Tết Nguyên Đán, hay còn được gọi bằng những chiếc tên thân thương khác như “Tết ta”, “Tết Âm lịch”, “Tết Cổ truyền” hay đơn giản chỉ là Tết, là một dịp lễ đón năm mới theo âm lịch của các nước Đông Á. Với sự giao thoa của khối Đồng Văn Hoa Hạ, Tết Nguyên đán được tổ chức rộng rãi và ở nhiều đất nước, như Trung Quốc, Đài Loan với tên gọi “Tết Trung Quốc”, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên với tên gọi “Seollal”, Nhật Bản gọi là “Tết Nhật Bản” và các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Tại Việt Nam, trước ngày Tết chính thức còn có các phong tục khác như “cúng Táo Quân” (23 tháng Chạp Âm Lịch) và “cúng Tất niên”. Thường diễn ra trong khoảng cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết 7 mùng tháng Giêng), dịp lễ này là thời điểm người người nhà nhà quây quần bên gia đình và những người thân yêu. Tiết trời xuân sang không chỉ khiến mọi người đều nô nức sắm sửa vật dụng, lau dọn nhà cửa, chuẩn bị cho một năm mới sắp đến, mà còn là những khi mọi người sum vầy bên nhau. Những trò chơi dân gian nổi lên tại thời điểm này như một khoảnh khắc giải trí khiến mọi người gắn kết và thư giãn hơn. Là một trong những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mỗi vùng miền, mỗi văn hóa khác nhau có những thể loại trò chơi khác nhau.
Ô ăn quan
“Ô ăn quan” hay được gọi tắt là “ăn quan” hoặc “ô quan”, đây là một trò chơi truyền thống gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt Nam. Không chỉ mang lại cho người chơi những giây phút thư giãn, vui vẻ trong dịp Tết đến, “Ô ăn quan” còn là một trò chơi có tính chất chiến thuật và thường dành cho hai người chơi trở lên.
Cách chơi “Ô ăn quan” rất đơn giản: Mỗi người lần lượt rải mỗi ô 1 quân, bắt đầu từ ô gần nhất và rải theo chiều tùy bạn lựa chọn. Sau khi rải hết quân cuối cùng, nếu kế tiếp là ô vuông có chứa quân, bạn phải tiếp tục dùng tất cả số quân đó rải tiếp theo chiều đã chọn. Tuy nhiên, nếu kế tiếp đó là một ô trống rồi mới đến một ô chứa quân thì bạn được quyền ăn tất cả số quân trong ô đó. Người giành chiến thắng trong trò ô ăn quan là người ăn được tổng số quân nhiều nhất khi trò chơi kết thúc.
Cờ cá ngựa
Không chỉ được chơi vào mỗi dịp Tết, “Cờ cá ngựa” là một trò chơi giải trí vô cùng phổ biến những khi tụ họp của bạn bè và gia đình. Bắt nguồn từ Ấn Độ với tên gọi “Pachisi” và được du nhập sang Mỹ, trò chơi này có tên “Parcheesi” và phiên bản giản thể là “Ludo” (cờ). Cuối cùng du nhập vào Việt Nam, và được gọi là “Cờ cá ngựa” hay “Cờ đua ngựa”.
Luật chơi của “Cờ cá ngựa” khá đơn giản với số lượng người chơi từ 2 đến 4, trò chơi này tương tự trò “Thảy xúc xắc” nhưng có phần thú vị hơn. Để bắt đầu trò chơi, bạn cần có đủ một bàn cờ hình vuông chia làm bốn phần khác màu, xúc xắc và 16 quân cờ chia làm bốn màu riêng biệt. Đầu tiên, hãy di chuyển quân cờ của mình đủ một vòng ngược chiều kim đồng hồ quanh bàn cờ để về đến đích (hay còn gọi là chuồng). Khả năng di chuyển nhanh hay chậm đều phụ thuộc vào lượt tung xúc xắc của mình. Người nào có đủ bốn quân cờ về đến đích đầu tiên và đã xếp đúng vào các ô số 6, 5, 4 và 3 trong chuồng là người chiến thắng. Những người còn lại có thể chơi tiếp để tranh vị trí hai và ba.
Tứ sắc
Là một dạng khác của bài lá “Tam Cúc” (三菊) – trò chơi dân gian phổ biến ở miền Bắc Bộ, “Tứ Sắc” lại rất được ưa thích ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, trò chơi này thích hợp với số lượng người chơi là 4 người, tuy nhiên 2 hay 3 người đều có thể chơi được. Lá bài “Tứ Sắc” được làm từ những tấm bìa hình chữ nhật, bộ bài gồm 7 đạo quân (Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã và Tốt). Mỗi đạo quân có 16 lá chia đều ra 4 màu xanh, vàng, trắng, đỏ do vậy có tên là “tứ sắc”, mỗi màu được chia thành 28 lá và tổng một bộ bài sẽ gồm 112 lá khác nhau.
Tổ tôm
Tổ Tôm, hay còn được gọi với cái tên Hán Việt “Tụ Tam Bài” (聚三牌), là một trò chơi bài lá dân gian phổ biến của người Việt. Về tên gọi, có nguồn cho rằng “Tổ Tôm” là đọc trại âm “Tụ Tam”, đây là một trò chơi chỉ phổ biến với nam giới và người già vì một số luật khá khó.
Bầu cua tôm cá
“Lắc bầu cua”, “Bầu cua tôm cá” hay “Bầu cua cá cọp” là một trò chơi mang tính cờ bạc phổ biến ở Việt Nam. Bắt nguồn từ Trung Quốc với trò chơi của người Hoa “Yu Xia Xie” hay “Hoo Hey How” (魚蝦蟹: Ngư hà giải), “Bầu cua tôm cá” còn có luật chơi khá tương đồng với “Chuck-a-luck” hay “Crown and Anchor” của phương Tây.
Trò chơi được chia thành nhiều lượt, không số hạn số lượng vòng cũng như số người chơi. Để bắt đầu một lượt chơi, ba viên xúc xắc sẽ được lắc lên bởi nhà cái (người quản lý trò chơi) và kết quả được giữ bí mật. Sau đó, người chơi đặt tiền vào một hoặc nhiều linh vật mà mình muốn. Khi việc đặt tiền đã hoàn thành, nhà cái sẽ mở ra và công bố kết quả xúc xắc. Nếu trong ba viên xúc xắc xuất hiện linh vật mà người chơi đã đặt cược tiền, họ sẽ lấy lại tiền cược và nhà cái phải trả số tiền bằng với số lần linh vật đó xuất hiện nhân với số tiền cược. Nếu linh vật người chơi cược không xuất hiện trên xúc xắc, nhà cái sẽ ẵm hết tiền cược của họ.
Bài Chòi
Là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam, “Bài Chòi” về sau này đã được phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2017. Xuất phát từ cách đây hơn trăm năm, “Bài Chòi” được sáng tạo ra khi người dân trong làng lập những chiếc chòi cao trong rừng và hô to khi thấy thú dữ phá hoại mùa màng xuất hiện. Để phù hợp với hoàn cảnh khi đó, người trên các chòi vừa hát vừa hô đối đáp nhau giữa chòi này với chòi khác kết hợp ra lối chơi bài tứ sắc. Qua thời gian, để nhiều người có thể biết cách chơi hát – hô này, những cuộc giải trí dần dần được nâng lên thành hội bài chòi.
Nói về Bài Chòi, người ta thường dùng 4 động từ chơi – đánh – hô – hát. Những lời hô, hát bài chòi là những đoạn thơ 4, 5 chữ theo điệu vè và phổ biến nhất là thơ lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát. Lời hô/hát bài chòi không có nét nhạc cố định mà tùy theo thanh giọng của câu thơ, dựa trên 6 làn điệu chính là Xuân nữ cổ, Xuân nữ mới, Cổ bản, Xàng xê cũ (lụy), xàng xê mới (dựng), Hồ quảng (còn được gọi là hò quảng).
Thực hiện: Vân Thảo
Xem thêm