Màu sắc và Nghê thuật (phần II): Đi dưới Mặt trời vàng

Với vô vàn những thông điệp trái ngược: vĩnh cửu hay dối lừa, rực rỡ, tươi tắn hay bệnh tật, yếu đuối,… sắc vàng luôn có được những cảm xúc yêu ghét song hành trong suốt lịch sử của riêng nó.

Ngoài chìm trong sắc đỏ của máu và lửa cháy rực trong hang tối, thuở hồng hoang còn là vết tích của giống loài Homos Sapiens soi chiếu và hun nóng bởi Mặt trời trường tồn. Con người thuở ban sơ hay đến khi ngạo nghễ chinh phục thế giới hiện tại vẫn luôn cần cậy nhờ và quy phục trước sức mạnh của nguồn sáng vĩnh cửu mang tên Mặt trời. Đi dưới hành tinh màu vàng ta được tồn tại, được sống và bung nở. Sắc vàng của nó trở thành nỗi ngưỡng vọng và sự tôn thờ thánh thần, rọi thẳng vào tâm tưởng và làm sáng rỡ nghệ thuật.

Sắc vàng lẫn tạp

Là một trong những màu cổ xưa nhất cùng song hành với sắc đỏ nhưng dường như những kịch tính và bạo liệt không thể là những tính từ dung để miêu tả lịch sử của màu vàng vốncó phần êm ả và không quá ấn tượng với nguồn sơ khai từ đất hoàng thổ và kim loại màu. Các địa điểm khai quật khaỏ cổ chứng minh rằng màu vàng có niên đại ít nhất 40.000 năm ở Châu Âu và Trung Đông, và các chuyên gia cho rằng lần đầu tiên xuất hiện ở Châu Phi là cách đây khoảng 285.000 năm.

Trước khi khai phá và cuồng si sự rạng rỡ và lung linh từ kim loại quý, màu vàng ẩn mình trong những hang động-nơi ẩn nấp của loài người. Trích xuất từ đất hoàng thổ, sự gia giảm trong điều chế hay sự mài mòn của thời gian, ta có thể nhận thức được màu sắc này trong bảng sắc độ từ đỏ đất đến nó. Sắc vàng ở thời điểm này lẫn tạp, không trong trẻo và rạng rỡ, đôi khi còn thiệt thòi bởi sự cạnh tranh của màu đỏ do việc trích xuất từ cùng loại chất liệu. Vàng đất trầm ấm xuất hiện đồng thời với sắc đỏ son trong các đường nét giản đơn của loài người giai đoạn thời nguyên thủy hay được sử dụng làm chất màu sơn trang trí trên các bích họa Ai Cập cổ đại để diễn tả sắc da các vị thần, bầu trời và Mặt trời đậm đặc tính thiêng.

ai cap co dai bich hoa nghe thuat mau vang

Bích họa của Ai Cập cổ đại.

Vàng kim, Mặt trời và giáo đường

Khi con ngươi bắt đầu đón nhận được ánh sáng phản chiếu từ kim loại vàng, chuyến hành trình của sắc vàng mới chính thức bước vào giai đoạn rực rỡ và huy hoàng nhất, bởi giữa mịt mùng đêm đen, thứ kim loại óng ánh dường như là thực thể ít ỏi có thể mô phỏng sống động và rực rỡ sự chói lọi của Mặt trời chỉ bằng cách khuyếch đại những tia sáng yếu ớt, le lói. Con người mê mệt vẻ hào nhoáng, sắc bóng bẩy của những thỏi kim loại quý, giúp vàng len lỏi và phủ lên tất cả bình diện đời sống, tựa một cách sùng bái vị thần quyền uy biểu trưng cho một trong những yếu tố khởi thủy thế giới mang tên Mặt trời.

“The Sun Chariot” thuộc đầu thời đại đồ đồng Scandinavia với niên đại khoảng năm 1400 TCN có lẽ là một trong những ví dụ điển hình về sự tôn thờ Mặt trời bằng sắc vàng lung linh bất chấp thời gian. Chất liệu chính của tượng là đồng và vàng, nổi bật với dáng vẻ duyên dáng, thanh lịch và nhịp nhàng trong chi tiết. Tạo hình ngựa và cấu trúc cỗ xe như bánh xe, vòng đai thanh mảnh nhưng theo thời gian có dấu hiệu oxi hóa, những mảng gỉ xanh mờ xuất hiện rải rác. Tuy thế, phần trung tâm cân xứng với con ngựa là đĩa Mặt trời ở dạng hơi cong lồi, họa tiết xoắn ốc chạm khắc tinh giản, được xếp đặt theo lối trang trí đồng tâm vẫn ánh lên sắc vàng rực rỡ và tinh khiết. Những mảng đồng xếp rải rác trên đĩa Mặt trời không thể làm lu mờ ánh vàng kim nguyên vẹn. Sắc vàng ở “The Sun Charoit” dạng thức mô phỏng Mặt trời, trình hiện hành trình dịch chuyển vĩnh cửu của Mặt trời đi qua ánh sáng thiên đường và bóng tối thế giới ngầm.

the sun chariot dieu khac kim loai vang

Bức tượng The Sun Chariot.

Trôi chảy về Đông phương, nơi sông Nile huyền bí vô tận với dải sa mạc cát cháy, đất nước của các vị thần được cai trị bởi người con của thần Mặt trời Ra, ta thấy thứ kim loại sắc vàng phủ khắp trong những hiện vật được phát hiện tại lăng mộ vua Tutankhamun. Đẹp đẽ và giá trị nhất là mặt nạ với kích thước 54×39.3cm được đúc hoàn toàn bằng vàng, nặng khoảng 10.23kg kèm khảm đá quý. Kim loại vàng được tận dụng triệt để trong tạo hình gương mặt và các chi tiết sắc nét, khối vàng được xử lý tỉ mỉ, bề mặt phẳng mịn, sáng bóng, phần mũ Neme với những mép cạnh vàng đan cài ăn khớp với những thanh thủy tinh xanh phỏng lại tia chiếu rực rỡ của Mặt trời giữa bầu trời. Với người Ai Cập cổ đại, vàng là biểu hiện thị giác thuần túy thực thể thiên nhiên là Mặt trời và là lớp da của các vị thần. Vì vậy, mặt nạ Tutankhamun chỉ ra kết nối cao quý của Pharaon một đại diện của liên kết con người và thần linh.

tutakhamun mat na vang nghe thuat

Mặt nạ Tutankhamun bằng vàng.

Sắc vàng dềnh dàng trải dài từ bờ Đông đến bờ Tây thế giới, ngự trong những giáo đường rực rỡ Công giáo Byzantine, Đông La Mã. Từ những mảnh nhỏ với kỹ thuật khảm mosaic đặc trưng cầu kỳ, sắc vàng lung linh đầy sức gợi trong những chân dung với nét hình rành mạch, phản chiếu tỉ mỉ ánh sáng, tạo độ sâu và ngỡ ngàng từ những mảnh ghép nối nhỏ bé. Một phong cách nghệ thuật độc đáo riêng có, tách khỏi nét hình uyển chuyển, tinh xảo của Hi Lạp cổ đại. Sự đảo chiều của vương triều phía Đông La Mã khi giấc mơ về cuộc đại thắng có dấu hình thánh giá của đại đế Constantinus I thành hiện thực, Kito giáo được rũ bỏ màn tăm tối đè ép, thoát khỏi cảnh bạo tàn máu chảy tiến về bình minh rực sáng và huy hoàng. Sắc vàng choáng ngợp và hân hoan, các giáo đường rộng mở đón chào con chiên của Chúa trong miền vàng bình yên và ấm áp.

giao duong nha tho byzantine kien truc nghe thuat mau vang

Giáo đường Byzantine.

Sắc vàng rực rỡ và đầy ám ảnh

Thế kỷ XX, màu vàng trở nên thương mại hóa, dễ dàng tiếp cận và an toàn hơn. Sơn vàng cadium hay crom được điều chế và thay thế cho sơn có asen, uranium dioxide, chất phóng xạ,… có độc tính, gây hại cho sức khỏe. Chính sự cải tiến về điều chế sơn vàng cũng đem lại sự thay đổi tích cực cho những thông điệp ẩn sau màu sắc này. Từ là một hình dung về bệnh tật và sự yếu ớt, sắc vàng hóa rực rỡ và sáng trong.

Nghệ thuật trong giai đoạn Hậu ấn tượng được sắc vàng lĩnh chiếm với những vệt màu giàu biểu cảm và mãnh liệt của Vincent van Gogh. Người họa sĩ mê đắm và cho phép màu vàng lan tràn và nở rộ trong chặng đường thực hành nghệ thuật tuy ngắn ngủi nhưng đẹp đẽ. Vàng của Vincent là sắc vàng cam no đủ, bội thu trong “De oogs” (năm 1888), những vụ mùa đương trĩu hạt của đồng bằng La Crau mỡ màng, sóng sánh từng lớp lúa chín vàng trên nương trong không gian miên man của nền trời xanh pha ánh vàng nhẹ tả cái nắng dịu ngọt phương nam. Hay đi theo chiều hướng trầm tối hơn trong bức họa ‘Sunflower” (năm 1889), nền vàng sáng nhẹ của tường khiến sắc vàng dàn trải của hoa, bình và bàn mang nặng nỗi u hoài về vòng nhân sinh rũ rượi và lụi tàn. Đến khoảng thời gian cuối đời, sắc vàng vượt khỏi tầm kiểm soát trở nên dữ dội, chói chang và điên loạn. Người ta đồ rằng, Van Gogh không chỉ dành một ưu ái đơn thuần mà màu vàng là sự ám ảnh khôn cùng nơi đáy mắt, biểu hiện cho những rối loạn tâm trí, sử dụng thuốc trị liệu, hay hơn nữa là trình diễn câu chuyện cuộc đời qua những đổi khác của sắc thái.

de oogst tac pham nghe thuat van gogh

Bức “De oogst” (1888)

sunflowers van gogh tranh

Bức “Sunflowers” (1888)

Gustav Klimt đưa ta trở về những hoài niệm cũ của thời hoàng kim rực rỡ của kim loại vàng. Tranh của ông là sự đồ sộ, lộng lẫy nhưng rất đỗi ấm nóng và nhiệt thành. “The Kiss”(1907–1908) với sự chìm lẫn của người và người, người và không gian cho thấy sự dâng đầy của xúc cảm và lớp phủ vàng bao bọc đôi tình nhân đang say trong hơi men ái tình. Sắc vàng của đôi tình nhân gần như không có sự khác biệt, sự phân tách nằm ở tạo hình trang trí trên áo choàng, người đàn ông là những khối hình dứt khoát, đầy nam tính, người phụ nữ là dấu hoa yêu kiều và mảng tròn cuộn mềm mại, giàu nữ tính. Chính sự chung đụng tương đồng trong sắc độ vàng khiến ta ngây ngất trong nhạc điệu quyến rũ của tình yêu.

gustav klimt the kiss tranh nghe thuat

Bức “The Kiss” (1907–1908)

Suốt một chiều dịch chuyển của thời gian, sắc vàng dần trở nên linh động và thú vị hơn trong nền nghệ thuật rông và đa sắc. Từ khước tính mô phỏng thực tế hay tính biểu tượng ở quy mô rộng của những kiểu hình cũ đi vào diễn giải nội tâm và bộc lộ những xúc động đa chiều và cá nhân. Những lung linh của sắc thái con người dù biến hóa đa hình vẫn mãi luôn được soi chiếu và nâng đỡ như thuở buổi ban đầu bởi ta đang… đi dưới Mặt trời vàng.

Chuỗi bài viết “Màu sắc và nghệ thuật” là tập hợp và đưa đến những điều thú vị của màu sắc đem đến cho nghệ thuật. Suốt dòng chảy nghệ thuật từ thưở sơ khai đến tận điểm hỗn loạn và đa chiều hiện tại, màu sắc luôn là  yếu tố quan trọng. Mắt nhìn thu nạp sắc màu làm thế giới cá nhân trở nên phong phú không tưởng, mở ra một thế giới nghệ thuật đa chiều hướng và ảo mộng. Có vô vạn sắc màu được tạo ra nhưng quy tựu lại cũng từ sự pha trộn của những màu cơ bản. Những sắc màu dễ dàng bắt gặp, dễ dàng gọi tên vậy chúng ở đâu trong suốt chiều dài lịch sử nghệ thuật mà con người chúng ta tạo dựng?

Thực hiện: Saya Nguyễn | Ảnh: Tư liệu


Xem thêm: 

Màu sắc và nghệ thuật (phần I): Sắc đỏ thuở hồng hoang

5 trào lưu nghệ thuật có tác động lên kiến trúc hiện đại

Nghề phục chế: Mảnh ghép thiết yếu của nghệ thuật