Malacca là một thành phố nhỏ nằm bên bờ vịnh cùng tên – nơi từng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hàng hải với các nước phương Tây của Malaysia. Nguyên nhân tạo nên sự hấp dẫn trong văn hóa địa phương có lẽ được bắt nguồn từ lịch sử thuộc địa của nơi đây. Từ thế kỷ XVI, Malacca đã liên tục trải qua nhiều chế độ cai trị khác nhau, từ Bồ Đào Nha cho đến Hà Lan và Vương Quốc Anh. Mặt khác, đã từng có một làn sóng di dân của người Trung Quốc thời nhà Minh đến eo biển này để an cư lạc nghiệp. Sự tồn tại của họ đã tạo nên xung khắc về chính trị trước ách đô hộ của thực dân Tây phương, nhưng đồng thời cũng tạo nên sự giao hòa mới mẻ trong nghệ thuật trang trí và kiến trúc địa phương.
Kiến trúc nhà phố xưa được giữ lại đến ngày nay. Ảnh: Adam Dean
Giếng trời của Bảo tàng Baba-Nyonya, đồng thời là nhà cổ Peranakan. Ảnh: Thiên Trang
Mặt tiền trang trí rực rỡ của một căn nhà phố Malacca. Ảnh: Thiên Trang
Malacca được quy hoạch theo kiểu thành thị phương tây cổ với các con đường tương đối hẹp. Một số khu phố được nối dài bởi những ngôi nhà phố (shophouse) đầy sắc màu nằm san sát nhau. Khung cảnh cổ kính ở đây khá tương đồng với Georgetown, Penang – một thị trấn với bề dày văn hóa đặc sắc không kém nằm ở phía bắc Malaysia.
Tuy nhiên, bên trong những ngôi nhà phố kiểu cách Tây phương này lại được trang trí đậm nét Trung Hoa cổ truyền. Lý do là chủ nhân của chúng là người Peranakan – tộc người Malaysia lai Trung Quốc. Cách đây vài trăm năm lịch sử, các doanh nhân người Hoa di cư đến Malacca đã lập gia đình với phụ nữ địa phương. Họ đã cùng nhau tạo nên một cộng đồng người lai Peranakan và hậu duệ của họ được thừa hưởng cả hai dòng chảy di sản truyền thống Trung Hoa – Mã Lai. Các giá trị tinh thần này đã được truyền vào nghệ thuật trang trí, sắp đặt và kiến trúc ở Malacca. Một trong những ngôi nhà di sản Peranakan nổi bật nhất nhất ở thành phố lịch sử này là Bảo tàng Baba-Nyonya. Đây vốn là nhà của một hậu duệ Hoa kiều và là một trong hai ngôi nhà duy nhất ở Malaysia (công trình còn lại nằm ở đảo Pulau Penang) có cầu thang khảm xà cừ – một vật liệu cực kỳ quý hiếm và có giá trị cho đến tận ngày nay, thể hiện sự danh giá của gia tộc chủ quản.
Ngoài cầu thang, nhiều đồ nội thất trong nhà cũng được khảm xà cừ. Ảnh: Baba and Nyonya Heritage Museum
Quảng trường Hà Lan, hay còn được gọi là Stadthuys (trong tiếng Hà Lan cổ nghĩa là tòa thị chính hoặc quảng trường), là di tích lịch sử mang tính giao thoa văn hoá giữa Anh và Malaysia. Ngoài các tên gọi chính thống, người dân địa phương còn gọi đây là khu quảng trường đỏ do toàn bộ công trình ở khu vực này đều được sơn màu đỏ cam đặc trưng của chính quyền Hà Lan thời bấy giờ. Nghệ thuật kiến trúc và trang trí của các tòa nhà ở đây cũng theo hơi hướng Phương Tây đặc trưng. Ngay phía trước quảng trường là đài phun nước Nữ hoàng Victoria, được xây dựng vào năm 1901 khi nước này đang thống trị Malacca. Đây là công trình nhằm kỷ niệm sự trị vì của nữ hoàng Victoria..
Quảng trường đỏ – vết dấu từ thời kỳ thuộc địa Hà Lan. Ảnh: Thiên Trang
Famosa vốn là một pháo đài bề thế do đế quốc Bồ Đào Nha xây dựng để phục vụ cuộc chiến với hồi quốc Malacca. Tuy nhiên, sau khi người Hà Lan chiếm đóng nơi này, họ đã cho phá hủy công trình và chỉ giữ lại các bức tường cổ. Sau đó, khi thành phố này rơi vào tay người Anh, họ lại tiếp tục phá hủy các bức tường. Phần còn lại mà chúng ta có thể nhìn thấy ngày nay là cổng Porta de Santiago và pháo đài Middelburg. Dù chỉ còn là tàn tích, công trình kiến trúc này vẫn giữ được nét riêng và hấp dẫn du khách.
Pháo đài Famosa. Ảnh: Uwe Aranas
Phố Harmony có tên thật trên bản đồ là Jalan Tukang Emas. Sự hoà quyện trong tên của khu phố có từ vị trí hội tụ trên cùng một con đường của ba địa điểm tôn giáo nổi tiếng. Đi dọc theo con đường từ ngoài bờ sông Malacca vào, ta sẽ bắt gặp đền thờ Hindu Sri Poyatha Moorthi. Đây là ngôi đền Hindu cổ nhất ở Malaysia được xây dựng bởi lãnh đạo của cộng đồng Chitty – cộng đồng người theo đạo Hindu ở Malaysia.
Ảnh: Thiên Trang
Ảnh: Thiên Trang
Qua khỏi đền thờ Hindu giáo là đền đạo hồi Masjid Kampung Kling. Ban đầu, khi mới hoàn công vào năm 1748, toàn bộ ngôi đền được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ nhưng đến năm 1872, các cột gỗ bên trong đền bị xuống cấp nên đã được xây dựng lại bằng gạch. Sau đó, Malacca lại tiếp tục trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chịu sự ảnh hưởng của nhiều ách đô hộ khác nhau nên ngôi đền Kampung Kling cũng được tu sửa nhiều lần theo nhiều xu hướng thẩm mỹ. Tuy nhiên, dù qua bao lần đổi thay, tổng thể kiến trúc của ngôi đền Hồi giáo này vẫn giữ được nét truyền thống của Malaysia bản địa cùng với các kiểu thức trang trí của Anh, Bồ Đào Nha và Trung Quốc. Công trình có thức cột Ionic, gạch tráng men và một chiếc đèn chùm lộng lẫy từ thời Victoria. Ngoài ra, các phần gỗ còn lại của ngôi đền cũng được điêu khắc tinh xảo theo phong cách Trung Hoa pha lẫn Hindu.
Ảnh: Thiên Trang
Điểm cuối của con phố là Cheng Hoon Teng – một ngôi đền Phật giáo do người Hoa thành lập. Tương truyền, công trình được xây dựng theo tư duy thẩm mỹ của thời nhà Minh, sau khi người Hoa ở thời kỳ này di cư xuống eo biển Malacca và an cư lập nghiệp. Cheng Hoon Teng nguyên gốc là đền thờ phật Quan Âm. Sau đó, nhiều gian thờ phụ đã được bổ sung để thờ các vị thần Trung Hoa khác cũng như làm nơi để các bài vị tổ tiên. Toàn bộ kiến trúc tuân thủ đúng niềm tin vào thuật phong thủy, với tầm nhìn hướng ra sông Malacca và gò đất cao ở xung quanh.
Phố Harmony – con phố đặc sắc với các cộng đồng tôn giáo đặc trưng. Ảnh: Sưu tầm
Đền Cheng Hoon Teng. Ảnh: Sưu tầm
Đền Cheng Hoon Teng. Ảnh: Sưu tầm
Được UNESCO công nhận là “Di sản văn hoá thế giới”, với sự phong phú trong văn hoá cùng những di sản kiến trúc được gìn giữ, Malacca là một điểm đến lý tưởng dành cho những ai muốn tạm rời khỏi sự đông đúc và náo nhiệt của những thành phố lớn để trải nghiệm những khoảnh khắc chậm rãi và hoài cổ.
Thực hiện: Thiên Trang
Xem thêm:
Căn hộ Eixample: Thẩm mỹ tối giản gìn giữ di sản Tây Ban Nha
Nhà Thờ Việt Nam: Hòa Thanh Giữa Di Sản và Thời Gian
Khám phá di sản kiến trúc Ấn Độ tại các thành phố ở bang Rajasthan