Màu sắc và Nghê thuật (phần III): Biển trời xanh sâu thẳm

Đi giữa biển trời mênh mang, xanh lam-một sắc màu được mến yêu và mê mẩn bởi vô vàn người, luôn làm no đủ mắt nhìn và chiếm lĩnh không gian. Nhưng lạc bước ngược về lãnh địa của nghệ thuật thuở ban đầu, cuộc diễu hành của những sắc xanh lại quá đỗi hiếm hoi, khó khăn và chẳng thể náo nhiệt.

Từ thuở bình mình ló dạng, nhân loại đã quen thuộc với các trạng thái màu xanh chuyển mình giữa trời và biển qua từng đoạn thời gian. Trái ngược với sự hào phóng và rộng rãi cho thị giác, con người buổi ban sơ gần như không có phương cách để chiếm đoạt sắc của trời và biển cho riêng giống loài mình. Rất gần gũi nhưng khó chạm vì bàn chân thuở hồng hoang chỉ phủ bụi có màu của đất son, bàn tay tận lực đào sâu cũng chẳng thấy sắc xanh hiển hiện. Trong những hang động, chỗ nương náu ẩn mình là một cuộc hoan ca của gam màu nóng đỏ vàng, hay một điệu nhảy của nghệ thuật sơ khai thiếu vắng hẳn sắc lam miên man.

Sắc màu không tên

Chính xác hơn là trong hai nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại là Hi Lạp và La Mã, không có từ nào dùng để mô tả màu xanh lam. Đôi mắt xanh là dấu hiệu cho người có đạo đức lỏng lẻo, cầu vồng của nền văn minh cổ đại thiếu hẳn xanh lam hay trong sử thi Odyssey Homer diễn tả biển có màu rượu vang sóng sánh. Một sắc màu bị phủ nhận kịch liệt bởi sự ám ảnh của người Hi Lạp và La Mã với tộc người Celt man rợ với sắc lam nhuộm phủ khắp cơ thể. Một kiến giải khác từ các nhà khoa học, con người thực sự bị mù màu và không thể nhận biết được màu xanh. Nhưng dù bị đối xử bất công, nhưng trên thực tế xanh lam lại là màu sắc được phổ biến rộng rãi trong đời sống thường nhật của con người ở bờ Tây thế giới.

Tranh Nữ thần bầu trời Nut của Ai Cập cổ đại.

Trái với sự bỏ quên, không danh xưng ở Hi Lạp và La Mã màu xanh lại được người Ai Cập cổ đại coi trọng và say mê đến mức có cho riêng nền văn minh của họ một sắc xanh đặc thù. Sắc xanh Ai Cập đặc biệt nổi bật rực rỡ, không nhẹ sáng như bầu trời thanh khiết, cũng không u trầm và sâu thẳm như đại dương mênh mang. Một màu xanh tươi sắc, đôi phần chói chang và thu hút. Ngoài mê mẩn những đá quý và khoáng vật có sắc lam thuần khiết trong tự nhiên, những bằng chứng khảo cổ đã cho thấy người Ai Cập cổ đại đã tự tổng hợp và phát triển bột màu nhân tạo để cố gắng phủ màu xanh lên nhiều đồ vật và với nhiều hình thức khác nhau. Màu xanh là đại diện của bầu trời, vũ trụ, sông Nile linh thiêng, dòng nước nguyên thủy của sự hỗn loạn Nun, gắn liền với khả năng sinh sản, tái sinh và sức mạnh của sáng tạo của người Ai Cập cổ đại. 

Vượt muôn trùng khơi 

Trên những con tàu thương nhân Italy, đá lapis lazuli quý hiếm rong ruổi từ các mỏ Afghanistan vượt muôn trùng khơi đến nơi xứ lạ rồi len lỏi và giữ vị trí cực kỳ xa hoa trong nghệ thuật Tây phương. Tôn giáo luôn là điều tuyệt vời với nghệ thuật, sự hỗ trợ và nâng đỡ từ niềm tin con người giúp con đường của sắc xanh tương đối thuận lợi. Đi từ những chi tiết nhỏ bé trong những đường viền trang trí mềm mại và cầu kỳ bao quanh trong các trang Kinh thánh đến dấn thân thật sâu vào những bức bích họa trong các thánh đường, sắc xanh lam luôn biết cách để lôi kéo mắt nhìn. Một sắc màu được du nhập muộn mằn, nhưng cuộc giễu hành của nó trong nghệ thuật hoành tráng, diễm lệ và khó tranh bì. 

Giữa nghệ thuật thời Phục Hưng muôn vàn rực rỡ và đa sắc, chất xanh lam huyền bí Ultramarinus vẫn luôn là một khát khao của các nghệ sĩ. Ultramarinus với độ quý hiếm và sắc màu xinh đẹp lạ lùng khiến nó có luôn giữ một giá trị không tưởng, đôi khi còn quý giá hơn vàng. Chính điều này đã khiến cho sắc xanh trở thành biểu trưng cho sự cao quý, thánh thần, vùng thiên đường tráng lệ của khát vọng con người. “Virgin and Child with Female Saints” (năm 1500) của Flemish Gérard David minh họa sách miêu tả cận cảnh đám đông các thiếu nữ. Trong sự chèn ép và tương đồng ở tạo hình trang phục, tư thế cuối đầu và biểu cảm trầm tư, Đức mẹ Đồng Trinh Maria ở trung tâm thực sự thu hút mắt nhìn bằng một màu xanh toàn diện ở trang phục, đường viền vàng ẩn hiện mảnh dẻ. Sắc xanh lam cao quý tương xứng với Đức mẹ tôn kính, đủ nổi bật hoàn toàn trong không gian hậu cảnh khu nhà thờ xa mờ và con người ở trung cảnh lẫn tiền cảnh. Nhưng đồng thời cũng đủ khiêm nhường, không rực chói mà dịu dàng, thư thái như chính tính cách hiền hòa, bao dung của Đức Trinh Nữ. 

nghe thuat tranh co dien Virgin and Child with Female Saints Flemish Gérard David

Bức Virgin and Child with Female Saints (1500) của Flemish Gérard David.

Titan-họa sĩ vĩ đại nhất của Venice, Italia thế kỳ XVI nổi tiếng với niềm say mê sắc xanh Ultramarinus đắt đỏ, “Bacchus and Ariadne” (1520) là một trong những tác phẩm bật thốt lên sự yêu mến này. Tái hiện lại khoảnh khắc ái tình ngây dại và cuồng điên của vị thần rượu vang Bacchus trẻ trung với nàng Ariadne xinh đẹp mĩ miều. Màu xanh chiếm tỉ lệ lớn trong tác phẩm, ở một mảng chéo, mô tả một phần lớn mảng trời mây và biển lặng. Sắc xanh khá sáng và tĩnh nhưng được thể hiện theo đường xiên, tài tình khắc họa hành động lao ra khỏi xe ngựa dứt khoát và mạnh mẽ của Bacchus. Nàng Ariadne dù không được thể hiện dung mạo rõ ràng nhưng với việc dùng sắc xanh cho trang phục cũng là một lời khẳng định ngấm ngầm cho sự cao quý và tuyệt trần của nàng. Từ vị trí phía trái và sắc xanh khá chìm lẫn với trời biển, phần nào cảm nhận sự bị động và run rẩy của Ariadne khi buộc đón nhận cơn ái tình đột ngột, không lường trước.

Bacchus and Ariadne Titan tranh co dien nghe thuat

Bức Bacchus and Ariadne (1520) của Titan.

Mảng xanh đầy suy tư

Bước qua một thời kỳ với ngôi vị cao quý và xa hoa, cuộc cách mạng công nghiệp gần như đã trả về cho các sắc màu sự ngang hàng nhất định và xanh lam cũng không tránh khỏi. Màu xanh bớt đi phần đắt giá và phủ sóng mạnh mẽ hơn trong nghệ thuật, không còn khoác chiếc áo khó chạm tới nhưng dẫn tiến, mở ra sự suy tư không lối thoát của tâm tưởng con người. 

“Blue” có nghĩa là màu xanh nhưng cũng đồng nghĩa với trạng thái quen thuộc nhất là buồn bã, ưu tư. Đối diện với những sắc thái xanh, một hình dung bao la, rộng lớn của thiên nhiên đối sánh với những yếu ớt, xanh xao của con người càng tăng cường mức độ miên man và hoang hoải của xúc cảm. Pablo Picasso cũng từng phải đối diện với những xúc cảm thuộc về nỗi buồn trong thời kỳ xanh 1901 – 1904 khi nỗi đau và sự tổn thương sau sự ra đi của người em gái bẻ bỏng, dấu yêu 7 tuổi và người bạn đồng hương thương mến Casagemas. Một sự mất mát, lạc lỏng tràn ngập sắc xanh lạnh. “Tragedy” (năm 1903) là một đơn sắc xanh với các sắc thái và cấp độ thiên hẳn về âm, u tối, ủ ê. Chủ đạo là sự khốn khổ, quẫn bách với màu xanh của sự mất mát và đau thương. Ba nhân vật chiếm trọn không gian, tư thế gò ép, khoanh tay và cuối gầm mặt tương đồng lẫn nhau của người đàn ông và đàn bà càng khiến màu xanh thêm nhiều sắc tối và trầm, đôi khi gần như đen đặc ở nếp gấp quần áo và nếp gấp cơ mặt. Cậu trai bé con với sắc xanh sáng hơi ánh vàng lục những tưởng giảm được chút tang thương bao trùm, nhưng biểu cảm nhàu nhĩ và đau đớn lại nhờ chính sắc tươi sáng đó làm cho khốn cùng bội phần. Sắc xanh dâng lên sự buồn bã, nghẹn ngào không thành lời và đầy ám ảnh.

Tragedy Pablo Picasso tranh

Bức Tragedy (1903) của Pablo Picasso.

Một biểu cảm khác của màu xanh từ nghệ sĩ Pháp Yves Klein, trừu tượng và hoàn toàn đơn sắc. Dù thực hành hội họa đơn sắc trên nhiều sắc màu khác nhau nhưng những tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của Yves Klein luôn là màu xanh với sắc thái thuần khiết của riêng mình. Xanh International Klein Blue (IKB) được Yves Klein tuyên bố phát minh và đăng ký độc quyền. Với sắc xanh riêng cá nhân, Yves Klein khiến giới nghệ thuật phải hoài nghi. Một sự tự do và chìm đắm trong sự tồn tại vô hạn của màu sắc, bước nhảy vọt vào khoảng không, đối diện với cảm xúc hay là một sự châm biếm đầy chuyên nghiệp với sự trừu tượng vô nghĩa trong nghệ thuật? Yves Klein giải phóng màu xanh ra khỏi sự giam hãm của tạo hình, trở lại là một sắc màu thuần nhất để trực tiếp dẫn lối cho con người đến vùng tự do bao la, rộng mở và đầy suy tư.

Blue Monochrome Klein Yves tranh xanh lam

Bức Blue Monochrome (1957) của Yves Klein.

nghe thuat xanh lam duong dai yves klein

Triển lãm của Yves Klein.

Đối diện với sắc xanh ta như thấy cả một chặng chinh phục đầy tuyệt vời của giống loài mang tên con người. Bắt đầu từ sắc màu ngoài tầm với, chúng ta thực sự tự chủ và đẩy sắc xanh len lỏi vào cuộc hoan ca rộn rã của nghệ thuật. Là cuộc trình diễn và phản tư của cá nhân, là sự cao quý và xa hoa hết mực, là những vô định không danh tính hay đơn giản chỉ là sự vỗ về, thân thương của biển trời sâu thẳm? Dẫu có là gì thì sắc xanh vẫn đang tiếp tục cuộc giễu hành đầy ấn tượng của chính nó, miên man và thẳm sâu trong dòng luân chuyển không dứt của nghệ thuật.

Chuỗi bài viết “Màu sắc và nghệ thuật” là tập hợp và đưa đến những điều thú vị của màu sắc đem đến cho nghệ thuật. Suốt dòng chảy nghệ thuật từ thưở sơ khai đến tận điểm hỗn loạn và đa chiều hiện tại, màu sắc luôn là yếu tố quan trọng. Mắt nhìn thu nạp sắc màu làm thế giới cá nhân trở nên phong phú không tưởng, mở ra một thế giới nghệ thuật đa chiều hướng và ảo mộng. Có vô vạn sắc màu được tạo ra nhưng quy tựu lại cũng từ sự pha trộn của những màu cơ bản. Những sắc màu dễ dàng bắt gặp, dễ dàng gọi tên vậy chúng ở đâu trong suốt chiều dài lịch sử nghệ thuật mà con người chúng ta tạo dựng?

Thực hiện: Saya Nguyễn | Ảnh: Tư liệu


Xem thêm

Màu sắc và Nghê thuật (phần II): Đi dưới Mặt trời vàng

Hiệu ứng Chromostereopsis: Mở khóa chiều sâu trong thiết kế nội thất

Acrylic và lịch sử đầy sắc màu của sơn và sắc tố