Khung tranh thường là nơi ánh mắt con người dừng lại rồi nhanh chóng lướt qua, không quá được xem trọng vì vốn dĩ vai trò của chúng chỉ dùng để chứa đựng và cố định các tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Tuy nhiên, khung tranh ẩn chứa nhiều giá trị hơn chúng ta vẫn nghĩ. Có những thời kỳ, khung thậm chí được chế tác trước và bức tranh chỉ có thể được sáng tạo trong giới hạn mà chiếc khung ấy đặt ra. Sự phát triển của khung tranh, vì thế, không phải là câu chuyện bên lề lịch sử mỹ thuật mà chính là tấm gương phản chiếu thẩm mỹ, tư duy và quyền lực của từng thời đại.
Nguyên tắc “Frame-first”
Truy ngược dòng lịch sử hội họa, khung tranh không hề được sinh ra như một phần phụ trợ. Dấu tích cổ xưa nhất được tìm thấy là một khung tranh Fayum xuất hiện trong ngôi mộ Ai Cập cổ, có niên đại từ thế kỷ I sau Công nguyên. Theo đó, hình ảnh được khắc họa trực tiếp lên mặt gỗ và phần viền được chạm khắc liền khối với bảng nền. Khung lúc này không tách biệt khỏi tranh, mà là một phần cấu trúc nguyên bản, đồng hiện từ vật liệu đến hình thể.
Tranh Fayum của người Ai Cập cổ. Ảnh: Eloquence
Tranh Fayum của người Ai Cập cổ. Ảnh: Eloquence
Tương tự, ở các nhà thờ châu Âu thời Trung Cổ, khung tranh là phần mở rộng của kiến trúc: được tạo tác trực tiếp vào vòm đá, cửa thánh hoặc bàn thờ. Qua đó cho thấy, từ thuở sơ khai, khung tranh đã đóng vai trò như một yếu tố đồng kiến tạo, người xưa không vẽ tranh rồi mới tìm khung mà họ làm khung trước để tranh tự vận hành trong giới hạn.
Bàn thờ Sankt Wolfgang làm từ gỗ thông nhiều màu, gỗ bồ đề, dát vàng, sơn dầu tại Nhà thờ giáo xứ Sankt Wolfgang, Áo. Ảnh: Sưu tầm
Cũng chính trong bối cảnh đó, tư duy “frame-first” – tức khung có trước tranh có sau, dần được hình thành, vượt ra khỏi quy trình kỹ thuật thông thường để phản ánh cách con người nhìn nhận về hình ảnh: cần được đặt đúng vào khuôn giới của vũ trụ, thần học và thứ bậc.
Khung tranh thời Phục hưng và Baroque: Biểu tượng quyền lực
Từ thế kỷ 15, khi nghệ thuật thoát ly khỏi tôn giáo và bước vào không gian của giới quý tộc châu Âu, khung tranh cũng bắt đầu hành trình chuyển mình từ một phần kiến trúc cố định trở thành vật thể độc lập, linh hoạt mang ý nghĩa thẩm mỹ và xã hội. Trong thời kỳ Phục hưng, đặc biệt tại các thành bang Ý như Florence, Venice hay Rome, khung tranh được đặt hàng riêng cho từng tác phẩm như một phần mở rộng của bản ngã, đẳng cấp và thẩm mỹ của chủ nhân. Khung không còn là “thứ để treo tranh”, mà là một thứ quyền lực được tạo tác.
Sự phát triển mạnh mẽ của hội họa bảng (panel painting) kéo theo nhu cầu chế tác khung tranh lưu động. Từ đây, các xưởng sản xuất khung hình thành và nghề làm khung dần được chuyên biệt hóa. Những thiết kế khung Renaissance đầu tiên thường làm từ gỗ dày bản, được chạm thủ công rồi dát vàng, đôi khi phủ sơn bóng màu gỗ gụ hay mạ thiếc bạc theo yêu cầu. Kỹ thuật intaglio (chạm chìm) và rilievo (chạm nổi) được kết hợp để tạo nên các mô-típ hoa lá, vương miện, dây quấn, cột giả hay mặt thần… phản ánh những chủ đề vừa tôn giáo vừa thế tục đặc trưng của thời kỳ này.
Bức tranh Madonna and Child with Angels của Pietro di Domenico da Montepulciano với khung gỗ dát vàng. Ảnh: THE MET
Bức tranh The Crucifixion của Francesco Granacci (Francesco di Andrea di Marco). Ảnh: THE MET
Đặc biệt nổi bật trong nghệ thuật Baroque là khung Salvator Rosa – đặt theo tên họa sĩ và nhà thơ người Ý Salvator Rosa (1615-1673), người được cho là ưa chuộng kiểu khung sâu, góc bẻ nhọn, đường viền dày đậm và tỉ lệ kịch tính. Kể từ khi ra đời, mẫu khung này nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn cho các tác phẩm thuộc trường phái Caravaggio, Rubens hay Rembrandt, vì chúng không chỉ nâng tầm tranh về mặt thị giác mà còn giúp tạo chiều sâu, tập trung ánh nhìn một cách tự nhiên.
Bức tranh Saint George kills the dragon với khung được sử dụng thuộc loại Salvadora. Ảnh: Sailko
Bức tranh The abduction of Europa được trưng bày tại Phòng trưng bày Quốc gia Ireland, đóng khung theo phong cách Salvator Rosa. Ảnh: Sailko
Trong khi đó, tại Pháp thế kỷ 17-18, thời kỳ trị vì của các đời vua Louis (đặc biệt là Louis XIV, XV, XVI) định hình một phong cách khung tranh riêng biệt: thanh lịch, uyển chuyển, tinh xảo trong từng chi tiết. Những khung tranh theo phong cách Louis thường sử dụng kỹ thuật dorure à la feuille (mạ vàng lá), kết hợp với hoa văn rocaille, vỏ sò, dải ruy băng và đường gờ uốn lượn mềm mại, mô phỏng chuyển động của một tấm vải trong không trung. Mỗi chiếc khung không chỉ là một vật phẩm trang trí mà còn là biểu trưng thị giác cho một triều đại: quyền uy đi cùng mỹ cảm, sự phô diễn đi cùng kỹ thuật siêu việt.
Chân dung một chàng trai trẻ trong trang phục quân đội, 1650, Bartholomeus van der Helst, chất liệu sơn dầu trên vải, đóng khung Louis XIII làm bằng gỗ sồi chạm khắc và mạ vàng. Ảnh: Getty Museum
Bức tranh Before the Ball, 1735, Jean-François de Troy, chất liệu sơn dầu trên vải, đóng khung Louis XV làm từ gỗ sồi chạm khắc và mạ vàng. Ảnh: Getty Museum
Không phải ngẫu nhiên khi nhiều bảo tàng danh giá như Getty Museum, Mỹ hay Musée du Louvre, Pháp đã dành những chuyên đề riêng để thảo luận và trưng bày khung tranh Pháp thế kỷ 17-18.
Nhìn chung, ở thời kỳ này, khung tranh đại diện cho địa vị của người sở hữu, thể hiện khí chất của bức tranh và tinh thần của một thời đại. Tranh gần như không thể thiếu khung và đôi khi, chính chiếc khung mới là nơi lưu giữ tinh thần nghệ thuật trong khi bức tranh chỉ mới là một lát cắt.
Thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20: Trở về với tinh thần thủ công mộc mạc
Thế kỷ 19 chứng kiến giai đoạn chuyển mình ngoạn mục của nền kinh tế thế giới với sự thay đổi trong phương thức sản xuất, từ thủ công sang cơ khí sau cuộc Cách mạng Công nghiệp diễn ra vào cuối thế kỷ 18 ở Anh. Con người bắt đầu nhìn nhận lại những giá trị cần thiết và phù phiếm trong quá trình phát triển của thời đại trước. Khung tranh ở giai đoạn này rời xa sự phô trương kiểu châu Âu để trở về với tinh thần thủ công mộc mạc, tập trung vào chất liệu và tỷ lệ.
Tại Hoa Kỳ, phong trào Arts & Crafts – khởi phát từ triết lý của William Morris ở Anh, đã khơi dậy một làn sóng phục hưng thủ công trong thiết kế nội thất, kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng. Với khung tranh, tinh thần này được hiện thân rõ rệt qua các xưởng chế tác khung thủ công như Newcomb-Macklin (thành lập 1883 tại Chicago) và Carrig-Rohane (Massachusetts, đầu thế kỷ 20). Từ cấu trúc vật lý cho đến hình khối thị giác, khung không còn chỉ là món trang sức xa xỉ cho tác phẩm, mà là đối tượng được thiết kế để “phục vụ” cho tranh – hiểu tranh, nâng tranh và đôi khi, cần nhường chỗ để tranh được tỏa sáng.
Các khung trong phong trào Arts & Crafts được làm từ những loại gỗ địa phương như sồi trắng, anh đào, óc chó, không mạ vàng, không hoa văn Baroque uốn lượn, mà tập trung vào những đường cắt gọn gàng, lớp hoàn thiện mờ lì, cùng chi tiết ghép mộng đơn giản nhưng chính xác. Khung được làm hoàn toàn tay, thể hiện sự tiết chế và thấu cảm dành cho vật liệu. Đó cũng là lý do tại sao loại khung này đặc biệt phù hợp với trường phái hội họa Ấn tượng và Biểu hiện.
Khung tranh Arts & Crafts. Ảnh: Sưu tầm
Một gương mặt tiêu biểu không thể không nhắc đến trong thời kỳ này là Henry Heydenryk Jr. – nghệ nhân chế khung, nhà lý luận và giám tuyển khung người Mỹ gốc Hà Lan. Từ năm 1936, khi đảm nhận điều hành xưởng Heydenryk ở New York, ông không chỉ thiết kế khung cho các tác phẩm của Picasso, Georgia O’Keeffe hay Edward Hopper, mà còn xuất bản các tựa sách nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử khung tranh, đặt nền móng cho tư duy hiện đại trong bảo tồn và phục dựng khung. Henry cũng là người định hình và phổ biến loại khung wormy chestnut – sử dụng gỗ dẻ bị mối mọt tự nhiên ăn để tạo nên bề mặt sần sùi độc đáo, như thể khung đang mang trong mình dấu vết của thời gian.
Henry Heydenryk Jr. (1905–1994). Ảnh: The House of Heydenryk
Khung tranh Wormy chestnut. Ảnh: Sưu tầm
Những tựa sách do Henry Heydenryk Jr. chắp bút. Ảnh: Sưu tầm
Trong bối cảnh một nước Mỹ đang định hình bản sắc nghệ thuật riêng, khung tranh thời kỳ này là minh chứng rõ nét cho một triết lý tạo hình mới: không hào nhoáng, không nhân bản lại quá khứ, mà tìm kiếm mối quan hệ bình đẳng giữa nghệ thuật và vật thể.
Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ 20, nghệ thuật hiện đại đã hoàn toàn bẻ gãy các ranh giới cũ. Trong mắt nhiều họa sĩ trừu tượng, khung tranh trở thành rào cản. Họ cho rằng tác phẩm nên được tự do, không bị giới hạn hay bó khung theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cuối cùng, vào năm 1969, Donald P. Herbert cho ra mắt khung tranh Metal Section Frame như một thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc triển lãm và bảo quản tranh trong quá trình di chuyển. Được thiết kế từ hợp kim nhôm được đùn sẵn (aluminum extrusions), Metal Section Frame có cấu trúc đơn giản nhưng hiệu quả: các thanh khung lắp nối vào nhau qua cơ chế khớp rõ ràng, không cần dụng cụ chuyên biệt vẫn có thể tháo ráp trong vài phút với độ cứng ổn định. Ban đầu khung chỉ có hai bản màu bạc và vàng kim, sau đó phát triển thêm nhiều màu và kiểu dáng khác nhau để phù hợp với nhiều phong cách nghệ thuật.
Bài báo quảng cáo khung tranh Metal Section Frame của Donald P. Herbert. Ảnh: Sưu tầm
Khung tranh và hành trình trở thành di sản
Nghiên cứu về khung tranh nói chung vẫn là một lĩnh vực non trẻ trong lịch sử mỹ thuật. Suốt phần lớn thời kỳ hiện đại, khung tranh gốc thường bị loại bỏ mỗi khi bức tranh đổi chủ, để nhường chỗ cho một chiếc khung phù hợp hơn với không gian mới, thị hiếu mới và cái tôi nghệ thuật riêng của chủ nhân mới. Trong hệ thống phân tầng của các bộ sưu tập lớn, khung gần như không được xem là di sản mà chỉ là phần bao bọc có thể thay thế, hoán đổi tùy ý. Chỉ đến cuối thế kỷ 19, một số bảo tàng và nhà sưu tập tư nhân mới bắt đầu manh nha mối quan tâm đến tính xác thực lịch sử không chỉ với tranh vẽ mà cả với khung, giá vẽ và bảng nền – những thứ từng bị lặng lẽ loại bỏ trong quá trình thay đổi quyền sở hữu.
Và rồi, như mọi chu kỳ của thẩm mỹ, cái bị lãng quên rồi sẽ trở thành điều được săn đón. Từ cuối thế kỷ 20, giới nghệ thuật bắt đầu nhìn nhận lại giá trị của những khung tranh cổ. Có những chiếc khung từng bị tháo vứt đi, giờ lại được đấu giá với mức giá ngang tranh vẽ. Những nghệ nhân như Eli Wilner hay Diego Salazar bắt đầu hành trình phục chế, sưu tầm, và bảo tồn khung tranh như phục dựng lại một nền di sản thị giác đã từng bị xem nhẹ. Một số bảo tàng lớn phục dựng lại khung nguyên bản cho các kiệt tác cổ, không đơn thuần để tạo tính hoàn chỉnh và chính xác cho lịch sử mà còn khôi phục hồn cốt của một thời đại. Vì khung tranh, hóa ra, không chỉ là cái viền ngoài, mà là điểm chạm lịch sử của thời đại đã sinh ra bức tranh ấy.
Bức tranh Mars and Venus – một ẩn dụ nổi tiếng về hòa bình, 1770, Louis-Jean-François Lagrenée, sơn dầu trên vải, trong khung Louis XVI làm từ gỗ sồi chạm khắc và mạ vàng. Ảnh: Getty Museum
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
Trống đồng Đông Sơn: Âm vang văn minh lúa nước