Khái niệm “hidden gem” trong ngữ cảnh các quán cà phê thường dùng để chỉ những không gian độc đáo nhưng khó tìm hoặc ít được biết đến. Đó có thể là nơi mà ta vô tình phát hiện khi đang lang thang qua những con hẻm nhỏ yên bình, hay đơn giản là điểm hẹn được truyền tai trong giới đam mê sáng tạo. Không cần đến kiến trúc phô trương hay quy mô hoành tráng, các quán cà phê “hidden gem” tại Sài Gòn mang nét cuốn hút riêng nhờ thiết kế không gian tập trung vào tính nguyên bản và phong cách khác biệt. Mỗi góc nhỏ toát lên một sự tĩnh lặng dễ chịu, đủ để tách biệt khỏi nhịp sống hối hả mà vẫn giữ được hơi thở sáng tạo của thành phố năng động.
1. Café Slow
Dù đã cẩn thận lần theo định vị, bạn vẫn có thể dễ dàng lướt qua cánh cổng sắt sơn xanh bạc hà của Café Slow, nằm ẩn mình sau những chậu cây xanh mướt trong con hẻm nhỏ đường Huỳnh Tịnh Của, Quận 3. Bước qua cánh cổng là một không gian đầy chất thơ: ngôi nhà ống hai tầng lùi sâu 3m, với khoảng sân lát gạch thẻ nâu đậm được bố trí những chiếc ghế đẩu gỗ mộc mạc nép gọn hai bên lối vào dưới tán khế rợp bóng. Nhiều người tìm đến quán từ sáng sớm, vì yêu cái cảm giác như đang trở về góc sân nhà mình, nhâm nhi tách cà phê specialty trong không gian tràn ngập hoa nắng và âm hưởng ấm áp của những bản nhạc từ đĩa than cổ điển. Không gian quán gợi nhắc về tinh thần hoài cổ và thư thái của một tiệm cà phê nhỏ kiểu Pháp, nơi chủ quán từng có thời gian làm việc.
Đằng sau tấm vách kính khung gỗ mặt tiền, nội thất của quán hiện lên mờ ảo trong ánh đèn vàng dịu nhẹ. Không gian hiện trạng có phần nhỏ hẹp và bí bách, được cải tạo tối ưu hơn bằng việc lắp đặt nhiều gương lớn tại tầng trệt và bổ sung khoảng thông tầng ở giữa nhà. Một tấm gương ngang tại khu vực bàn làm việc được gắn lên tường trông như khung tranh dài sinh động, ngay cạnh đó là vách tường gạch xếp nổi đối diện lối vào, tạo điểm nhấn thị giác thú vị. Khoảng thông tầng được trang trí bằng hệ đèn lồng giấy dó thả trần, vừa giúp mở rộng không gian vừa làm mềm đường nét kiến trúc. Nội thất cổ điển được thể hiện qua bàn ghế và kệ tủ làm từ gỗ sồi, gỗ tràm, kết hợp khung sắt, là nơi trưng bày những đồ vật vintage như máy ảnh film, sách ngoại văn hay đĩa than, tạo nên những góc trang trí đậm chất thi vị. Hệ thống đèn LED được tính toán cường độ chiếu sáng và bố trí cẩn thận, cân bằng với ánh sáng tự nhiên, đảm bảo nhu cầu đọc sách mà không làm mất đi không khí hoài niệm riêng tư. Ngoài ra, lớp lam gỗ bên dưới hệ điều hòa âm trần cũng là một chi tiết tinh tế, giúp hấp thụ bớt luồng khí lạnh phả trực tiếp vào người.
2. Arrow Warehouse
Hơn cả một quán cà phê, Arrow Warehouse còn là không gian cộng đồng cho những người yêu thích phong cách sống hiện đại, mang đậm dấu ấn của văn hóa đường phố và nghệ thuật đương đại. Với diện tích khoảng 200m², tổ hợp này gồm 3 khu chính: quán cà phê, showroom Arrow flagship-store với phụ kiện biker và tiệm xăm nghệ thuật ở tầng trên. Không gian cà phê được tô điểm bởi những loại cây nhiệt đới, hồ bán cạn ở trung tâm và những bể terrarium đồ sộ.
Lấy cảm hứng từ các nhà kho công nghiệp cũ, Arrow Warehouse thể hiện trọn vẹn những đặc trưng cơ bản của một không gian cà phê theo phong cách vintage industrial. Những mảng tường xám và trần nhà được cố ý đập dang dở lộ kết cấu gạch, một xu hướng phổ biến từ phong trào adaptive reuse architecture (tái sử dụng công trình nhà kho cũ) bắt nguồn từ phương Tây trong thế kỉ 19 và 20. Nền nhà được xử lý đơn giản bằng lớp đá xây dựng thô, kết hợp với bàn ghế tái chế từ thùng gỗ cũ, mang lại cảm giác mộc mạc và phóng khoáng. Hệ đèn kim loại chóa thả và những chiếc đèn đế tripod vintage từ Mỹ tạo điểm nhấn mạnh mẽ, làm nổi bật cá tính công nghiệp của không gian. Gam màu chủ đạo xám, nâu, và đen mang lại sự trầm lắng, nội lực, nhưng vẫn được làm mềm mại bởi sắc xanh tươi mát của những chiếc lá monstera khổng lồ và các loại cây nhiệt đới được chăm chút kỹ lưỡng.
3. Nhật – Tiệm cà phê mặt trời
Rời xa khỏi trung tâm Sài Gòn đến vùng ngoại ô yên tĩnh của Quận 2, Nhật – Tiệm cà phê mặt trời là một không gian đặc biệt dành cho những ai tìm kiếm sự bình yên và một cộng đồng những người yêu nghệ thuật. Ở đây, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những chiếc ghế gỗ cũ, ghế sắt gỉ sét ngoài sân nhà, giữa tán cây xanh mát, nơi mọi người quây quần trò chuyện, đan len, chơi guitar hoặc chỉ đơn giản hàn huyên trong lúc nhâm nhi tách cà phê rang xay thủ công, tận hưởng sự chậm rãi của cuộc sống.
Bên trong quán, bối cảnh thô mộc được định hình bởi những mảng tường xi măng nguyên bản, hệ thống ống điện nổi, lan can sắt, và đèn kim loại thả trần – tất cả hòa quyện trong ngôn ngữ thiết kế công nghiệp cá tính. Một vài góc bài trí thú vị còn gợi nhắc những năm 2000, như khu trò chơi điện tử bốn nút hay những chiếc ghế gỗ chân sắt cỡ tiểu học, khơi dậy ký ức về thời thơ ấu, khi công nghệ vẫn là một điều mới lạ. Nhật ưu tiên lựa chọn cây xanh để lọc khí thay vì hệ thống điều hòa, mang lại bóng mát tự nhiên và tận dụng luồng gió mát dịu từ hồ nước đối diện. Tại đây, không có sự cầu kỳ trong cách thức kinh doanh hay thiết kế không gian; thay vào đó là những ly cà phê rang xay thủ công gần gũi như cách một người bạn thân quen pha cho nhau, hoặc những công thức mới được thử nghiệm, cùng khách quen bình phẩm, gật gù như những ẩm thực gia chuyên nghiệp. Bầu không khí rôm rả ở quầy pha chế và gian bếp làm nên vẻ đẹp bình dị và độc đáo cho Tiệm cà phê mặt trời.
4. Okkio Duy Tân Caffe
Nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch (trước đây là đường Duy Tân), Okkio Duy Tân Caffe là một điểm đến độc đáo kết hợp tinh thần của cà phê đặc sản với kiến trúc và không gian mang tính lịch sử. Diện tích cửa hàng kéo dài từ căn biệt thự Pháp cũ phía trước, đến một khối nhà hai tầng hiện đại ở phía sau, cùng một khu vườn trung tâm. Các yếu tố này được liên kết qua một lối đi kín với kính lật, tạo sự đối thoại tinh tế giữa không gian bên trong và bên ngoài. Nội thất giữ lại nét nguyên bản của tường gạch xám, kết hợp với tường sơn cát màu trắng và các chi tiết kim loại như thép mạ kẽm và thép không gỉ. Gỗ, da, và kính được sử dụng đồng điệu, mang đến sự hài hòa giữa hiện đại và cổ điển.
Không gian cổ kính của Okkio Duy Tân Caffe được điểm xuyết mảng màu đỏ từ trần nhà đến lối đi, có thể liên tưởng đến dấu ấn lịch sử của kiến trúc Đông Dương, nơi màu sắc được dùng để làm nổi bật các chi tiết nội thất hoặc ngoại thất quan trọng. Đường cong trong thiết kế nội thất tạo sự cân bằng với các chi tiết vuông vắn, góc cạnh, đồng thời giúp định hướng ánh nhìn, tạo luồng chảy tự nhiên trong không gian và tăng tính liên kết giữa các khu vực.
Thực hiện: Hagomani
Xem thêm:
Những quán cà phê là điểm hẹn cảm hứng
Quán cà phê độc đáo ở Thành Đô lấy cảm hứng từ bộ phim The Grand Budapest Hotel nổi tiếng
Quán café biệt thự cổ: Nét hoài cổ giữa nhịp sống Sài Gòn hiện đại