Vẽ tranh Hàng Trống: Giàu ở tinh thần

Ông Lê Đình Nghiên hiện đang là nghệ nhân ưu tú duy nhất làm nghề, theo nghề và bảo tồn nghệ thuật dân gian Tranh Hàng Trống. Ông đã chia sẻ cùng BTV của Elle Decoration rằng “làm nghề này không giàu được vật chất nhưng giàu ở cốt cách, ở những giá trị tinh thần mà không ít nghệ nhân dân gian vẫn còn muốn được cống hiến và bảo tồn di sản của tổ tiên muôn đời truyền lại”.

Tôi không có số điện thoại và chỉ biết ông ở căn nhà 22 Phố Cửa Đông, chính vì thế, cuộc ghé thăm tình cờ lại trở thành điều thú vị khi tôi được chứng kiến người nghệ nhân ấy với bàn tay già nua nhưng lanh lẹ đang cầm chì phác từng nét tỉ mẩn cho bức tranh tâm linh thờ các ông Hoàng. Cũng bàn tay ấy nhặt một trong số hàng chục chiếc bút lông trước mặt, cặm cụi nhúng màu nước vờn màu cho từng nét vẽ và bức tranh dần được lên khuôn, lên hình. Vừa vẽ, người nghệ nhân vừa trò chuyện về nghề, về những tâm nguyện, đam mê và tình yêu dành cho những giá trị truyền thống, đậm hồn dân tộc mà ông đang ngày đêm lưu giữ.

“Tôi đến với nghề Tranh Hàng Trống từ rất nhỏ, tôi cũng không nhớ chính xác là năm bao nhiêu tuổi nữa. Tôi chỉ nhớ rằng mình cứ tha thẩn theo ông cụ thân sinh để ông sai lấy bút, pha mực mỗi khi ông vẽ tranh, rồi dần dần được ông dạy cầm bút, vẽ từng nét theo những khuôn mẫu có sẵn… vẽ xong lại được dạy cách chấm màu, cách họa màu để từng bức tranh nổi hình, nổi khối. Cứ ngày qua ngày như vậy, cái nghiệp nó ngấm vào máu tôi lúc nào không biết. Chẳng có sách nào, vở nào dạy bảo, cứ cha truyền, con nối. Cái nghề làm Tranh Hàng Trống đã theo gia tộc tôi mấy trăm năm. Tôi được cái phước của Tổ truyền, Tổ thương nên bàn tay khéo léo và cũng chẳng cần ghi chép gì, tất cả kiến thức nằm hết trong đầu. Có đến hàng trăm bức tranh nhưng nói đến bức nào, hiển hiện ra trong đầu tôi ngay từng chi tiết. Sau khi nghỉ hưu ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi có nhiều thời gian hơn để vẽ, để truyền nghề cho các cháu”.

Mất hàng tuần lễ, thậm chí có bức cả tháng trời nếu như khách yêu cầu làm giả cổ thì mất nhiều công đoạn hơn để chờ mực khô, để tạo cho giấy có màu ngả vàng theo thời gian.

Cũng theo nghệ nhân Lê Đình Nghiên, kiến thức về Tranh Hàng Trống nếu tập hợp lại làm sách thì có đến cả vài trăm trang. Và cũng chưa bao giờ ông làm được một triển lãm đầy đủ vì hàng trăm bức tranh cứ vẽ bức nào thì lại có người đến đặt mua bức đó. Để dạy, để truyền nghề thì đòi hỏi người được truyền nghề phải thật sự say mê mới có thể ghi nhớ trong đầu, bởi chỉ có một số bức tranh dân gian như bức Vinh Hoa (Em bé ôm gà trống), Lý Ngư Vọng Nguyệt (Cá chép trông trăng)… là còn có khuôn, ngoài ra tất cả các bức tranh thờ, tranh tâm linh là đều phải tự vẽ lại.

Hơn nữa, Tranh Hàng Trống có kỹ thuật và phong cách khác biệt. Nếu như ở Tranh Đông Hồ, in viền nét và in màu đều dùng bản khắc gỗ thì ở Tranh Hàng Trống in tranh chỉ dùng ván khắc gỗ, in nét tranh trên chất liệu giấy dó và các nét bút vẽ trên tờ giấy bản là lập tức hiện ra hình ảnh như bay như múa. Chữ trên tranh phải đạt được mức độ: làm rõ nghĩa của tranh, làm cân đối thêm bố cục tác phẩm mà không bị rườm rà. Có mẫu tranh phải sáng tác hàng tháng mới xong.

Tiếp sau đó đến công đoạn bồi tranh. Sự thành công và tồn tại lâu bền của tác phẩm phụ thuộc vào công đoạn này. Sau khi đã có được bản in hoàn chỉnh thì người vẽ tranh dùng bút lông chấm màu để tô lên từng mảng màu đậm nhạt, tùy theo nội dung, đường nét và các loại tranh. Do cách tô màu bằng tay (vờn màu bằng tay, nét cản) của Tranh Hàng Trống nên mỗi tờ tranh đều có đặc điểm và nét sáng tạo riêng. Tranh Hàng Trống không có quy luật xa gần mà chỉ bằng những nét bút đặc tả và cách vờn màu sắc tỉ mỉ nên vẫn tạo hình khối rõ rệt trên nền phẳng của giấy dó. Cái hồn, cái cốt của tranh nằm ở chính những màu sắc dân gian, mang tính dân tộc đó.

Bài: NGỌC ANH – Ảnh: PHẠM QUỐC KHÁNH