa sĩ Trần Lưu Hậu đã thể hiện quan niệm về cái đẹp mới mẻ qua bức “Phong Cảnh Mùa Xuân” hoàn thành năm 1989.

 

Thực hiện: Hoàng Lê | Ảnh: Tư liệu