Nghề phục chế: Mảnh ghép thiết yếu của nghệ thuật

Vào ngày 08/12/2023, chuyên gia Hiền Nguyễn đã có buổi giao lưu với họa sĩ, giảng viên đại học khoa mỹ thuật, nhà phê bình và học sinh – sinh viên quan tâm tới bảo tồn và phục chế tác phẩm nghệ thuật. Buổi trò chuyện nằm trong khuôn khổ chuỗi chương trình ‘Trà đàm’ của dự án cộng đồng về lưu trữ và nghiên cứu di sản Tản Mạn Kiến Trúc tại không gian Nam Thi House.

Trong buổi thảo luận, chuyên gia Hiền Nguyễn đã chia sẻ câu chuyện về quá trình phục chế tác phẩm nghệ thuật và di sản kiến trúc mà cô đã tham gia thực hiện tại Pháp và Việt Nam. Chương trình đưa đến những trao đổi rằng nghệ thuật không chỉ là câu chuyện của tài năng thiên phú mà trên thực tế, các thành quả nghệ thuật đã được tạo nên từ quá trình nghiên cứu nghiêm cẩn của nhiều thế hệ nghệ sĩ và nhà khoa học. Đằng sau mỗi tác phẩm nghệ thuật là nguồn cảm hứng sáng tạo lẫn quá trình tìm tòi, thử nghiệm và hiểu biết chuyên sâu về các yếu tố kỹ thuật, khoa học, lịch sử, nghệ thuật và nhân văn, được đúc kết từ quá trình tìm tòi kỹ lưỡng lâu dài.

toa dam tan man kien truc chuyen gia

Các thành viên của Tản Mạn Kiến trúc và chuyên gia phục chế nghệ thuật Hiền Nguyễn. Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

Khán giả xuyên suốt sự kiện đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh các giải pháp thiết thực để bảo quản và phục chế tác phẩm nghệ thuật, cũng như quy trình làm việc của một dự án phục chế điển hình, cách bắt đầu nghiên cứu về phục chế, và những triển vọng về bảo tồn tại Việt Nam. Trong đó đặc biệt có nhiều câu hỏi đến từ sinh viên – học sinh từ các trường Kiến trúc và Mỹ thuật. Các bạn đã hào hứng chia sẻ quan điểm về tình yêu với nghệ thuật, cũng như những băn khoăn về quy trình sáng tạo, tò mò về công việc thẩm định tác phẩm. Đây là công việc mà chuyên gia Hiền Nguyễn cho là một chuyên ngành cũng rất quan trọng cho cả phục chế và phê bình. 

phuc che tranh nghe thuat comptoir du temps

Ảnh: Comptoir Du Temps

Tiếp nối ý tưởng về sự cộng tác liên ngành, chuyên gia Hiền Nguyễn cũng gợi ý rằng nếu ai đó muốn bắt đầu tìm hiểu về chuyên môn phục chế và thẩm định, hay muốn theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu lịch sử nghệ thuật. Xét theo quan điểm từ nhiều hệ thống nghiên cứu cho đến hiện tại, lịch sử nghệ thuật vừa là nguồn cảm hứng, vừa là phương tiện để mở ra hiểu biết sâu hơn về văn hóa và nghệ thuật, giúp chúng ta thẩm định các tác phẩm trong các ngữ cảnh lịch sử của chúng.

Chương trình kéo dài đến bốn tiếng, vượt qua dự trù của chính ban tổ chức, cho thấy sự đón nhận nồng nhiệt và mức độ cần thiết của việc kết nối cộng đồng nghệ thuật. Đây cũng là bằng chứng cho việc người trẻ Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến nghệ thuật và di sản, cũng như nhu cầu trao đổi và kết nối nhiều hơn với bối cảnh nghiên cứu, thực hành nghệ thuật tại Việt Nam và thế giới.

tan man kien truc phuc che nghe thuat toa dam

Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

Trên tinh thần trao đổi đa ngành, chuỗi chương trình Trà Đàm của Tản Mạn Kiến Trúc được đề xướng như một sự kết nối và bày tỏ sự trân trọng tới các nhà nghiên cứu tiền bối  trên con đường nghiên cứu, cống hiến cho di sản. Trà Đàm nằm trong chuỗi dự án với chủ đề đa dạng đã- đang được triển khai giữa Tản Mạn Kiến Trúc cùng các chuyên gia, những người truyền cảm hứng và cổ vũ người trẻ trong việc yêu thương và nghiên cứu di sản như Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Vi, Giáo sư Chung Hoàng Chương, Kiến trúc sư Mel Schenck, Nhà thiết kế Nguyễn Đình Hòa, Tiến sĩ – Kiến trúc sư Đặng Thanh Hưng và nhiều tiền bối khác.

Về diễn giả

Nguyễn Thị Thu Hiền: Là chuyên gia phục chế tốt nghiệp chuyên ngành Phục chế – Bảo quản các tác phẩm nghệ thuật tại Atelier du Temps du Passé, Paris (2014-2019).  Năm 2004 – 2007, cô theo học kiến trúc tại Ecole d’architecture de Bretagne, Pháp. Trong chuyến thực tập năm cuối ngành kiến trúc, với mục tiêu nghiên cứu chất liệu trong kiến trúc, cô đã tham gia phục chế Nhà thờ cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ 13 tại Fontainbleau, Pháp. Chính cơ hội này đã mang đến cơ duyên tìm hiểu, học và nghiên cứu chuyên sâu ngành phục chế – bảo quản tác phẩm nghệ thuật sau này.

chuyen gia phuc che nghe thuat hien nguyen

Chuyên gia phục chế nghệ thuật Hiền Nguyễn. Ảnh: Comptoir Du Temps

Trong quá trình thực hành phục chế, bức tranh phức tạp và mang lại nhiều khám phá nhất với cô là một tác phẩm của danh hoạ Lê Phổ. Từ khi trở về Việt Nam, Thu Hiền đã tham gia vào hoạt động phục chế các tác phẩm nghệ thuật cho các bộ sưu tập và triển lãm trong và ngoài nước, trong đó nổi bật có các tác phẩm của hoạ sĩ Trần Phúc Duyên và tác phẩm ‘Vịnh Hạ Long’ (kích thước 212×513 cm) của hoạ sĩ Jean-Louis Paguenaud trong triển lãm Mộng Viễn Đông (Ace Lê giám tuyển, 2023). Năm 2020 cô về nước và mở xưởng phục chế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thu Hiền mong muốn phổ biến các kiến thức cơ bản về chất liệu, vật liệu trong mỹ thuật để từ đó chúng ta có thể bảo quản các tác phẩm được tốt hơn.

Tản Mạn Kiến Trúc: Là dự án nghiên cứu hệ thống di sản kiến trúc Việt Nam. Kể từ khi thành lập vào năm 2019, Tản Mạn Kiến Trúc thực hiện việc lưu trữ dữ liệu về những công trình đang mất dần, cũng như thu thập câu chuyện từ các nhóm dân cư sống cùng di sản, đồng thời tương tác với cộng đồng người trẻ nhằm lan tỏa tình yêu dành cho văn hóa, nghệ thuật Việt. Nhóm không hướng tới sự hoài nhớ mà là tiếng nói phản hồi của người trẻ khi đối diện với quá trình đô thị hóa và sự biến mất của di sản, để khám phá những khả năng của cộng đồng trong việc chung tay kiến tạo ý nghĩa cho di sản trong đời sống Việt Nam đương đại.

Thực hiện: Vương An Nguyên


Xem thêm

Huế vàng son: Phục chế Pháp lam Huế tìm lại hoàng kim

Phục chế di sản nghệ thuật tại nhà hàng Frescohallen

“Tản mạn kiến trúc Nam Bộ” – biên khảo kiến trúc của nhóm cây viết trẻ