Lịch sử xa lạ của phong trào Bauhaus – Khía cạnh chủ nghĩa biểu hiện

Trước khi được biết đến như một phong cách hiện đại, tinh giản như ngày nay, phong trào Bauhaus đã trải qua một giai đoạn phát triển hoàn toàn khác. Cùng ELLE Decoration tìm hiểu thêm về giai đoạn này nhé.

Mỗi phong trào thiết kế nổi tiếng đều gắn liền một câu chuyện thú vị về cách chúng ảnh hưởng đến kiến trúc cũng như quan điểm thẩm mỹ qua nhiều năm. Nhưng không phải phong trào nào cũng bắt đầu với công thức đã khiến chúng trở thành xu thế, và phong trào Bauhaus là một điển hình. Nếu như những hình khối cắt gọt đơn giản trở thành hình mẫu cho kiến trúc hiện đại trong suốt thời gian qua thì trước đó chúng lại từng là nơi của những thử nghiệm thiết kế sáng tạo không giới hạn, hướng nhiều hơn về tính thủ công và mang trong mình quan điểm của chủ nghĩa biểu hiện. Một sự kết hợp giữa phong cách Art Nouveau với nghệ thuật và kỹ nghệ thủ công mang bản sắc thiết kế hiện đại.

phong trào Bauhaus 1

Ghế African Chair, thiết kế bởi Gunta Stolz và Marcel Breuer năm 1921. Ảnh: Hartwig Klappert.

Trước khi kết nối với phong trào Bauhaus, Weimar trực thuộc học viện nghệ thuật Grand Ducal Saxon Academy of Arts and Crafts, một phong trào riêng biệt được thành lập bởi NTK Henry van de Velde. Người đàn ông gốc Bỉ đã buộc phải quay trở về quê hương sau khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ nhưng đã kịp thời để lại một người kế vị, chính là Walter Gropius. Gropius từ đây đã có được những kiến thức thiết kế từ công ty Deutscher Werkbund và Peter Behrens cùng ký ức chiến đấu kinh hoàng trên mặt trận phía Tây. Theo đó cách tiếp cận thiết kế của ông đã có sự đổi mới, hướng nhiều hơn về cộng đồng xã hội và nhân loại.

phong trào Bauhaus 2

Hoffmanneske, thiết kế bởi Paul Klee năm 1921. Ảnh: Creative Commons.

Chiến tranh và thương tổn đã buộc các nhà thiết kế phải quay trở lại với phương tiện sản xuất có phần xưa cũ, nghiêng nhiều hơn về mặt cảm xúc, chiết trung. Các nhà thiết kế đầu tiên trong phong trào Bauhaus như Kandinsky hay Wassily, thậm chí là cả Gropius đã đặt mối quan tậm đặc biệt đến chủ nghĩa biểu hiện đầy trừu tượng, chủ nghĩa lập thể và chủ nghĩa siêu thực, đưa văn hóa, tính dân gian quyến rũ vào kỹ thuật sản xuất cũng như lựa chọn vật liệu thiết kế.

phong trào Bauhaus 3

Auf Weiss, thiết kế bởi Wassily Kandinsky năm 1923. Ảnh: Creative Commons.

Một vài năm sau đó trong cuộc triển lãm Haus am Horn năm 1923, Gropius đã tuyên bố lại phong trào Bauhaus, mang đến sự biến chuyển từ nghệ thuật thủ công thành khía cạnh rõ rệt khác trong sản xuất hàng loạt, bước đầu hình thành phong cách Bauhaus được biết đến rộng rãi như ngày nay.

Mặc dù các sản phẩm lúc bấy giờ vẫn mang tính thủ công, nhưng thiết kế và màu sắc của chúng đã hình thành nên những khả năng cơ bản cho quan điểm sản xuất hàng loạt. Các thiết kế truyền thống được pha trộn với vật liệu và kỹ thuật hiện đại chưa từng có, xây dựng mối quan hệ tiên phong giữa thủ công và công năng, chú trọng nhiều hơn đến văn hóa tiêu dùng.

phong trào Bauhaus 4

Đèn bàn thiết kế bởi Willhelm Wagenfeld năm 1921. Ảnh: Creative Commons.

phong trào Bauhaus 6

Ghế Lattenstuhl, thiết kế bởi Marcel Breuer năm 1922/1924. Ảnh: Klassik Stiftung Weimar.

Thực hiện: Đức Nguyên | Theo: Archdaily | Ảnh: Sưu tầm.


Xem thêm:

Cải tạo nhà thờ thế kỷ XIII thành bảo tàng Trung Cổ

Cuộc đời KTS Paul Rudolph – Người tiên phong trong chủ nghĩa kiến trúc hiện đại (modernist)