Thiền giữa Berlin

Là một NTK thời trang tốt nghiệp từ ngôi trường danh giá Central Saint Martins (Anh), đã từng làm cho Maison Martin Margiela ở Paris, một người lớn lên giữa lòng văn hóa châu Âu nhưng thấm nhuần tinh thần châu Á, Trần Mai Huy Thông đã tạo ra một thế giới đặc biệt của riêng mình tại Berlin.

Ẩn đằng sau sân chơi dành cho trẻ em trên phố Auguststrasse, trong các con hẻm đẹp nhất ở quận Berlin Mitte là một nhà máy xây dựng từ thời kỳ công nghiệp hóa của thành phố của thế kỷ 19 và 20. Nó đã bị xuống cấp với thời gian, nhưng đó là nơi Huy Thông tìm thấy chính xác những gì anh đang tìm kiếm: Một nơi để ẩn náu, sáng tạo và suy nghĩ.

Trước khi dọn đến, anh đã thay đổi mọi thứ, biến một ngôi nhà hai tầng kiểu cũ thành một không gian hiện đại rộng 120m2. Anh nối thông tầng trệt và tầng hầm bằng một cầu thang xoắn. Tầng hầm được biến thành nhà bếp và nhờ thế, tầng trệt trở thành phòng khách rộng, cho phép anh đón những người bạn bè nghệ sĩ của mình tới chơi.

Phòng ăn với hai màu đen trắng là sự kết hợp giữa sự tối giản của châu Âu và sự tinh tế của châu Á.

Cầu thang và sàn nhà được bao phủ bằng màu xám hiện đại, tương ứng với một gian bếp sử dụng tông màu đen bóng. Bàn ăn bằng gỗ MDF tương phản với những chiếc ghế gỗ màu trắng cổ điển và chiếc tủ búp phê – những món đồ Huy Thông thu thập từ nhiều khu chợ đồ cũ. Trang trí trên bàn là một lọ thủy tinh màu đen của thương hiệu Goaxs, các món đồ gốm, lấy cảm hứng từ nghệ thuật Ikebana Nhật Bản, hợp nhất giữa tối giản của châu Âu và tinh tế sâu sắc của châu Á.

Phòng khách chiếm toàn bộ tầng trệt là một không gian mở, nhiều ánh sáng với cửa sổ lớn và nối liền vào một sân nhỏ trồng tre, thảo dược trong các chậu gốm Việt truyền thống. Trung tâm của phòng khách là khu vực nghỉ ngơi đủ chỗ cho một nhóm người, bên cạnh những chiếc bình gốm đen trồng cây xanh và những tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ như John MacLean. Trong phòng khách không có ti vi hay sách vì chủ nhân cho rằng đây là không gian dành cho các cuộc nói chuyện, không nên để các yếu tố gây phân tâm xuất hiện.

Ngôi nhà vốn là một xưởng máy với hai tầng lầu và một tầng hầm đã được cải tạo lại thành một ngôi nhà 3 tầng hiện đại và thanh lịch.

Tài năng pha trộn giữa truyền thống và đương đại, Đông và Tây tài tình của Huy Thông đã được giới chuyên môn tại Đức nhiều lần chú ý. Sau một thập kỷ làm việc trong ngành công nghiệp thời trang, anh đã từng có lúc đảm đương vai trò Giám đốc sáng tạo cùng những đối tác nội thất trong nhiều dự án nhà ở cao cấp. Năm 2011, sau sự kiện động đất tại Nhật Bản, Huy Thông quyết định trở lại với thời trang bằng việc tổ chức một show diễn gây quỹ cho 40 NTK trẻ Nhật Bản tại Tuần lễ thời trang Berlin và trong cùng năm đó anh khai trương cửa hàng thời trang theo phong cách Avant-garde do mình làm chủ có tên OUKAN tại con phố Kronenstrasse. Nằm trong khu vực mua sắm hàng hiệu của Berlin, nhưng cũng giống như căn hộ của Huy Thông, OUKAN là một ốc đảo khác biệt, độc đáo.

Huy Thông là một Phật tử và cảm mến triết lý Phật giáo của thiền sư Thích Nhất Hạnh. “Đạo Phật và lòng tôn kính gắn liền với cuộc đời tôi. Đó là một dòng chảy miên man của quá khứ, hiện tại và tương lai, hòa hợp bản ngã Đông – Tây của tôi. Sự phản tỉnh giúp tôi hiểu về những điều tốt đẹp và quan trọng trong cuộc đời”.

Là một nghệ sĩ, NTK thời trang, chủ nhân đặc biệt chú ý đến những tác phẩm nghệ thuật đương đại và biến chúng thành một phần hữu cơ của nội thất.

Nhưng đồng thời anh vẫn giữ lại tinh thần của phương Đông truyền thống, đặc biệt là việc tạo ra được một cảm giác rất Thiền lan tỏa mạnh mẽ trong căn hộ hiện đại.

Không khí chung của toàn bộ căn hộ là cảm giác thư giãn, là sự bình yên và tĩnh tại vô ưu giữa lòng một thành phố lớn.

Phòng ngủ với bức tường kính nhìn ra con phố Auguststrasse lịch sử cũng được trang trí theo khuynh hướng tối giản với rèm cửa sổ màu xám, sàn gỗ đen và đèn trần bọc giấy.

Cửa hàng thời trang 300m2 OUKAN với phong cách tối giản, vật liệu chủ yếu là xi măng và các khối lập phương đen. Tầng trệt bày bán các thương hiệu thời trang Nhật Bản như Nonoyes, Pleats Please by Issey Miyake, Satoko Ozawa, và quốc tế Silent by Damir Doma, Rad Hourani, Y-Project và Jayquemyn. Trên tầng 2 là đồ phụ kiện và mỹ phẩm với nhiều sản phẩm “độc” như nước hoa Goti and Nico Uytterhaegen, phụ trang Abcense, Detaj và Kuboraum. Phía sau cửa hàng thời trang là nhà hàng Avan với các món đồ châu Á fusion. Tất cả đều dùng màu đen làm chủ đạo.

Ngôi nhà vừa rộng mở đón tiếp bạn bè, vừa là nơi chủ nhà tìm thấy sự yên bình trong tâm hồn.

“Tôi chọn màu đen cho nhà hàng và cửa hàng thời trang bởi Đen là biểu tượng của sự trường tồn và lược giản tuyệt đối, chỉ còn lại những gì cơ bản nhất. Tôi muốn nhìn xa hơn những điều thông thường, và lý do duy nhất khiến tôi trở về với thời trang chính bởi trào lưu cách tân, avant-garde. Ở đó, tâm trí ta đi sâu hơn và xa hơn”. 

Hình ảnh: ULRICH HARTMANN & JULIA SCHMIDT – Bài viết & Sản xuất hình ảnh: QUYNH TRAN – Chuyển ngữ: PHƯƠNG THUỶ