Dưới bàn tay tài hoa và khả năng sáng tạo mạnh mẽ của nhân loại, hàng loạt phong cách kiến trúc, công trình di sản, từ cổ điển đến hiện đại, từ Á Đông đến Âu Mỹ đã được ra đời. Mỗi phong cách mang một vẻ đẹp riêng, thể hiện sự hợp nhất giữa lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của các thời đại. Là một trong những trường phái kiến trúc tiêu biểu, Rococo đại diện cho một thời kì hoàng kim tại châu Âu với những công trình gây sức hút bởi sự đồ sộ, tỉ mỉ và mỹ miều đến từ chi tiết.
Sự ra đời và phát triển của Rococo
Rococo xuất hiện lần đầu tiên ở Pháp trong những năm 1720-1730, được phát triển bởi những người thợ thủ công và nhà thiết kế. Điều này giải thích cho việc phong cách này chủ yếu được tìm thấy trong đồ nội thất, bạc chế tác và gốm sứ thời kỳ đầu. Đến giữa thế kỷ 18, phong cách đã để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trên kiến trúc với những bức tượng thạch cao phức tạp và các đường gờ chạm khắc tinh tế. Đặc biệt, ánh sáng khuếch tán và mềm mại là yếu tố vô cùng quan trọng trong kiến trúc Rococo. Vì thế, đèn chùm, đèn treo tường, đèn nến… với thiết kế công phu và các điểm nhấn trang trí bằng pha lê hoặc thủy tinh thường được sử dụng.
Lấy cách gọi tiếng Pháp của từ “rocaille” – có nghĩa là trang sức được làm từ vỏ sò và đá, Rococo tượng trưng cho các yếu tố trang trí thuần khiết, chân phương. Thời kỳ hoàng kim của phong cách này được đánh dấu bằng sự phổ biến rộng rãi các tác phẩm của hai họa sĩ Jean-Honoré Fragonard và Francois Boucher trên toàn thế giới. Ngay sau đó, Rococo dần suy thoái, không còn thịnh hành tại Pháp nhưng được đón nhận bởi con mắt nghệ thuật của các quốc gia khác, điển hình là Anh.
Phong cách Rococo phát triển mạnh mẽ tại Anh từ năm 1740 đến năm 1770. Sau khi xuất hiện trên trang sức bạc, nó được ứng dụng rộng rãi trong chạm khắc gỗ và thống trị các thiết kế kiểu Anh vào giữa những năm 1760. Hầu hết các bản in đều là thiết kế nguyên bản mà không phải là bản sao của sản phẩm lục địa Pháp. Để đạt được cấp độ này, các thợ thủ công nhập cư, và họa sĩ, trong đó có Hubert-Francois Gravelot và Andien de Clerment đã tích cực giới thiệu và quảng bá phong cách Rococo.
Đặc trưng của phong cách Rococo
Phong cách kiến trúc Rococo được biết đến với sự quyến rũ, lãng mạn và nữ tính thể hiện qua các đường cong linh hoạt, cấu trúc bất đối xứng, hoa văn tinh tế và những xoắn ốc cầu kỳ,… Ở các công trình thuộc giai đoạn Rococo, người ta luôn bắt gặp các họa tiết nhuyễn, tranh ảnh mô phỏng hình dáng các loài động thực vật, hoa lá, cỏ cây, vỏ sò, đá cuội và dây leo kết hợp cùng hiệu ứng Trompe l’oeil – kỹ thuật tạo dựng ảo ảnh thị giác cổ điển được sử dụng phổ biến trong tranh tường và trang trí trần nhà. Các chi tiết này thường được mạ vàng hoặc bạc để tôn vinh vẻ đẹp và sự giàu có.
Bảng màu Rococo đã làm thay đổi hoàn toàn chuẩn mực về màu sắc của các thời kỳ trước. Các tông màu pastel nhã nhặn như: màu phấn, màu kem, ngọc trai, xam lam, vàng nhạt,… được ưa chuộng trong các công trình theo phong cách kiến trúc Rococo. Đây cũng được coi là bảng màu tiêu biểu của thế kỷ 18 khi chúng được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực hội họa. Bên cạnh đó, để tạo nên những bức bích họa đẳng cấp và những đường gờ điêu khắc chạm trổ tinh tế, vữa được ưu tiên sử dụng trong các công trình. Vật liệu này có thể biến hóa linh hoạt, khiến cho các chi tiết trở nên chân thực và sống động hơn.
Rococo và Baroque: Sự khác biệt đến từ thoát ly tôn giáo
Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử, kiến trúc không chỉ đơn thuần là câu chuyện về trang trí nhà cửa. Nó luôn phản ánh mục tiêu và mong muốn của con người. Tương tự khi so sánh hai trường phái kiến trúc Rococo và Baroque, nếu một trong những mục tiêu của Baroque là củng cố quyền lực Giáo hội Công giáo thì Rococo lại đánh dấu sự vùng lên nắm quyền của tầng lớp quý tộc, tách mình ra khỏi bối cảnh tôn giáo thống trị. Như vậy, tuy cùng biểu hiện cho sự sang trọng nhưng Rococo ngoài giảm tông màu và hình vẽ so với Baroque mà còn lược đi các biểu tượng thần thánh. Khác biệt này dẫn đến sự hình thành của trào lưu chuyển đổi thiết kế từ các chủ đề thiêng liêng sang phản ánh lối sống xa hoa, trụy lạc của giới quý tộc, hình ảnh về những bữa tiệc hào nhoáng, những bức tranh gợi cảm dần trở nên phổ biến trong kiến trúc.
Ngoài ra, trong khi Baroque có các họa tiết năng động nhưng vẫn được xây dựng dựa trên nền tảng cổ điển thì Rococo đã hoàn toàn rời xa các tỷ lệ chuẩn mực để thể hiện sự bất đối xứng và chuyển động thuần túy. Chính vì sự nổi loạn này mà từng có một giai đoạn Rococo bị chỉ trích là phong cách kiến trúc phi logic và hời hợt.
Nhìn chung, khi xem xét thời kỳ phát triển mạnh mẽ, sức truyền tải và ảnh hưởng, không thể phủ nhận rằng Rococo có mối liên hệ chặt chẽ với Baroque. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn tồn tại những khác biệt nhất định và đều lý giải cho những mong cầu khác nhau của con người trong thời đại đó.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
Phong cách Modern Luxury: Biểu tượng sang trọng đang thịnh hành