Huế vàng son: Phục chế Pháp lam Huế tìm lại hoàng kim

Ở Việt Nam, hiếm nghề thủ công nào gặp nhiều thăng trầm như Pháp Lam Huế. Mỗi sản phẩm ra đời là sự kết hợp của nghề thiết kế, gò hàn, kim hoàn, mỹ thuật, chạm khảm, men thuốc, lò nung. Thế nên, từ khi lụi tàn vào thời Đồng Khánh (1885 – 1889), mãi đến những năm 2000, Pháp Lam Huế mới có điều kiện tái sinh.

“Khái niệm “phục chế Pháp Lam Huế”, đặc biệt là những mảng trang trí trong kiến trúc cung đình, từng là chuyện xa tầm tay bởi nghề thủ công đặc biệt này chỉ tồn tại trong quãng thời gian khoảng 60 năm rồi thất truyền, không tài liệu, không nghệ nhân, chỉ còn lại các mảng trang trí Pháp Lam trong kiến trúc cung điện, lăng tẩm, cùng BST gần 100 hiện vật ngự dụng trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế của các vua triều Nguyễn như bát, đĩa, khay, bình hoa, lư hương, chậu hoa, đầu hồ… Câu chuyện phục chế được Đỗ Hữu Triết – kỹ sư vật lý, cũng là người lập xưởng phục chế Pháp Lam Huế duy nhất ở Việt Nam hiện nay, bắt đầu từ những hiện vật hiếm hoi như thế. Đỗ Hữu Triết chính là người phục chế các công trình Pháp Lam kiến trúc trong di tích Đại Nội, Lăng Đồng Khánh…

Gam màu Pháp Lam Huế dễ dàng ứng dụng trong chế tác thủ công mỹ nghệ và sáng tác.

Đỗ Hữu Triết tại xưởng vẽ các sản phẩm Pháp Lam do anh trực tiếp điều hành.

Từng có thời gian làm chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, đề tài Pháp Lam đã gợi cho Triết những tò mò thú vị, càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy trong Pháp Lam sự đa dạng đặc biệt là màu men phong phú mà các chất liệu khác không có được. Triết bắt đầu tiếp cận khai thác, hệ thống hóa các phương pháp chế tác Pháp Lam bằng ứng dụng khoa học. Nhờ lợi thế chuyên ngành nghiên cứu, Triết tìm sự kết hợp tay nghề từ đa ngành gồm họa sĩ, thợ thủ công, nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, khoa học vật liệu… cùng niềm đam mê để tìm lại những sắc màu, kỹ thuật chế tác Pháp Lam theo lối xưa.

Chỉ là cốt đồng, sử dụng men thủy tinh, vẽ, đem nung, nhưng để hai thứ vật liệu kim loại và men thuốc hòa hợp, bám quyện chặt vào nhau, không rạn nứt, bong tróc, gam màu đạt những sắc độ mà Pháp Lam Huế ngày xưa sử dụng, thách thức ấy khiến Triết phải trả giá bằng rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Để ra được những sản phẩm Pháp Lam phục chế ở Đại Nội, các lăng tẩm hoàn hảo, Triết chia sẻ: “Pháp Lam là vật liệu trang trí đặc biệt, thợ Pháp Lam giỏi phải khống chế được màu sắc tuyệt đối, với nhiệt lò trên 1.000 độ, chỉ xê dịch chút là bảng màu sẽ khác biệt. Cốt Pháp Lam là kim loại đặc tính giãn nở theo thời tiết, khi đưa vào công trình, men trên bề mặt phải đạt độ dày mỏng tương xứng để giãn nở đều với cốt thai, nếu vênh nhau lớp men sẽ rạn vỡ, bong tróc ngay”.

Pháp Lam Huế có khoảng 15 màu khác biệt, mỗi màu có hơn 10 sắc độ đậm nhạt khác nhau. Điểm khác biệt của Pháp Lam Huế là sự đằm thắm nhờ lối phối màu hài hòa, thanh thoát.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế từng nhận xét: “Đồ Pháp Lam khôi phục trang trí trên công trình kiến trúc so sánh với Pháp Lam thời Nguyễn không có độ chênh nhiều về mặt kỹ thuật lẫn mỹ thuật, có thể nói đây là một thành công”.

Từ việc thành công phục chế Pháp Lam trang trí ngoại thất với các mảng khối, kích cỡ lớn, Đỗ Hữu Triết dần mở rộng sản xuất Pháp Lam nội thất, từ chén, bát, đĩa, lư hương, hộp, tranh, ảnh, phù điêu, mảng trang trí… đến việc sử dụng Pháp Lam như một chất liệu để các nghệ sĩ đương đại sáng tác, với sự kết hợp giữa sơn mài – Pháp Lam, gốm – Pháp Lam… Hướng đi này được Triết lý giải: “Để nghề Pháp Lam Huế tồn tại và tiếp tục phát triển cần có sản phẩm tiếp cận thị trường, Pháp Lam Huế từ lúc khởi nguồn đã là một sản phẩm cao cấp, việc khôi phục phát triển vẫn dựa trên kỹ thuật chế tác giống với Pháp Lam các nước nhưng tinh thần, biểu cảm, cách thể hiện và ý thức người thợ từng công đoạn thì khác nhau”. Hy vọng những khác biệt ấy sẽ được thị trường đón nhận để Pháp Lam Huế có dịp hồi sinh, phát triển và thăng hoa như đã từng một thời trong quá khứ.

Phục chế Pháp Lam Huế từ các di tích đã mở ra hướng đi mới là chế tác Pháp Lam mỹ nghệ, sản phẩm sử dụng rất nhiều đường nét, màu sắc, hoa văn, họa tiết trang trí theo phong cách Huế xưa.

Ảnh: HẢI ĐÔNG – Sắp đặt: TỪ PHƯƠNG THẢO – Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN ĐÌNH