Đi qua chiều kích của thời gian, tính nữ luôn là sợi tơ nhẹ nhàng kết dính mỹ thuật Việt qua các thời kỳ thành một bản thể đa dạng nhưng thống nhất. Nó nằm trong đường nét mềm mại, những mảng tròn đầy, bảng màu hài hòa hay trong dáng hình người phụ nữ Việt đằm thắm, dịu dàng. Nhưng những đặc tính thiên phần âm ấy còn ẩn tàng trong chất liệu và phương thức sử dụng chất liệu ưa chuộng của nghệ sĩ Việt là sơn mài. Nó đã đi vào tỏ tường, cũng lấp lánh mộng ảo của phần âm trong triết lý âm – dương của người châu Á, khơi gợi xúc cảm sâu kín, tinh tế, huyền ảo đầy tính nữ. Một tổng hòa hoàn hảo cho phần âm trong hình thức thể hiện ở mặt thị giác, đẩy chất trữ tình của mỹ thuật Việt thêm vi tế và sâu sắc ở nhiều bình diện.
“Chất liệu chiếm một nửa người nghệ sĩ. Phải yêu chất liệu, yêu như vợ mình thì mới có con là tác phẩm.” – Nguyễn Gia Trí
Cận cảnh tác phẩm Dọc mùng của Nguyễn Gia Trí.
Cận cảnh tác phẩm Dọc mùng của Nguyễn Gia Trí.
Sơn mài Việt nhờ tính nữ mà rẽ nhánh
Khởi nguồn từ khoảng năm 1600-1046 TCN, các vật dụng đời thường làm bằng đôi bàn tay tài khéo của các nghệ nhân Trung Hoa trở nên lung linh khôn tả trong sắc sơn mài. Từ thủ phủ văn minh của châu Á, sơn mài phủ sắc óng ánh khắp láng giềng Nhật Bản, Triều Tiên, Miến Điện và cả nước Việt. Men theo các triều đại phong kiến Việt Nam, sơn mài dần được hoàn thiện, biến thành kỹ nghệ trang trí tuyệt hảo với chất sơn ta thẳm sâu, trọn sắc ở bậc nhất phẩm. Một đường phát triển quen thuộc, đồng dạng với sơn mài ở các quốc gia khác, đề cao chất trang trí bởi những ưu việt trong tính bền bỉ cho sử dụng và thẩm mỹ cho mắt nhìn.
Hình lợn ở đình Thụy Phiêu thời Mạc trên cột thờ gác lửng với chất sơn ta còn lưu trên nền chạm.
Những tưởng sẽ luôn xuôi dòng mãi một đường hướng, chất sơn mãi lóng lánh theo điệu hình hoa văn ngàn năm sẽ không đổi dời, nhưng cuộc xâm lược của người Pháp đã khiến sơn mài Việt rẽ nhánh khác lạ. Không còn là tính trang trí sống động trên bức bình phong, sập gụ,… sơn mài nhờ tính cách cởi mở của người Việt dần phân tách thành hai hướng: trang trí thủ công thuở đầu và nghệ thuật tạo hình mới thông qua mỹ cảm giao hòa Đông-Tây của các nghệ sĩ trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Dung nhập và tạo một lối hài hòa là cách mà tính nữ điều phối hướng đi của mỹ thuật Việt.
Quá trình sáng tác sơn mài.
Sơn mài – chất liệu thấm đẫm tính nữ
Nghệ thuật sơn mài truyền thống là kết quả của tư duy âm-dương của cư dân sống dựa vào cây lúa với những đặc tính tự thân: tuyệt đối phẳng mịn, cảm tính và giàu tính âm. Để xét và phân định chất tranh và tay nghề của người làm sơn mài phải dựa vào độ phẳng của bề mặt. Cảm giác nhìn và chạm vào tranh phải rất mực trơn láng, lớp cẩn trứng, vàng bạc,… tuyệt không một đường gợn nhẹ, phân chất mà phải hòa tựa một khối đồng nhất. Bởi sơn mài về phương thức tạo tác đi ngược lại những chất liệu khác, không bồi đắp chất màu, vẽ thêm đường nét mà là mài đi, làm phôi pha đi để lộ chi tiết. Mài trong sơn mài chính là vẽ lên bằng cách trừ bớt, chiều hướng dần đi xuống chứ không chồng lên về phía cao.
“Con ruồi đậu trên vóc cũng làm vóc lún xuống.” – Nguyễn Gia Trí
Tác phẩm Thiếu nữ trong vườn của Nguyễn Gia Trí.
Để cho ra thành phẩm phẳng mịn tuyệt đối đòi hỏi lắm công phu và khổ hạnh. Từng công đọan vẽ, sơn, ủ, mài… phải tuyệt nhiên không nhanh ẩu mà chậm kỹ. Nhịp cần từ tốn để chất màu huyền ảo của sơn mài dần dần sáng tỏ. Không chỉ yêu cầu đủ đầy tính cẩn trọng, quá trình mài người nghệ sĩ còn cần trí tưởng tượng. Hình dạng, sắc độ, hiệu quả chỉ có thể thấy trong hình dung của trí óc, mài đến độ nào, mài đến khi nào phụ thuộc hoàn toàn vào cảm tính và trực giác.
Tác phẩm Chiều vàng họa sĩ Dương Bích Liên.
Không gian tạo hình của sơn mài không nổi rõ ngay trước mắt mà lặn rất sâu vào trong, xúc cảm về tính âm rất rõ. Dẫu bề mặt phẳng mịn, không vết gợn nhưng cách xếp đặt màu ngả âm then đen hay đỏ son chiếm tỉ lệ cao, làm nền vóc, điểm xuyết ánh kim lộng lẫy của vàng bạc hay sắc trắng mơ hồ của vỏ trứng tạo hiệu quả mãnh liệt về chiều sâu. Sắc màu của sơn ta cũng không quá mức tươi tắn mà thiên trầm, đường nét bị che khuất một phần, mảng miếng này che khuất mảng miếng khác, bóng tối lấn vào vùng ánh sáng hoặc mảng miếng che khuất đường nét… sự lấn chồng của màu sắc, mảng miếng, đường nét, bóng tối và ánh sáng có khi hòa trộn.
Tác phẩm Cô Liên của Huỳnh Văn Gấm.
Tất thảy những đặc tính tự thân của sơn mài quy kết bằng những tính từ mô tả thấm đẫm tính nữ, đặt trong đối sánh các cặp trái nghịch: trong – ngoài, chậm rãi – nhanh chóng, cảm tính – lý tính, trầm tối – tươi sáng,… Sơn mài ôm trọn vẹn tâm thức Việt, cái tâm thức ưu ái hẳn cho tính nữ, không chỉ sâu sắc mà còn cởi mở trong nhịp phát triển của thời cuộc.
Bước qua thời Đông Dương rực rỡ, mỹ thuật Việt đã định hình được con đường tự thân vững chắc, nét truyền thống vẫn luôn xoáy tròn trong tiềm thức và trở thành bản năng của mắt nhìn và bàn tay. Sợi dây tơ tính nữ vẫn hiển hiện dưới nhiều sắc thái khác nhau, biến đổi để phù hợp với những biến động của dân tộc. Chiến tranh vẫn liên hồi và dồn dập, khi người Pháp tháo chạy, thì dấu chân và vết bom của người Mỹ lại tiếp tục in hằn trên mảnh đất Việt mà lần xâm lược này khiến hình hài nước Việt thêm tan hoang hơn cả trước. Rồi cờ đỏ sao vàng tung bay, hòa bình tỏa khắp, người Việt sung sướng sống cuộc đời tự chủ trở lại sau tháng năm đau thương và kiên cường. Bạn có nhận ra được dáng hình của sợi dây tơ tính nữ qua những thời kỳ ấy? Tôi xin đặt dấu chấm kết cho những câu chữ trong chuỗi bài này, vì tha thiết mong mỏi đôi mắt và con tim của bạn lên tiếng, để thấy đường chuyển động lung linh của tính nữ.
Bật mí là dẫu biến hóa khôn ảo, lúc yếu ớt, lúc mãnh liệt, sợi tơ ấy vẫn chẳng thể đứt lìa hay biến mất, bởi tính nữ gắn chặt vào cốt cách, tư tưởng người Việt, những người sống cạnh đời cây lúa, sát kề thiên nhiên và vững tin vào sự thuận hòa tốt đẹp của đất trời – con người.
Chuỗi bài viết Mỹ thuật Việt – Khi tính nữ là sợi dây tơ xuyên suốt các thời kỳ là những suy tư về tính nữ của văn hóa Việt biểu hiện qua khía cạnh mỹ thuật tạo hình. Tính nữ trong thẩm mỹ tạo hình của mỹ thuật Việt không phải là cái điệu hình mỏng manh hay yêu kiều mà là sự gợi cảm của thể hình khỏe khoắn, nét mày đôn hậu. Là tính nữ hòa hợp với lối sống và suy tư của chính người Việt trong lớp lang văn hóa và chiều kích lịch sử xuyên suốt từ ngàn năm son rõ đến rực rỡ về sau của dân tộc mình.
Thực hiện: Saya Nguyễn | Ảnh: Tư liệu
Xem thêm:
Tính nữ trong mỹ thuật Việt (Kỳ II)