Hiệu ứng Chromostereopsis: Mở khóa chiều sâu trong thiết kế nội thất

Chromostereopsis, một hiệu ứng thị giác có khả năng cách mạng hóa nhận thức không gian thông qua việc sử dụng độ tương phản màu sắc một cách chiến lược.

Trong lĩnh vực nội thất, việc tạo ra những không gian thu hút giác quan là mục tiêu quan trọng mà các nhà thiết kế không ngừng theo đuổi. Từ việc lựa chọn màu sắc, vật liệu cho đến sắp xếp đồ đạc trang trí, mọi quyết định đều góp phần tạo nên tính thẩm mỹ tổng thể cho căn phòng. Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng, các nhà thiết kế đã sử dụng rất nhiều hiệu ứng có khả năng đánh lừa thị giác để tạo ra sự thu hút trong không gian, trong đó có Chromostereopsis.

Chromostereopsis: Khoa học trong màu sắc

Chromostereopsis là một hiện tượng thị giác trong đó nhận thức về chiều sâu hoặc không gian bị ảnh hưởng bởi độ tương phản giữa các màu. Điều này xảy ra khi hai màu có bước sóng khác nhau (như đỏ và xanh lam hay vàng và tím) được đặt cạnh nhau. Màu có bước sóng ngắn hơn (xanh lam/ tím) có xu hướng xuất hiện gần hơn, trong khi màu có bước sóng dài hơn (đỏ/ vàng) lại xuất hiện ở xa hơn, dẫn đến việc chúng có vẻ như đang ở những khoảng cách khác nhau so với người xem dù cùng nằm trên một hình ảnh hai chiều.

mau sac tuong phan chieu sau

Ảnh: Akiyoshi Kitaoka

Mặc dù mãi đến cuối thế kỷ 19 mới được đặt tên chính thức nhưng Chromostereopsis đã được tìm ra và quan sát trong một thời gian dài. Tài liệu đề cập đến hiệu tượng này sớm nhất là Treatise on Painting (tạm dịch: Chuyên luận về hội họa) của Leonardo da Vinci, được viết vào cuối thế kỷ 15. Theo quan sát của ông, các màu ấm (chẳng hạn như màu đỏ) có vẻ nổi lên, trong khi các màu lạnh (chẳng hạn như xanh lam) có vẻ lùi lại, cho thấy sự hiểu biết về tác động của độ tương phản màu sắc lên nhận thức đã được hình thành từ rất sớm. Cuối cùng, khi các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu và ghi chép một cách có hệ thống về hiệu ứng thị giác đặc biệt này thì nhà sinh lý học người Đức Ewald Hering mới đặt ra thuật ngữ “Chromostereopsis”, mô tả chính xác nhận thức về độ sâu do độ tương phản màu sắc gây ra.

tranh kinh mau su dung mau sac tuong phan

Tác phẩm tranh kính màu Divine Knight sử dụng cặp màu tương phản từ năm 1564. Ảnh: Zabytkowy Witraż

Chromostereopsis trong các lĩnh vực thiết kế và nghệ thuật

Chromostereopsis là một khía cạnh hấp dẫn của nhận thức thị giác có thể tác động đến cách chúng ta diễn giải và tương tác với thế giới xung quanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nghệ thuật, thiết kế và giao tiếp bằng hình ảnh.

Trong cuộc sống hàng ngày, hiện tượng này có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau mà chúng ta thường không nhận ra. Ví dụ trong quảng cáo, tiếp thị và nhận diện thương hiệu, các doanh nghiệp thường tận dụng những cặp màu tương phản để thu hút sự chú ý để truyền tải thông điệp của họ. Bằng cách sử dụng các kết hợp màu tạo cảm giác về chiều sâu hoặc tính đa chiều, họ có thể làm cho áp phích hoặc logo trở nên dễ nhớ hơn với người tiêu dùng.

logo thuong hieu cap mau tuong phan

Logo của những thương hiệu sử dụng cặp màu tương phản. Ảnh: Tư liệu

ung dung Chromostereopsis thiet ke graphic hien dai

Một trong những thiết kế hiện đại ứng dụng Chromostereopsis. Ảnh: jams2blues

Một lĩnh vực khác thường xuyên áp dụng hiệu ứng Chromostereopsis là nhiếp ảnh, đặc biệt nổi lên với phong trào tạo ra ảo ảnh quang học. Bằng cách điều chỉnh độ tương phản, bố cục màu sắc và ánh sáng, các nhiếp ảnh gia có thể tạo ra những bức ảnh thách thức nhận thức của người xem về chiều sâu và mối quan hệ không gian, gợi lên cảm giác tò mò và mê hoặc.

nhiep anh ung dung mau sac tuong phan

Ảnh: Blackblood111

nha do troi xanh lam

Ảnh: Toppøy Rorbuer

Dấu ấn của Chromostereopsis trong lĩnh vực thời trang cũng rất đáng được nhắc đến. Các nhà tạo mốt thường sử dụng kỹ thuật phối màu để tạo ra tính đa chiều trong thiết kế. Sắp xếp các màu sắc và hoa văn một cách chiến lược, ví dụ như họa tiết hình học, sọc đi cùng với tông màu có bước sóng ngắn, đường viền hoặc đường thêu của phụ kiện đi kèm lại sở hữu tông màu tương phản với trang phục chính, mang đến hiệu quả chiều sâu và cảm giác nổi bật kết cấu.

mau sac da dang ruc ro song dong

Ảnh: Missoni

Chromostereopsis trong thiết kế nội thất

Mặc dù Chromostereopsis  là một hiện tượng thị giác được quan sát chủ yếu trên hình ảnh hai chiều, nhưng các nguyên tắc của nó có thể được áp dụng vào xây dựng kiến trúc và thiết kế nội thất để tạo ra không gian trực quan sinh động, lôi cuốn người xem. Bằng cách xem xét cẩn thận độ tương phản màu sắc và ảnh hưởng của nó đến cảm nhận chiều sâu, các nhà thiết kế có thể nâng cao tính thẩm mỹ và chức năng cho các công trình của mình.

Để tận dụng sức mạnh của Chromostereopsis vào trang trí nhà cửa, đầu tiên, cần bắt đầu tạo điểm nhấn với màu sơn tường. Việc kết hợp các bức tường màu ấm và màu lạnh hoặc sử dụng cùng một tông màu nhưng điều chỉnh độ sáng và độ bão hòa khác nhau, có thể tạo chiều sâu và sự thu hút thị giác mạnh mẽ.

tuong xanh lam cua do san hoa tiet herringbone

Ảnh: Miguel Flores-Vianna

Tiếp đến là lựa chọn đồ nội thất có màu sắc hoặc hoa văn tương phản với nhau và tương phản với màu tường để mang đến bầu không khí sinh động cho căn phòng. Ví dụ: kết hợp một chiếc ghế sofa màu tối với những chiếc ghế phụ có điểm nhấn màu sáng hoặc những chiếc gối tựa lưng màu sắc bổ sung để cải thiện tính đa chiều cho không gian. Các tác phẩm nghệ thuật cũng là trợ thủ đắc lực cho Chromostereopsis phát huy tối ưu hiệu quả. Những bức tranh hay tượng điêu khắc có tông màu tươi sáng không chỉ thu hút sự chú ý mà còn tạo ra cá tính riêng cho không gian của bạn. 

mau sac tuong phan tim vang

Ảnh: Nishan Photography

Các vật liệu và lớp hoàn thiện khác nhau sẽ phản chiếu ánh sáng và màu sắc theo nhiều cách, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên cảm nhận về chiều sâu cho không gian. Các nhà thiết kế có thể cân nhắc sử dụng các vật liệu có đặc tính phản xạ màu khác nhau, chẳng hạn như bề mặt bóng, mờ hoặc bề mặt có họa tiết, để tạo độ tương phản trên các yếu tố kiến trúc như tường, sàn và trần nhà.

thiet ke an tuong tran ngap mau sac

Ảnh: Karim Rashid

Tỉ mỉ và chỉn chu trong thiết kế hệ thống chiếu sáng cũng giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện chiều sâu của không gian. Bằng cách định vị các nguồn sáng một cách chiến lược và áp dụng nhiều kỹ thuật chiếu sáng khác nhau như: tạo bóng, điểm sáng, chuyển màu… các nhà thiết kế có thể nhấn mạnh độ tương phản màu sắc và tạo cảm giác ba chiều.

anh sang mau trang tim tranh nghe thuat

Ảnh: David Kadlubowski

Những điều cần lưu ý khi áp dụng Chromostereopsis vào thiết kế nội thất

Mặc dù không có bộ quy tắc nghiêm ngặt nào cho việc áp dụng Chromostereopsis vào thiết kế nội thất, nhưng vẫn có một số lưu ý mà các nhà thiết kế hay gia chủ cần cân nhắc để tận dụng độ tương phản một cách hiệu quả. 

Cân bằng là chìa khóa cốt lõi trong việc sử dụng độ tương phản màu sắc, nên cố gắng đạt được sự cân bằng hài hòa giữa các màu và đảm bảo rằng chúng bổ sung chứ không lấn át lẫn nhau. Thử nghiệm nhiều kết hợp màu với các cường độ khác nhau có thể giúp đạt được sự cân bằng mong muốn đồng thời nâng cao khả năng đánh giá thẩm mỹ.

mau sac tuong phan

Ảnh: Milmark Painting

Một không gian tràn đầy sắc màu đòi hỏi sự quy hoạch kỹ lưỡng và có chủ đích, cả về vị trí sắp đặt lẫn kích thước và tỷ lệ. Những vị trí chiến lược hoặc các bề mặt lớn như: tường, sàn nhà mang đến cơ hội làm nổi bật những màu sắc đậm, tạo điểm nhấn cho tổng thể thiết kế. Những vị trí nhỏ hơn, chẳng hạn như đồ nội thất, phụ kiện trang trí hoặc tác phẩm nghệ thuật, có thể phù hợp với những gam màu tương phản sáng, giúp tăng thêm chiều sâu và sự thú vị về mặt thị giác mà không lấn át các giác quan.

khong gian an tuong tham quay bar

Ảnh: Karim Rashid

Tương lai của Chromostereopsis 

Xu hướng áp dụng Chromostereopsis vào thiết kế nội thất sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ, thay đổi sở thích thiết kế và hiểu biết ngày càng tăng về tác động tâm lý của hiện tượng. 

Khi công nghệ tiếp tục phát triển, con người có thể tiếp cận với các công cụ và kỹ thuật phức tạp hơn để điều khiển độ tương phản màu sắc. Điển hình, công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) cho phép các nhà thiết kế mô phỏng hiệu ứng hình ảnh của các kết hợp màu và thiết lập nhiều kịch bản ánh sáng khác nhau, mang lại giải pháp thiết kế chính xác và chân thực hơn.

tuong lai cua thiet ke noi that

Ảnh: Matrix AR

Để giải quyết các mối lo ngại ngày càng tăng về môi trường, con người đang dần chú trọng hơn vào các thực hành thiết kế bền vững nhằm giảm thiểu tác động xấu. Đây là tiền đề thôi thúc các nhà thiết kế khám phá các vật liệu và lớp hoàn thiện thân thiện với thiên nhiên, giúp nâng cao độ tương phản màu sắc và cảm nhận về chiều sâu mà không ảnh hưởng đến các mục tiêu bền vững, góp phần tạo ra giải pháp nội thất phù hợp với thời đại.

Tuy nhiên, sự phát triển đáng được mong đợi nhất của Chromostereopsis trong thiết kế nội thất là tham gia vào các sáng tạo hợp tác liên ngành. Chúng ta có thể ứng dụng tương phản màu sắc vào không gian sinh hoạt để điều chỉnh tâm trạng và giải quyết các vấn đề về hành vi, tạo ra những không gian thúc đẩy hạnh phúc và sự phát triển của con người thông qua lời khuyên đến từ các nhà thần kinh học hay tâm lý học.

mau sac ruc ro va tuong phan tranh nghe thuat giuong goi tua lung

Ảnh: Krsna Mehta

Nhìn chung, Chromostereopsis là một hiệu ứng hấp dẫn ảnh hưởng đến nhận thức về chiều sâu và chiều hướng trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Bằng cách hiểu độ tương phản màu sắc có thể ảnh hưởng đến thị giác như thế nào, chúng ta có thể tạo ra những thiết kế được đánh giá cao về mặt trải nghiệm và tương tác. Khi thế hệ các nhà thiết kế trẻ vượt qua ranh giới của sự sáng tạo và công nghệ, chúng ta có thể mong đợi vào những không gian nội thất năng động và làm say đắm các giác quan.

chieu sau

Ảnh: Driade

Thực hiện: Thùy Như 


Xem thêm: 

Phong trào Bauhaus: Chủ nghĩa biểu hiện

Phong cách Rococo: Sự lãng mạn trong kiến trúc

Thuyết màu sắc Le Corbusier trong kiến trúc hiện đại

Màu sắc và Nghê thuật (phần II): Đi dưới Mặt trời vàng