Lê Thị Lựu là một trong Bộ tứ Đông Dương tại trời Âu, vừa là đại diện cho phụ nữ, vừa là đại diện tiêu biểu cho cả nền hội họa hiện đại Việt Nam. Theo tuần báo La Gazette Drouot, ngoài là một nhà nữ quyền, bà còn là nhân vật quan trọng, để lại cho hậu thế một minh chứng về con mắt tinh tường và đặc biệt trìu mến. Thế giới nghệ thuật của Lê Thị Lựu điểm xuyết dày dặn những mộng sáng trong, sóng sánh ánh nắng, yên ả nét thơ trẻ, vướng thoảng điệu trầm,… lỡ đưa mắt nhìn, không biết tự lúc nào mà tự nguyện lạc sâu vào chốn đào nguyên trên mảnh lụa lả lướt. Chìm đắm trong mộng ngọt của hình màu, đôi vương chút thanh sắc được dệt, ta như thấy cả một trời nội tâm của nữ họa sĩ đất kinh kỳ thuở nào: tinh khôi, e ấp và rất mực lãng mạn.
Ảnh chụp họa sĩ Lê Thị Lựu đang sáng tác năm 1947.
Thuở hoa niên tự cáng đáng giấc mộng nghệ thuật
Lê Thị Lựu sinh ngày 19.1.1911, quê tại làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, Phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội). Từ lúc bi bô trẻ nít đến thiếu thời, Lê Thị Lựu đã theo dấu chân cha, một công chức tòa sứ, miên du cùng khắp tỉnh thành đất nước Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và Hà Nội. Dẫu lớn lên trong một gia đình trí thức có thân phụ được tiếp xúc Tây từ sớm, nhưng Lê Thị Lựu cùng các chị em của bà vẫn luôn bị trói buộc trong giáo lý Khổng Mạnh với mặc nhiên đầy mực thước của phụ nữ xưa tóc dài, nhuộm răng đen, vận quần thâm.
Những tưởng người con gái với ràng buộc của vết dấu tư tưởng cũ sẽ chỉ loanh quanh nơi góc nhà, làm những việc thường nhật, sống một đời lặng lẽ nhưng Lê Thị Lựu lại ôm giấc mộng nghệ thuật. Đậu bằng Sơ học yếu lược, bà không chọn con đường như các chị em, nhập học vào trường Nữ sinh Đồng Khánh, bà tự dấn thân vào nghệ thuật, tự cáng đáng giấc mộng họa sĩ. Phải nói rằng, để đỗ vào trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương là chuyện không hề đơn giản bởi quy mô tuyển sinh rộng toàn bộ 3 nước Đông Dương nhưng số lượng trúng tuyển lại cực kỳ thấp.
Tác phẩm Thiếu nữ Bắc kỳ, Bài tập sơn dầu, khoảng năm 1927.
“Tôi khâm phục tài ba của họa sĩ và tôi mang hoài vọng làm họa sĩ, nhưng tự hỏi mình có đủ tài năng và hoa tay như thế không? Thế là cái mộng ấp ủ trong lòng tôi chỉ tăng mà không giảm. Tôi nhất định thực hành ước vọng.
Để chuẩn bị vào trường tôi mua cuốn học vẽ luật viễn cận, tự học và nhờ anh người nhà ngồi xắn hai ông quần lên tới đầu gối, để ngực trần cho tôi lấy mẫu. Vốn cỏn con chỉ có bấy nhiêu, rồi năm đó thi vào trường, người ta lấy có 10 người mà tôi đậu thứ 13, tôi được tuyển vào số người học lớp dự bị một năm.” (bài phỏng vấn họa sĩ Lê Thị Lựu, đăng trên tạp chí Mai số 35, ra ngày 6/12/1962 tại Sài Gòn, do nhà báo Mộng Trung thực hiện)
Sau những tháng ngày học tập được xem là “không mấy suôn sẻ” vì nhiều bạn học nam ganh ghét (phần vì bà vẽ giỏi, lại là nữ), Lê Thị Lựu đậu thủ khoa của trường, khóa 3 năm 1927. Thập niên 1930, các báo trong nước đều nhắc tới người nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp thủ khoa khoá III, trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1932. Vừa tốt nghiệp đã nổi danh khắp ba kỳ. Đặc biệt báo Phong Hoá, cũng ra đời năm 1932, số 18:
“Ông Lê Phổ, cô Lê Thị Lựu, ông Mai Trung Thứ cùng nhiều họa sĩ khác đều là người có tài, mỗi người một vẻ riêng… Có một điều đáng ghi là cô Lê Thị Lựu không ngần ngại là quần vận, yếm mang, chen chân thích cánh với bọn hoạ sĩ đàn ông, mà cái hay cái khéo của cô lại hơn người, thật là vẻ vang cho phụ nữ nước nhà.”
Bài viết đề tên nhưng có thể đoán là của Thạch Lam, bởi Thạch Lam là người phụ trách thường xuyên mục phê bình mỹ thuật trên Phong Hoá và Ngày Nay và cũng là nhà văn theo sát sinh hoạt của người nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam lúc bấy giờ. Thạch Lam đã đặt Lê Thị Lựu cùng hàng với hai họa sĩ đàn anh là Lê Phổ và Mai Trung Thứ (tức Mai Thứ), tốt nghiệp khoá I, năm 1930.
Tác phẩm Ba mẹ con góa phụ, Lụa bồi trên giấy, khoảng 1954.
Giữa thời loạn chiến, bà cùng chồng là ông Ngô Thế Tân tạm lánh sang đất Pháp để rồi gắn chặt cuộc đời mình với đất nước cờ hoa này. Bởi những trở ngại và khó khan nơi xứ xa, nghệ thuật của bà bị đứt đoạn hẳn, từ thập niên 1930 đến thập niên 1950. Mãi sau 15 năm, nghệ thuật của bà mới được tái sinh, từ giai đoạn này tài năng của Lê Thị Lựu được bung nở rực rỡ đến độ toàn bích.
Sắc thái khác biệt ở đoạn đầu tịnh tiến về nghệ thuật
Hội họa của Lê Thị Lựu đậm rõ chất trữ tình Tây phương bởi hun đúc kiến thức và kỹ thuật tạo hình trong khoảng thời gian học tại trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Khác với Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm say đắm những điệu hình truyền thống, Lê Thị Lựu lại thiên về vẽ đẹp thuần túy, tập trung khắc họa lại tính nguyên bản, diễn lại cái tình, cái xúc động của tự nhiên, con người. Điều này là khá dễ hiểu bởi bà đã luôn có tâm thế vượt thoát khỏi những chuẩn mực cũ ràng buộc từ thuở thiếu thời.
Tác phẩm Mẹ và con, khoảng thập niên 1960, mực và gouache trên lụa, 63cm x 49cm.
Công chúng dường như chỉ được ghi chặt vào trí nhớ về một Lê Thị Lựu với sắc nhẹ thoát, lãng đãng của lụa, của êm dịu ánh sáng và mềm mại nét bút, chủ đề ưu ái hẳn cho phụ nữ và nhi đồng, một thể hiện phái tính nữ đậm đà và sâu sắc. Nhưng trên thực tế ở giai đoạn đầu bà thử sức với đa dạng chất liệu. Tiếc thay, bà không thể nghiệm được với sơn mài bởi chứng dị ứng với sơn ta. Giờ đây ta khó nhìn lại được dấu ấn của giai đoạn chớm nở, khi hội họa của bà chú trọng vào khối hình với nét, đường nét cũng mạnh mẽ và quyết liệt. Tranh sơn dầu Thiếu nữ Bắc Kỳ là bài tập ở trường, giáo sư Tardieu ra cho học trò vẽ, vào khoảng năm 1926 là một hội họa khác lạ so với những gì ta thường thấy về Lê Thị Lựu, không có sắc tươi sáng, xen chồng, không bút pháp mềm nhẹ mà là sắc trầm cổ điển, nét cọ gãy gọn, ánh sáng và bóng tối phân minh rạch ròi. Một biểu hiện xa lạ nhưng vẫn đầy cuốn hút bởi cái thực được ghi chép lại, gần gụi và đậm nét tính chất phác, không phải cái ảo ảnh yểu điệu bóng nữ mờ tỏ trong văn chương, điệu nhạc.
Tranh Sơn thuỷ.
Lê Thị Lựu cũng có chủ đề khác ngoài chân dung vào điểm đầu năm tháng xứ người. Bà ngắm nhìn và tái hiện phong cảnh thơ mộng trời Âu nhưng phả vào nỗi hoài nhớ cố hương. Đường nét bớt phần khúc chiết của thời còn học tại trường, mà dần buông lơi, nhưng bảng màu vẫn còn trầm lắng, dẫu tả ánh sáng thì ánh sáng vẫn bớt rất nhiều cường độ. Tác phẩm Sơn thủy vẽ cảnh ngoại ô miền Auvergne, Pháp, lớp không gian xa gần được phân tách khá rõ, sườn núi trắng bạc và khóm thực vật bên hồ được nối kết bởi đường lượn ngoằn nghèo, khúc khuỷu men theo những ô xanh lục ngả vàng. Màu sắc nằm liền kề và riêng rẽ như cách xếp đặt trong tranh của Cézanne. Miền Auvergne nằm trong lòng Quần Sơn Trung Nguyên (Massif Central) mùa hè thường xanh mướt, bởi khí hậu mát và có nhiều ánh sáng, nhưng tranh sắc sáng tươi của cảnh thực bị dìm sắc, u hoài, nhuốm màu tâm sự của người xa xứ.
“Nhớ hồi cha ngóng đón xe con
Thơ thẩn cầu Trầm mắt dõi trông
Mẹ nhà đốc thúc Pheo cơm nước
Mau các cô về có thức ngon.”
(Sáng tác bởi chính Lê Thị Lựu)
Tác phẩm Thiếu nữ tắm hồ sen, Lụa, 1971- 1972.
Dệt mộng thiên đường bằng tranh lụa
Dẫu đi qua nhiều chất liệu, nhưng con mắt nhìn của ta vẫn không thôi nhung nhớ vẻ dịu thắm của tranh lụa. Tranh lụa Lê Thị Lựu là một thế giới được xây dựng khác hẳn giai đoạn trước, thôi bỏ hoàn toàn sự vững chãi của khối hình, bảng màu mơn mởn sáng tươi, bớt phần u hoài, từ khước luôn hiện tại khốc liệt của thời chiến. Vẫn là hội họa thứ ánh sáng mỹ học của phương Tây nhưng lại khiến ta xúc động bởi hồn Việt luôn được ấp ôm và nâng niu. Ta lạc vào mộng cảnh quen lạ, quen vì một Việt Nam xinh xắn, nhỏ nhẹ, tròn đầy với bé con má ửng hây hây, nàng thiếu nữ miền sơn cước hiền hòa, dáng hình trữ tình của người phụ nữ tựa trong câu chữ của Tự lực văn đoàn, lạ bởi không khí sáng trong, mơ màng không vương mùi bom tiếng súng. Một Việt Nam toàn bích, một Việt Nam riêng tư riêng Lê Thị Lựu mà bà dành tặng cho ngoại thế giới.
Những thời gian đầu tập tành với lụa, Lê Thị Lựu được truyền dạy kiểu vẽ xưa của Trung Quốc, sau đó bà có thời gian học tập phương cách của Vũ Cao Đàm, rồi dần dần thành thủ pháp của riêng mình: viền nét thanh thoát, màu chuyển mượt không phẳng, đậm nhạt chính xác và giàu chi tiết. Đặc biệt là cách dùng màu, lấy trọng tâm là ánh sáng, sắc độ màu sáng và mát dịu với tỉ lệ cao để diễn lại ánh sáng. Chuộng lối tả sáng của trường phái Ấn tượng để dệt nên mộng thiên đường mang hình hài trần thế.
Tác phẩm Sơn nữ, Lụa, 1980.
Trong giấc mộng lụa là của Lê Thị Lựu, gần như vắng bóng hẳn nam giới, đâu đâu cũng là dáng kiều thơm lúng liếng, nét trẻ thơ ngây ngô đến xao lòng. Người đẹp trong tranh bà luôn được khắc họa ở mức lý tưởng tột đỉnh, dù ở độ hoa niên tươi giòn hay nửa chừng bóng xế đều mang nét nhạy cảm, ngây thơ nhất quán với gương mặt trái xoan ngọt ngào, tóc đen thăm thẳm, khuôn miệng mím chi,… ngất ngây giữa ngàn hoa lá sinh động. Thiếu nữ “Sơn Nữ” với đôi mắt mộng sầu giữa rừng hoa thắm sắc, đẫm những mong manh, tế nhị khơi lên một không khí mỏng như tơ, vương như sương khói, hư hư thực thực. Cái đẹp trinh nguyên, chưa ngấm bụi trần giữa miền sơn cước giàu sức sống.
Cạnh những mực thước thẩm mỹ cổ điển, tranh của Lê Thị Lựu còn là ánh nhìn trìu mến cho con trẻ. Trẻ con của bà hầu hết được kèm với các nhân vật khác, luôn trong hoạt cảnh nô đùa hạnh phúc và phần lớn tư thế có phần thụ động, được ấp ôm trong bàn tay duyên dáng hay tựa vào bóng lưng mềm ấm của mẹ, của chị. Một sự nâng niu và chìu chuộng rõ ràng của bà với những điều non nớt, bé bỏng. Giấc mộng không chỉ dệt thành hình dạng đẹp đẽ, hoàn mỹ mà còn đủ đầy thương mến của tính nữ thiết tha.
Tác phẩm Thương yêu, Lụa bồi trên giấy, 1961.
Nghệ thuật Lê Thị Lựu soi chiếu chính nội tâm khẽ khàng và kín đáo của bà, từ mạnh mẽ, gai góc, đến mềm nhẹ, u trầm và kết lại ở hoàn chỉnh tươi vui, mộng ảo. Ở đoạn nào của cuộc đời, dẫu những xô ập của tiêu chuẩn xã hội hay biến loạn chiến tranh, thế giới của đường hình và sắc màu của người nghệ sĩ sĩ ấy vẫn luôn kiên cường giữ lấy chất thơ mộng đầy trong trẻo và tinh khôi, dệt nên thiên đường nơi đáy mắt mà khi vô tình sa vào ta chẳng nỡ lòng rời bước.
Thực hiện: Saya Nguyễn | Ảnh: Tư liệu
Xem thêm:
Những bức tranh sơn dầu nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam