Cao Trung Hiếu – Niềm vui mới từ chân trời tĩnh lặng

Với năng lượng ngầm vừa táo bạo vừa bền bỉ, đạo diễn Cao Trung Hiếu luôn giong buồm tìm những chân trời cảm hứng mới mẻ để làm đầy thêm trải nghiệm của bản thân cũng như của những khán giả yêu quý anh. Những ngày vùi mình ở nhà và đối diện với sự tĩnh lặng trong tâm tưởng cũng là lúc anh có cơ hội thực hành đam mê mới của mình – cắm hoa theo phong cách Ikebana.

CAO TRUNG HIẾU

Cao Trung Hiếu 1

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, khoa Mỹ thuật Công nghiệp vào năm 2005. 15 năm hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, tôi luôn muốn kết hợp vốn kiến thức về tạo hình và niềm đam mê âm nhạc của mình vào mọi tác phẩm. Từ khi thành lập công ty quảng cáo và giải trí riêng vào năm 2009, tôi bắt đầu học hỏi và trở thành đạo diễn sân khấu với sự đòi hỏi kiến thức nghệ thuật tổng hợp từ âm nhạc, thời trang, tạo hình, nhiếp ảnh, ánh sáng và trình diễn.

Với cơ hội được chỉ đạo những chương trình nghệ thuật lớn, tôi trau dồi thêm cho mình không ít kiến thức về văn hóa. Và đến giai đoạn hiện tại, những giá trị “tiểu tự sự”, “tiết giản” (minimalism) của văn hóa và văn học Nhật Bản đã ảnh hưởng rất lớn đến phong cách sáng tạo của tôi.


Anh đến với thể nghiệm cắm hoa Ikebana này qua cơ duyên gì?

Trong một chuyến công tác ở Kyoto, tôi tình cờ được nghe câu chuyện về nghệ thuật cắm hoa Ikebana của văn hóa Nhật Bản. Đó không chỉ là một bộ môn nghệ thuật để thưởng thức đơn thuần mà trên hết, Ikebana được sinh ra để những nghệ nhân, thường là những bậc tu sĩ, mỗi ngày vào rừng, lên núi, tìm cách trình bày sự sống của thực vật thành tác phẩm để dâng lên Đức Phật vào mỗi buổi sáng sớm. Những tác phẩm Ikebana từ đó được yêu mến bởi sự ca ngợi vẻ đẹp không tuyệt đối (wabi sabi) của thiên nhiên. Cảm nhận sự sống của thực vật trong lúc cắm Ikebana cũng là lúc ta tập thiền định. Tôi cảm thấy như mình được “bay” lên mỗi khi thưởng thức hay thực hành Ikebana.

Cao Trung Hiếu 2

Thiên nhiên đã vẽ lên thân gỗ lũa, phiến đá, cột phù điêu một màu sắc mới với rêu xanh, bụi vàng,… mang vẻ đẹp thâm trầm của thời gian. Sức sống của hoa tulip bừng sáng trên điểm tựa vững chắc vĩnh cửu của đời sống thực vật.

Anh mất bao lâu để nắm bắt các yếu tố cốt lõi của nghệ thuật này?

Với bất cứ bộ môn nghệ thuật nào ta cũng phải tìm hiểu kỹ thuật, nguyên tắc để sáng tác. Nhưng đối với tôi, điều quan trọng hơn cả là sự biểu đạt tinh thần và suy nghĩ của mình thông qua tác phẩm. Kỹ thuật là điều kiện cần nhưng chưa đủ nếu như bạn không thật sự muốn chia sẻ tâm hồn mình thông qua hoa cỏ. Chia sẻ có nghĩa là bạn phải tập trung hoàn toàn cảm xúc của mình vào công việc để mục đích cuối cùng của tác phẩm chính là toát lên sự cân bằng cho chính mình và người xem. Để có thể diễn đạt được ý tưởng của mình, ngoài những shop hoa với những loại hoa theo ngày, tôi thường đến những vườn bán cây cảnh, những vựa gỗ lũa trang trí ven thành phố để tìm thêm những loại cây, loại hoa được trồng tự nhiên hay được nhà vườn vừa mang về từ một cánh rừng nào đó. Đôi khi tìm thấy một khúc gỗ mục, một đám rêu hay một nụ hoa vừa nở trên cành dây leo cũng đủ làm tôi vui sướng!

Ikebana được sinh ra để những nghệ nhân
thường là những bậc tu sĩ mỗi ngày vào rừng, lên núi,
tìm cách trình bày sự sống của thực vật thành tác phẩm
để dâng lên Đức Phật vào mỗi buổi sáng sớm.

Những tác phẩm Ikebana từ đó được yêu mến
bởi sự ca ngợi vẻ đẹp bất toàn (wabi sabi) của thiên nhiên.

Cao Trung Hiếu 3

Hoa giấy nở bốn mùa nhưng nếu ngắmcành hoa giấy trắng nở trên thân cây không lá mang lại cảm giác những tia sáng lung linh của một mùa Đông. Thân gỗ làm điểm tựa cùng phiến đá nhỏ, tác phẩm tạo sự cân bằng tuyệt đối.

Anh có thể nói về sở thích sáng tác Haiku của mình? Liệu hai niềm vui sáng tác mới này có liên quan gì với nhau về cách tư duy?

Với Ikebana và Haiku, tôi chẳng biết từ lúc nào đã ngấm vào mình. Có thể bởi vì tôi đặc biệt yêu thích chủ nghĩa tối giản (minimalism) trong văn hóa Nhật Bản. Ikebana thể hiện được tình yêu của mình dành cho thực vật và thiên nhiên. Riêng thơ Haiku với 17 âm tiết truyền thống Nhật Bản hay cách ngắt câu 3 dòng của Haiku Việt Nam, tôi có thể dễ dàng “trò chuyện” với chính bản thân mình mỗi khi cần chia sẻ. Haiku ít chữ nhưng chứa đựng nhiều hình ảnh, nó giống như bạn cầm máy ảnh và lưu giữ những khoảnh khắc vậy. Có lẽ vì thế mà cả hai sở thích đều đến với tôi một cách nhẹ nhàng và hy vọng sẽ ở lại lâu trong tôi. Tôi cho rằng cảm nhận được Haiku hay Ikebana là một món quà tuyệt vời mà công việc sáng tạo đã giúp tôi có được.

Cao Trung Hiếu 4

Tác phẩm Mai – Lan – Cúc – Trúc, bốn loài hoa đại diện cho bốn mùa của văn hóa phương Đông được Cao Trung Hiếu cắm theo phong cách Ikebana trên chiếc bình được thiết kế mang phong cách đương đại của Fritz Hansen.

Vài tháng vừa qua công việc của anh có xáo trộn nhiều không? Và anh đã đối mặt với tình hình mới này như thế nào?

Isolation ngoài việc giúp chúng ta ngăn ngừa bệnh dịch, tôi nghĩ nó còn giúp cho người làm sáng tạo như tôi có thời gian tạm gác lại công việc bộn bề để hiểu được rõ hơn tư duy và mục đích sáng tạo của mình. Sự xáo trộn nếu có đó chính là sự sắp xếp “đầu ra” cho những ý tưởng dồi dào một cách hiệu quả nhất. Nhưng thôi không sao cả, có nhiều thời gian cắm hoa Ikebana hay làm thơ Haiku là tôi mãn nguyện rồi!

Cao Trung Hiếu 5

Hoa hồng Anh dây leo được vươn mình nhờ điểm tựa của thân gỗ lũa mục mang sức sống của mùa Hạ.

“Nỗi cô đơn đó chỉ có bản thân mình mới hiểu rõ
và đôi khi không cần ai để chia sẻ.

Với tôi, phải biết tận hưởng nỗi cô đơn
mới thưởng thức được hết vẻ đẹp
của tâm hồn một con người.

Vì khi ấy,
bạn sẽ là chính bạn,
không bị nhầm lẫn, và độc nhất!”.

Cao Trung Hiếu 6

Những cành hoa Mimosa giữ lại từ mùa Xuân vẫn mang một màu vàng tươi khi khô héo. Điểm xuyết vài cành hồng sâm, bạch đàn và cúc nút áo khô được Cao Trung Hiếu cắm trên chiếc bình Ikebana tạo nên một bức tranh mùa Thu ngợi ca vẻ đẹp rực rỡ của tàn phai!

Dưới ánh sáng, đời sống của muôn hoa bừng lên những màu sắc rực rỡ. Đồng tiền lửa, tulip, loa kèn, thược dược, hồng môn và cúc nút áo.

Anh nghĩ gì về nỗi cô đơn của người nghệ sĩ làm sáng tác nghệ thuật?

Tôi nghĩ không riêng gì những người nghệ sĩ, sáng tác nghệ thuật mới cô đơn. Ai trong chúng ta cũng sẽ có nỗi cô đơn trú ngụ dù đang có được một tổ ấm hạnh phúc. Nỗi cô đơn đó chỉ có bản thân mình mới hiểu rõ và đôi khi không cần ai để chia sẻ. Với tôi, phải biết tận hưởng nỗi cô đơn mới thưởng thức được hết vẻ đẹp của tâm hồn một con người. Vì khi ấy, bạn sẽ là chính bạn, không nhầm lẫn, và độc nhất!

Một bộ môn nghệ thuật, thực nghiệm nào anh muốn tự khám phá trong tương lai ?

Mùa Thu năm ngoái, tôi có cơ hội thử nghiệm bản thân mình với điện ảnh. Đó là một trải nghiệm nghệ thuật thật sự tuyệt vời. Dù bộ phim đó là thể loại gì, ngắn hay dài, được yêu thích hay không không quan trọng, điều tôi nhận được là mình đã có thêm một thứ “ngôn ngữ” để có thể trò chuyện với người yêu nghệ thuật. Nếu còn có cơ hội, tôi muốn mình được khám phá thêm bản thân mình ở một bộ phim mới.

Hoa bò cạp vàng hay còn gọi là hoa muồng hoàng yến được Cao Trung Hiếu sắp đặt cân bằng trên khúc gỗ lũa hình tròn tạo cảm giác bình yên, hạnh phúc của mùa Xuân.

Thực hiện: Thùy Dương | Ảnh: Đức Ngô.


Xem thêm:

Laura Gonzalez – Không bao giờ lặp lại chính mình

Humbert & Poyet – Nét xa xỉ tươi mới