Phong cách Indochine – Hành trình từ Pháp đến phương Đông

Một phong cách kiến trúc và nội thất mang tính lịch sử, được nhận biết qua vẻ tinh xảo và chứa đựng những giá trị thẩm mỹ hòa quyện giữa Tây Phương và Đông Phương.

Phong cách Indochine hay còn gọi là phong cách Đông Dương, là sự kết hợp giữa những giá trị thẩm mỹ truyền thống của Việt Nam và những ảnh hưởng của kiến trúc Pháp. Các công trình nội thất theo đuổi phong cách này thường có cả sự cứng cáp và vững chãi du nhập từ kiến trúc phương Tây, hoà quyện cùng những chất liệu trang trí tinh xảo đến từ văn hoá Á Đông, làm bật lên vẻ xa hoa, đầy màu sắc, và duyên dáng.

bao tang my thuat hcm kien truc dong duong indochine

Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM. Ảnh: Vnexpress

Ernest Hébrard là người đặt những nền móng đầu tiên cho sự phát triển của phong cách thiết kế này tại Việt Nam. Ông từng là giáo sư của trường Mỹ Thuật Đông Dương và là một trong những viên chức cấp cao quan trọng mà chính phủ Pháp đã cử sang để phụ trách việc quy hoạch kiến trúc của các nước Đông Dương thuộc địa. Sau này, ông trở thành Giám đốc Sở Quy Hoạch Kiến Trúc Đông Dương thuộc Pháp và có những ảnh hưởng vô cùng trọng yếu trong sự định hướng phát triển kiến trúc tại Việt Nam vào những năm sau đó.

kien truc su Ernest Hébrard

Kiến trúc sư Ernest Hébrard

Vào những năm cuối của thế kỷ 19, các công trình kiến trúc Pháp dần du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều này phát sinh nhiều điểm bất cập do sự khác biệt về thời tiết, văn hoá, cũng như lối sống của người dân hai nơi. Đến những năm 30-40 của thế kỷ 20, các công trình này không còn là lựa chọn tối ưu. Vì vậy, các giáo sư tại trường Mỹ Thuật Đông Dương, trong đó có Ernest Hébrard đã dần chuyển sang thiết kế những công trình mang dấu ấn văn hoá bản địa hơn.  

Các công trình Indochine nhìn chung đều chú trọng vào giải pháp kiến trúc thân thiện với khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam như việc sử dụng các dãy hành lang và dàn pergola rộng bao quanh công trình hay việc bố trí các lam gió để tận dụng ánh sáng tự nhiên và tăng độ thông thoáng cho không gian bên trong. Cửa chính và cửa sổ lá sách thường cao và mở rộng hết sức nhằm tối ưu việc thông khí kể cả khi cửa đóng. Các khung cửa này cũng thường được sơn các màu sắc khác nhau để tôn lên nét cá tính cho mỗi công trình. 

kien truc dong duong cua so la sach

Cửa sổ lá sách, chi tiết trang trí bằng thạch cao và tường sơn vàng là những nét đặc trưng của kiến trúc Đông Dương vẫn được lưu giữ trên các công trình cổ còn lại ở Hà Nội và Sài Gòn.

Một số công trình kiến trúc Đông Dương mang tính di sản tại Việt Nam có thể kể đến là Dinh Độc Lập, Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn, hoặc Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Các công trình đều có những điểm chung dễ nhận thấy như các bức tường được sơn màu vàng đặc trưng, ngôn ngữ kiến trúc của các loại phào chỉ trang trí, cửa lá sách và gạch bông lát sàn. Đối với các công trình công cộng, tính đối xứng cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên vẻ trang trọng khi nhìn từ bên ngoài. Tuỳ vào mục đích sử dụng, mỗi công trình kể trên lại có những đặc điểm riêng sao cho vừa có thể bảo đảm được công năng của toà nhà, vừa đạt được tính thẩm mỹ vượt thời gian.

buu dien sai gon kien truc xua di san

Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn với những chi tiết tượng trang trí tinh xảo.

Với Dinh Độc Lập được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tuy sở hữu vẻ ngoài hiện đại cùng những đường nét góc cạnh hiện đại, công trình này lại bao hàm nhiều giá trị văn hoá và phong thuỷ phương Đông thông qua những giải pháp thẩm mỹ rất tinh tế. Trong khi đó, Bưu Điện Trung Tâm lại mang nét uyển chuyển với những chi tiết mái vòm và hoa văn chạm trổ tinh xảo. Quá trình phát triển của phong cách Đông Dương là một chặng hành trình dài với nhiều nhánh rẽ và biến thể khác nhau. Tuy cùng lấy cảm hứng từ các chất liệu văn hoá địa phương và dung hoà chúng với ngôn ngữ thiết kế Tây phương, mỗi kiến trúc sư lại có những hướng tiếp cận rất riêng đối với phong cách này.

dinh doc lap kien truc dong duong

Dinh Độc Lập là một công trình lịch sử tiêu biểu chịu ảnh hưởng phần nào bởi phong cách kiến trúc Đông Dương. Với công trình này, các chi tiết trang trí được tối giản hoá nhằm tạo nên cảm giác nghiêm trang.

Trong ứng dụng về nội thất, ta có thể dễ dàng nhận thấy một số vật liệu chủ đạo quen thuộc như các loại gỗ tông trầm, chất liệu mây đan, giấy dán tường có hoạ tiết Á Đông, được điểm xuyết bởi một số điểm nhấn kim loại bằng đồng hoặc gỗ được chế tác công phu. Với sự du nhập văn hoá từ phương Tây và các nước Đông Dương khác thuộc Pháp lúc bấy giờ, các hoạ tiết phổ biến được sử dụng cũng đồng thời mang tính đa dạng của các nền văn hoá khác nhau. Các chi tiết truyền thống Việt – Hoa phổ biến có thể kể đến motif “lưỡng long chầu nhật”, pháp vân, long lân quy phụng và các hoạ tiết hoa lá. Một số hoạ tiết khác lại có xuất xứ từ văn hoá Khmer – Chăm như: rắn Naga hoặc hoa Mạn Đà La. Và ta cũng không thể không kể đến những chất liệu du nhập từ phương Tây – cụ thể là từ kiến trúc Phục Hưng và cổ điển của Pháp – như lan can con triện, gờ chỉ, phù điêu, và các thức cột. 

bao tang lich su viet nam kien truc di san dong duong

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Vnexpress

luong long chau nhat kien truc viet nam

Hoạ tiết “lưỡng long chầu nhật” tương đối phổ biến trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng.

ran naga khmer trang tri kien truc

Rắn Naga cũng là một trong những hình ảnh trang trí rất được ưng chuộng trong phong cách Đông Dương và có xuất thân từ văn hoá Khmer. Ảnh: Từ điển Phật Học Huệ Quang.

Ngày nay, phong cách Đông Dương được bắt gặp nhiều trong các công trình khách sạn, trong số đó có thể kể đến không gian nội thất của khách sạn De La Coupole tại Sapa. Với một số ý tưởng mới lạ như phối hợp những dáng ghế phổ biến của châu Âu cùng chất liệu mây đan của Việt Nam đã giúp không gian vừa mang cảm giác sang trọng lịch thiệp, vừa mang nét duyên dáng gần gũi của văn hoá địa phương. Đèn treo, rèm cửa, hoặc vải nội thất cũng đóng vai trò vô cùng lớn trong hành trình kể lại câu chuyện về văn hoá Đông Dương với sự tươi mắt về màu sắc và hoạ tiết.

 khách sạn De La Coupole Sapa dong duong kien truc

 khách sạn De La Coupole Sapa noi that kien truc

Khách sạn JW Marriott Emerald Bay cũng là một ví dụ điển hình cho việc ứng dụng phong cách Indochine vào công trình dịch vụ và biến tấu lại với những gia vị hiện đại, mới mẻ hơn. Các giải pháp kiến trúc tiêu biểu của trường phái Indochine như hệ cửa lá sách, lam gió, hành lang, và các chi tiết ốp tường đã làm toát lên sự duyên dáng của thẩm mỹ Đông Dương, đồng thời là những lựa chọn phù hợp với khí hậu nóng ẩm của vùng đất Phú Quốc. Ngoài ra, đội ngũ thiết kế cũng đã rất khéo léo lồng ghép một số yếu tố hiện đại vào công trình một cách hài hoà thông qua các hoạ tiết bắt mắt từ giấy dán tường, tranh trang trí, hoặc thảm. Từ màu sắc cho đến hình khối và chất liệu, phong cách Indochine như một chuyến hành trình đầy thú vị từ phương Tây đến phương Đông.

 khách sạn jw marriott phu quoc dong duong kien truc

 khách sạn jw marriott phu quoc noi that kien truc

Thực hiện: Anh Phương | Ảnh: Tư liệu


Xem thêm

Đông Dương – Một thời đại, vùng địa lý và phong cách kiến trúc

Không gian mang cảm hứng Indochine giữa Sài Gòn

Vẻ đẹp biểu tượng của cổng rào hoa sắt