Cũng như các nghệ thuật truyền thống khác của Nhật Bản như thư pháp, trà đạo và sân khấu, Ikebana mang dáng vẻ thanh tao của thiền định. Ra đời từ thế kỉ thứ 6 bởi những nhà sư Trung Quốc đến Nhật Bản để truyền đạo với ý nghĩa ban đầu là dâng hoa cho Phật, loại hình nghệ thuật này được lưu truyền cho đến nay, không chỉ trong nước mà ngày nay còn phổ biến ra khỏi phạm vi nước Nhật.
Được biết đến với tên gọi khác là “kado” (Tiếng Nhật nghĩa là nghệ thuật thổi hồn cho hoa), Ikebana ban đầu không ra đời với mục đích đơn giản chỉ là cắm hoa đẹp mà hơn thế nữa là thể hiện lòng kính trọng đến tự nhiên, khơi dậy những phẩm chất đẹp đẽ của hoa lá và cảm xúc thông qua những quy tắc bài trí. Theo bà Asae Takahashi, chủ tịch trường dạy cắm hoa Ohara School of Ikebana New York Chapter, thiên nhiên cảnh quan Nhật Bản vốn nhiều núi và sông hồ, khiến cho người Nhật vừa trân quý lại vừa e sợ. Dựa trên nguồn gốc từ Phật giáo, người ta tin rằng hoa cỏ và cây cối có sức mạnh thu hút thần phật nên chúng được xem như một dạng linh vật trong nhà để mời Phật vào nhà.
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana có một số quy tắc cơ bản cổ xưa. Cành và hoa phải được đặt ở các góc cụ thể, tượng trưng cho trời (ten), đất (chi), và con người (jin) để qua đó thể hiện sức mạnh, nét duyên dáng, và cả sự phù du của những đời sống. Khác với nghệ thuật cắm hoa phương Tây vốn ưa kết hợp nhiều loại hoa và nhấn mạnh tính đối xứng, Ikebana tập trung nhiều vào cấu trúc bất đối xứng (thường là 3/7), sự tinh giản và cần nhiều khoảng trống để khơi dậy sự cân bằng, hài hòa. Ngoài ra, ở đây còn ẩn chứa nguyên tắc In và Yo (Âm và Dương) để nói lên sự tương khắc có thể hỗ trợ lẫn nhau. Triết lý về sự vô thường diễn đạt qua cắm hoa chính là nắm bắt vẻ đẹp thoáng qua của sự vật mà đôi khi còn thể hiện hy vọng thông qua việc sử dụng những búp hoa. Có thể nói, đây là một loại hình nghệ thuật có kỷ luật, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện với nhau, thấm đẫm triết lý phát triển sự gần gũi với thiên nhiên.
Ngày nay, Ikebana không chỉ được xuất hiện trong những không gian trang nghiêm và sang trọng mà nó có thể xuất hiện trong chính không gian sống. Có thể xem nghệ thuật cắm hoa này như một cách trang trí nhà cửa, một thú vui tao nhã hay một liệu pháp thiền định, chúng ta hoàn toàn có thể tự tay thực hiện một tác phẩm hoa tại nhà của mình.
Dụng cụ căn bản cần có là kéo bấm cành, băng keo sáp (hoặc dây kẽm mảnh) để cố định, chân cắm hoa và bình hoa. Với các loại hoa, Ikebana truyền thống thường sử dụng những loại hoa đặc trưng của Nhật Bản như anh đào, cúc, thủy tiên, cẩm tú cầu và các loại lá như tre, thông, tùng… Với Ikebana hiện đại, người ta sử dụng các giống hoa một cách phong phú và tự do hơn. Để thực hành tại nhà, bạn có thể chọn các loại hoa theo mùa hoặc đặc trưng của khu vực sinh sống. Điều quan trọng nhất cần lưu ý đó là kích thước của hoa với bình và toàn bộ tác phẩm với không gian cần phải có sự hài hòa và cân đối.
Thực hiện: Hoàng Lê
Xem thêm
Những bông hoa khoe sắc dưới đại dương qua bàn tay của Azuma Makoto