Nằm tại vùng khí hậu nhiệt đới đầy nắng, Bali được xem là viên ngọc quý của “đất nước vạn đảo” Indonesia. Hòn đảo này không chỉ quyến rũ du khách bởi bãi biển cát trắng mịn màng hay những cánh rừng nhiệt đới xanh mướt, mà còn bởi nét kiến trúc độc đáo của các resort và khách sạn.
Hầu hết các công trình lưu trú tại Bali được xây dựng dựa trên nguyên tắc bền vững. Chúng thường được nâng lên khỏi mặt đất hoặc áp dụng phương pháp xây dựng đúc sẵn (Prefabrication) nhằm tránh tác động trực tiếp đến cảnh quan và giảm thiểu lượng vật liệu thừa. Ngoài ra, những khu nghỉ dưỡng này còn góp phần lan tỏa nét đẹp truyền thống và thủ công truyền thống Indonesia, tạo nên kết nối sâu sắc giữa thiên nhiên, con người và văn hóa địa phương.
Trong bài viết này, ELLE Decoration giới thiệu đến bạn đọc 6 resort và khách sạn có thiết kế ấn tượng, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững lẫn mang dấu ấn văn hóa bản địa.
1. Resort Lost Lindenberg
Dự án nằm giữa khu rừng rậm nhiệt đới có hệ sinh thái phong phú tại Jembrana, Bali. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Alexis Dornier và Studio Jencquel, resort này nổi bật bởi kiến trúc độc đáo, gồm các tháp nghỉ được xây dựng theo cấu trúc nhà cây, mang đến cảm giác lửng lơ giữa tầng cao của khu rừng xanh mướt.
Resort có tổng cộng 8 phòng ngủ, phân bố hai phòng vào mỗi tháp, được kết nối với nhau bằng thềm xi măng ở tầng trệt và dãy hành lang ở tầng một, khuyến khích du khách giao lưu và chia sẻ trải nghiệm du lịch cùng nhau. Toàn bộ vật liệu xây dựng resort như gỗ Bangkirai, đá xanh Bali… đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, đáp ứng mọi tiêu chí về phát triển bền vững. Kiến trúc mỗi phòng còn được tính toán cẩn thận để kiểm soát ánh nắng và góc nhìn với mặt ngoài lắp thanh gỗ dọc, cửa sổ lớn và mái nhà hình kim tự tháp.
Đọc thêm: Resort Lost Lindenberg: Lững lờ giữa rừng sâu
Ảnh: Robert Rieger
Ảnh: Robert Rieger
2. Treehouse Villas
Gồm bảy biệt thự riêng biệt được bố trí cạnh nhau trên cảnh quan rừng dốc, Treehouse Villas do Stilt Studios thiết kế cho khu nghỉ dưỡng Grün Uluwatu chú trọng hòa hợp với thiên nhiên, khéo léo giữ vững ranh giới mong manh giữa sự sang trọng và trách nhiệm sinh thái. Mỗi biệt thự gồm hai tầng với một phòng khách và hai phòng ngủ, tùy hạng phòng sẽ có lựa chọn tầng trên được chuyển đổi thành sân thượng có tầm nhìn toàn cảnh. Chúng được nâng đỡ bằng chân bê tông và sàn thép vững chắc bên sườn núi, không chỉ giúp giảm tối đa tác động của việc xây dựng lên cảnh quan mà còn làm tăng cảm giác đắm chìm vào thiên nhiên khi tầm mắt của khách lưu trú luôn ngang tầm ngọn cây. “Mặc dù hầu hết đều có chung một thiết kế, nhưng mỗi biệt thự sở hữu nét quyến rũ riêng. Khi bạn thức dậy, trước mặt có thể là đại dương yên bình, khu rừng tươi tốt hoặc những ngọn đồi đẹp như tranh vẽ.” – kiến trúc sư trưởng Prayoga Arya Wirasana chia sẻ.
Mỗi tầng của biệt thự đều được bao phủ bởi lớp kính khung gỗ cao toàn bộ, mang đến tầm nhìn 360 độ quyến rũ. Ảnh: Indra Wiras
Ảnh: Indra Wiras
3. Katamama Boutique Hotel
Khách sạn boutique Katamama tại Seminyak, Bali, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Indonesia Andra Matin vào năm 2015, là trọng tâm của khu nghỉ dưỡng Desa Potato Head do PTT Family phát triển. Thực hiện cam kết tôn vinh di sản văn hóa bản địa, Katamama sử dụng hơn 1,5 triệu viên gạch đất nung thủ công sản xuất tại làng Darmasaba, tạo nên một bức tường ngoại thất độc đáo và bền vững. Nội thất trong 58 phòng của khách sạn này là sự kết hợp hoàn hảo giữa hình thức đương đại với vật liệu và lớp hoàn thiện truyền thống. Tất cả đồ mộc bao gồm: bàn, ghế, tủ, giường… đều được làm từ gỗ tếch Indonesia, do đích thân thợ mộc Surabaya giám sát chế tác. Những tấm thảm và chăn trải giường cũng được nhuộm và dệt thủ công tại xưởng dệt địa phương Tarum hoặc làng dệt dây lan truyền thống ở Tenganan, phía đông Bali.
Ảnh: Katamama
Ảnh: Katamama
4. Bandido Bali
Nằm trên Bán đảo Pecatu ở phía nam Bali, tổ chức không gian của hai biệt thự thuộc dự án nghỉ dưỡng Bandido Bali được lấy cảm hứng từ cầu trúc nhà ở truyền thống của người dân nơi đây. “Con người Bali xây nhà cũng ấm áp, rộng mở và nồng hậu như chính bản chất của họ.” – kiến trúc sư trưởng Javi Diaz cảm thán. Tất cả khu vực đều được phân bổ kết nối, thậm chí chồng chéo lên nhau để ánh sáng và khí trời có dòng đối lưu trôi chảy nhất. Bandido Bali phá vỡ lối sống, làm việc và vui chơi trong những chiếc hộp vuông vắn, buồn tẻ, ngột ngạt bằng không gian thông thoáng, đường nét hữu cơ mềm mại và vật liệu bền vững – nơi con người và thiên nhiên có thể hòa nhập, tre và xi măng có thể cùng nhau nhảy múa.
Nhựa thu được từ các con sông ở Bali được tái chế thành đồ nội thất, chất thải từ một nhà máy đá cẩm thạch được sử dụng để chế tạo bàn, vải chai PET tái chế 100% được sử dụng cho ghế sofa… Tất cả thể hiện cam kết mạnh mẽ của dự án với tiềm lực sinh thái của Indonesia. Ảnh: Ruben Beeris, Dani Monetti
Ảnh: Ruben Beeris, Dani Monetti
5. Desa Hay Resort
Đặc trưng của khu nghỉ dưỡng Desa Hay Resort tại Canggu, Bali do Arkana Architects thiết kếnằm ở hình dạng mái nhà, lấy cảm hứng từ kiến trúc nhà ở truyền thống của người Minangkabau ở đảo Sumatra. Những mái nhà có đầu hồi cong vút lên như cặp sừng trâu, biểu tượng cho sự vươn xa và khát vọng lớn lao. Tuy nhiên, nhóm thiết kế đã khéo léo điều chỉnh, thêm hiên bằng cho phần mái để hòa hợp với ngôn ngữ thiết kế hiện đại. Mái nhà truyền thống được đơn giản hóa, giữ lại đường cong đặc trưng nhưng hạ độ cao để tỷ lệ cân đối hơn. Sự cải tiến này giúp tôn vinh giá trị văn hóa bản địa mà vẫn mang lại sự mới mẻ, đồng thời tạo ra cảm giác thoáng đãng, mở rộng không gian.
Ảnh: Indra Wiras
Ảnh: Indra Wiras
Ảnh: Indra Wiras
6. Soori Bali
Dự án Soori Bali của SCDA Architects nằm trên Tabanan Regency – một trong những vùng đất màu mỡ và đẹp nhất ở Bali. Cảnh quan trải dài từ những ngọn núi lửa và ruộng bậc thang xanh tươi đến những bãi biển cát đen tuyệt đẹp, mang đến cảm giác trú ẩn thanh bình. Toàn bộ cấu trúc của khu nghỉ dưỡng thể hiện sự hiểu biết sâu rộng của tập thể SCDA Architects về đặc trưng khí hậu Indonesia. Các thông số quan trọng như: nền nhiệt, chuyển động của mặt trời và hướng gió khu vực đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để xác định hướng của mỗi biệt thự. Theo đó, hướng chính là hướng Bắc – Nam, nghiêng vài độ về phía Đông để đón ánh nắng buổi sáng. Các ô cửa sổ được trang bị tối đa ở hướng chính để khuyến khích ánh sáng tự nhiên đi sâu vào không gian, trong khi ở phía Tây lại giảm thiểu các ô cửa lớn để giảm nhiệt lượng hấp thụ vào ban ngày. Bắc – Nam cũng là hướng gió chính của các quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới châu Á, vậy nên việc đặt cửa ở mỗi đầu của biệt thự cũng nâng cao hiệu quả thông gió chéo và thanh lọc không khí.
Họa tiết và vật liệu được sử dụng trong khu nghỉ dưỡng Soori Bali có nguồn gốc địa phương. Ảnh: Mario Wibowo
Ảnh: Mario Wibowo
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
Di sản văn hoá đa tầng của Malacca