Nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, Đà Lạt là một trong những điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam nhờ khí hậu ôn hòa, thảm thực vật phong phú và địa hình đồi núi đặc trưng. Giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng ấy hiện lên những công trình lưu trú mang dấu ấn cá nhân rõ nét. Từ những biệt thự cổ được phục dựng cẩn trọng, đến các homestay hay khách sạn khai thác hình khối và vật liệu bản địa, hay mang nét mộc mạc hòa mình vào màu xanh của cao nguyên, mỗi địa điểm đều cho thấy cách mà thiết kế có thể đối thoại cùng thiên nhiên một cách tinh tế.
Cùng ELLE Decoration khám phá những địa điểm lưu trú sở hữu phong cách thiết kế đặc sắc tại Đà Lạt, khơi gợi những cảm xúc và cảm hứng giàu chất thơ.
1. MÙA Dalat Wellness Hotel
Ẩn mình bên rìa cánh rừng thông gần Đại học Đà Lạt, MÙA Wellness Hotel do Ngoac.space thiết kế là công trình cải tạo từ một khối nhà bỏ dở, được tái sinh với vai trò là không gian nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe tinh thần. Hình ảnh kiến trúc gợi lên một “ngôi làng thẳng đứng” xoay quanh ngọn tháp trung tâm – vừa là điểm nhấn thị giác, vừa đóng vai trò trục giao thông chính, mang đến cảm nhận về cấu trúc cổ điển nhưng mang tính tổ chức hiện đại.
Ảnh: Quang Dam
Thiết kế đề cao sự kết nối giữa con người và thiên nhiên bản địa. Các lớp không gian được tổ chức theo chiều đứng, đan xen giữa phòng nghỉ, quán cà phê, nhà hàng và phòng wellness, với các cửa sổ kính lớn mở ra thảm xanh rừng thông. Những bức tường đá dày làm nhiệm vụ cách nhiệt, trong khi hệ mái ngói và vật liệu địa phương tạo nên sự gắn kết về mặt bối cảnh và khí hậu.
Không gian phòng nghỉ được bao quanh bởi những bức tường đá thô được xử lý khéo léo, kết hợp cùng chất liệu gỗ và nội thất có gam màu trung tính, tất cả đã mang lại cảm giác ấm áp và gần gũi cho khách lưu trú. Ảnh: Quang Dam
Ảnh: Quang Dam
Quầy bar được lấy cảm hứng từ nhà ga xe lửa cổ của Đà Lạt nhưng được lồng ghép khéo léo tinh thần đương đại thông qua nội thất. Ảnh: Quang Dam
Điểm nhấn nội thất là khu vực lễ tân lấy cảm hứng từ nhà ga xe lửa cổ của Đà Lạt, nơi các thanh tà vẹt được tái sử dụng như chi tiết trang trí, vừa mang giá trị thẩm mỹ, vừa có chiều sâu văn hoá. Toàn bộ công trình là sự hòa quyện của kỹ thuật xây dựng đương đại với tay nghề thủ công địa phương, phản ánh tư duy thiết kế bền vững và tôn trọng di sản.
Ảnh: Quang Dam
2. Homestay Cú Trên Cây
Nằm trên con đường Đặng Thái Thân với tầm nhìn hướng ra thung lũng mây phủ, Cú Trên Cây là một homestay đặc biệt tại Đà Lạt khi cân bằng được giữa vị trí gần trung tâm và không gian tách biệt, yên tĩnh. Những căn nhà gỗ nhỏ nép mình trên sườn đồi gợi hình ảnh các “tổ cú” xinh xắn giữa vườn cây, tạo nên một cấu trúc nghỉ dưỡng gần gũi, ấm cúng và đầy chất thơ miền cao nguyên.
Ảnh: Cú Trên Cây
Về mặt thiết kế, các bungalow được dựng hoàn toàn bằng gỗ, mái lá cọ và điểm xuyết bằng màu sắc tươi sáng như đỏ, vàng, xanh lá, vừa gợi cảm hứng dân dã, vừa tạo nên diện mạo vui tươi, trẻ trung. Một số “tổ cú” lớn có ban công riêng, mở rộng không gian sinh hoạt và cho phép du khách chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh quan núi rừng từ trên cao. Nội thất bên trong giữ tông trắng – xám chủ đạo, tạo sự tương phản nhẹ nhàng, mang lại cảm giác hiện đại nhưng vẫn thân thiện.
Ảnh: Cú Trên Cây
Không gian ngoại thất cũng được chăm chút tỉ mỉ với khu vườn trồng hồng giòn, cam, quýt và rau củ sạch – vừa tạo khung cảnh sinh thái xanh mát, vừa khuyến khích trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên. Các khu nhà lều, phòng tắm với cây xanh trong nhà, hay các góc chụp ảnh được bố trí tự nhiên đều cho thấy sự đầu tư không chỉ về công năng mà còn về cảm xúc thẩm mỹ, phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng kết hợp khám phá và ghi dấu kỷ niệm.
Ảnh: Cú Trên Cây
3. Homestay Đợi Một Người
Nằm trên một ngọn đồi ngập nắng, Đợi Một Người Homestay là một trong những không gian nghỉ dưỡng mang dấu ấn thi vị riêng giữa lòng Đà Lạt. Với cấu trúc nhà gỗ áp mái đặc trưng, homestay này tạo nên không gian sống đậm chất thơ, nơi du khách có thể thư thả chiêm ngưỡng thung lũng xanh hay lắng nghe những âm thanh dịu dàng từ thiên nhiên cao nguyên.
Ảnh: Đợi Một Người
Các phòng được thiết kế tối giản với vật liệu gỗ chủ đạo, cửa sổ kính lớn và rèm trắng mỏng, vừa khai thác triệt để ánh sáng tự nhiên, vừa mở ra kết nối thị giác liền mạch với cảnh quan xung quanh. Mùi hương tự nhiên từ gỗ, sự giản dị trong cách bài trí nội thất và không khí trong lành từ khu vườn quanh nhà mang lại cảm giác nghỉ dưỡng nguyên bản, kết nối con người với thiên nhiên.
Ảnh: Đợi Một Người
Ảnh: Đợi Một Người
Điểm nhấn đáng chú ý của khuôn viên là căn nhà kính nằm trên mặt hồ – nơi hoạt động như một quán cà phê và không gian cộng đồng. Thiết kế trong suốt, phẳng lặng này tạo nên một tổ hợp kiến trúc độc đáo, vừa là điểm nhấn thị giác vừa là không gian tương tác giàu cảm xúc.
Ảnh: Đợi Một Người
4. Homestay Nắp Ấm
Ẩn mình trong một con hẻm nhỏ trên triền dốc cao, Nắp Ấm là công trình lưu trú mang dáng dấp hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh thần nhẹ nhàng và mơ mộng của Đà Lạt, do Lê House thiết kế. Với lớp vỏ thép sơn trắng bao phủ toàn bộ mặt dựng, homestay này nổi bật giữa cảnh quan xung quanh như một ngọn đèn giữa sương mù với những điểm sáng li ti tựa đom đóm.
Ảnh: Trieu Chien
Mặt dựng bằng thép CNC với các họa tiết riêng biệt, không chỉ tạo điểm nhấn thị giác mà còn phù hợp với điều kiện thời tiết ẩm ướt đặc trưng của vùng cao nguyên. Từ góc nhìn ban ngày, công trình đón nắng một cách trọn vẹn, trong khi về đêm lại phát sáng dịu nhẹ, tạo hiệu ứng thị giác đầy thi vị. Kết cấu khung thép kết hợp cùng nội thất gỗ thông và bảng màu trắng chủ đạo tạo nên cảm giác vừa vững chắc, vừa ấm áp và gần gũi.
Ảnh: Trieu Chien
Ảnh: Trieu Chien
Không gian bên trong được bố trí trên 3 tầng và một tầng áp mái, với 9 phòng nghỉ cùng khu vực bếp, bàn ăn, phòng sinh hoạt chung và góc làm việc. Đáng chú ý là các phòng duplex tại tầng áp mái, nơi ánh sáng len lỏi qua từng ô cửa tạo nên bầu không khí đầy chất thơ. Chi tiết như bồn tắm jacuzzi hay những chiếc bàn gỗ dài đặt cạnh cửa sổ mở ra hàng cây đung đưa trong nắng sớm chính là điểm cộng cho trải nghiệm nghỉ dưỡng giữa tiết trời se lạnh của Đà Lạt.
Ảnh: Trieu Chien
Điểm nhấn kiến trúc nổi bật trong nội thất là hệ cầu thang gỗ bản lớn với hình khối sắc nét, tay vịn và vách ốp đồng bộ bằng gỗ nâu ấm, tạo nên trục dẫn không gian mạnh mẽ mà vẫn hài hòa. Thiết kế này kết hợp mượt mà cùng cầu thang xoắn kim loại ở tầng dưới, mang lại sự đối thoại thú vị giữa tính chất thủ công và kết cấu hiện đại trong một tổng thể thống nhất.
Ảnh: Trieu Chien
5. The L00P Boutique and Café
Nằm trên khu đất rộng 2.000m² với địa hình bậc thang tự nhiên, The LOOP do G+ Architects thực hiện là tổ hợp lưu trú – cà phê được thiết kế với định hướng tồn tại trong 10-15 năm. Dựa trên cảm hứng từ rừng thông buổi sớm, công trình nổi bật với 70 cột trụ ẩn dưới lớp mái tôn sáng – một lớp vỏ kiến trúc vừa che chắn, vừa tạo hiệu ứng ánh sáng chuyển biến liên tục từ mờ đục đến trong suốt, gợi liên tưởng đến vải xếp nếp trong thời trang.
Ảnh: Quang Tran
Ảnh: Quang Tran
Hình khối công trình phát triển theo bố cục vòng tròn, giúp toàn bộ 12 phòng nghỉ đều có tầm nhìn mở ra đồi thông, thung lũng hoặc khu vườn trung tâm. Nội thất các phòng được tối giản triệt để, sử dụng tông trắng chủ đạo để tăng hiệu quả phản chiếu ánh sáng và phản ánh đúng sắc độ, nhiệt độ tự nhiên của vùng cao nguyên ở độ cao 1.500m của Đà Lạt.
Ảnh: Quang Tran
Ảnh: Quang Tran
Không gian cà phê được chia thành hai phần: tầng trên bán lộ thiên và tầng dưới bao kính, kết nối trực tiếp với khu vườn. Bề mặt trần và sàn giữ nguyên lớp bê tông thô, kết hợp cùng ghế ngồi được đúc liền khối dạng hang động – hướng toàn bộ trải nghiệm về phía cảnh quan. Thiết kế giao thông cũng chia thành hai hệ: một tuyến dọc theo vành công trình, một tuyến đi xuyên qua trung tâm, cho phép người dùng trải nghiệm sự chuyển dịch liên tục của ánh sáng, độ cao và góc nhìn.
Ảnh: Quang Tran
6. Ana Mandara Villas Dalat
Ẩn mình giữa rừng thông và địa hình đồi dốc đặc trưng của Đà Lạt, Ana Mandara Villas tái hiện một làng quê miền Nam nước Pháp giữa cao nguyên xanh rì. Khu resort gồm nhiều biệt thự cổ được xây dựng từ những năm 1920 – 1930, mang đậm tinh thần của thời kỳ Đông Dương, đồng thời thể hiện rõ ảnh hưởng của nhiều trường phái kiến trúc châu Âu như Norman, Gothic, Romanesque, Provence hay Spanish Revival.
Ảnh: Ana Mandara Villas Dalat
Ảnh: Tư liệu
Từng biệt thự được phục dựng nguyên trạng, từ tỷ lệ mái dốc, cửa sổ vòm, hành lang dài cho đến những bức tường đá nguyên bản, gợi cảm giác lãng mạn và hoài cổ. Không gian bên trong duy trì phần lớn các chi tiết gốc như trần cao, sàn gỗ, lò sưởi và nội thất cổ điển, tạo nên một trải nghiệm vừa thanh lịch, vừa mang dấu ấn thời gian.
Ảnh: Ana Mandara Villas Dalat
Yếu tố cảnh quan cũng được quy hoạch theo triết lý “nhập cảnh” thay vì tách biệt. Những con đường lát đá uốn lượn qua thảm cỏ, cây cối bản địa xen kẽ hoa lá ngoại lai, hòa quyện trong khí hậu mát lành quanh năm, làm nổi bật cảm giác “làng Pháp” giữa lòng Đà Lạt.
Thực hiện: Quốc Huy
Xem thêm:
6 resort và khách sạn xanh tại Bali