Bắt nguồn từ việc vua Nguyễn Gia Long cho xây lại thành Hà Nội theo kiểu Vauban dưới sự chỉ đạo của 4 kỹ sư công binh Pháp, kiến trúc Pháp tại Việt Nam bắt đầu phát triển từ cuối thế kỷ XIX, khi Việt Nam trở thành thuộc địa của người Pháp. Để phù hợp với văn hóa, lối sống sinh hoạt và thuần hóa người Việt, nhiều công trình theo kiến trúc Pháp đã được khởi công xây dựng.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và phát triển, sự giao thoa giữa Tây phương và Đông Dương đã khiến loại kiến trúc này trở nên phù hợp hơn với văn hóa, khí hậu ở Việt Nam. Mỗi giai đoạn lịch sử của kiến trúc Pháp gắn liền với sự phân chia thành nhiều phong cách khác nhau qua từng thời kỳ.
Phong cách kiến trúc Tiền Thực dân
Thời điểm nhượng địa với những ngôi nhà làm việc trở thành nhà ở cho sĩ quan và binh lính Pháp là khi phong cách kiến trúc Tiền thực dân dần dà bắt đầu phát triển. Với mong muốn có không gian sống phù hợp và tránh được cái nóng oi ả mùa hè, các sĩ quan công binh Pháp đã nghĩ ra một hình thức kiến trúc nhiệt đới thô sơ với hành lang rộng bao lấy không gian chính.
Các công trình kiến trúc này thường có mặt bằng hình chữ nhật đơn giản, có hành lang rộng bao quanh. Nhà thường có 2 tầng, sàn tầng 2 dùng dầm đỡ thép hình cuốn gạch ở trên và mái được lợp ngói hoặc tôn. Tường chắn mái được xây gạch, dùng để trang trí cho mặt tiền với một vài hình thức tô điểm đơn giản như hàng con tiện hoặc đắp xi măng hình hoa lá. Là một phong cách mang tính công năng duy lý, ít chú trọng về thẩm mỹ nên không có nhiều giá trị về mặt kiến trúc, tuy nhiên, những ngôi nhà theo kiểu Tiền thực dân là minh chứng cho sự hiện diện của kiến trúc Pháp tại Việt Nam thuộc thời kỳ sơ khởi.
Phong cách kiến trúc Tân cổ điển
Với nhu cầu xây dựng ngày càng tăng, người Pháp thể hiện tham vọng thay đổi bộ mặt Đông Dương ngày càng lớn thông qua việc áp đặt lên hình thái kiến trúc trang trí mặt tiền. Họ bắt đầu sử dụng những phong cách hàn lâm thịnh hành tại Pháp vào Việt Nam, từ hình thái, chi tiết Phục Hưng, Baroque… tới các quy luật đối xứng nghiêm ngặt.
Những công trình nổi bật như: Phủ Toàn quyền (1902), Nhà Hát lớn (1901), Tòa án Chính phủ (1906), nhà Khách Chính phủ (1919)… được xây dựng dựa trên tư tưởng cổ điển chiết trung thịnh hành được truyền bá tại trường mỹ thuật Pháp lúc bấy giờ. Nhiều thiết kế được áp đặt nguyên mẫu như những công trình sẵn có ở Pháp như mặt tiền Tòa án Chính Phủ tại Hà Nội sử dụng lại đúng họa tiết của quảng trường Dauphine ở Pháp.
Phong cách kiến trúc Địa phương Pháp
Những năm 1900, một lượng lớn người Pháp đã tới Việt Nam làm việc và sinh sống. Họ mang theo những hoài niệm về quê hương thông qua những công trình kiến trúc nơi từng sinh sống. Vì vậy, bắt đầu từ thời gian này, một loại biệt thự, trường học cho người Pháp được xây dựng theo phong cách kiến trúc địa phương Pháp.
Ảnh hưởng của kiến trúc Pháp đến Việt Nam trong giai đoạn này được thể hiện qua các công trình mang phong cách địa phương miền Bắc nước Pháp có mái với độ dốc lớn, các công trình mang phong cách vùng Paris có độ dốc vừa phải và có hệ con-sơn gỗ đỡ phần mái nhô ra khỏi tường khắc công phu. Tuy nhiên, kiến trúc địa phương Pháp xây dựng ở Hà Nội không giống hoàn toàn ở chính quốc mà đặc biệt chú trọng hơn vào tính công năng, lược bỏ nhiều những hình thức trang trí nguyên gốc.
Phong cách kiến trúc Art Deco
Phong cách Art Deco ra đời sau Thế Chiến I được ứng dụng trong thiết kế nhiều công trình ở Việt Nam như: Chi nhánh ngân hàng Đông Dương, nhà in IDEO (Tràng Tiền), công ty AVIA (Trần Hưng Đạo), Bưu điện (Đinh Lễ), các tòa nhà số 91 Đinh Tiên Hoàng….cùng rất nhiều biệt thự cổ khác.
Những công trình xây dựng theo xu hướng này thường sử dụng các hình khối kinh điển trong bố cục không gian. Các khối vuông, chữ nhật kết hợp với các khối bán trụ tạo ra một hình thức kiến trúc hiện đại và giản dị. Thêm vào đó là các họa tiết trang trí bằng thép uốn hoặc đắp nổi bằng xi măng, thạch cao với đường nét mềm mại làm giảm bớt sự thô nặng của các khối chủ đạo.
Phong cách kiến trúc Đông Dương
Kiến trúc theo phong cách Đông Dương là những công trình có cấu trúc mặt bằng, hình khối hoàn toàn theo kiểu Pháp thịnh hành lúc bấy giờ, nhưng đã có sự tìm tòi, biến đổi về mặt không gian và cấu tạo kiến trúc nhằm tạo ra những công trình có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, cảnh quan cũng như truyền thống văn hóa bản địa.
Với ảnh hưởng của kiến trúc Pháp đến Việt Nam, các kiến trúc sư theo phong cách này thường sử dụng những hình thức và chi tiết kiến trúc truyền thống của Việt Nam, Khmer trong việc tạo nên các bộ mái, ô văng che cửa, sử dụng nhiều thức cột, mái, hệ thống cửa lấy sáng và thông gió tự nhiên được chú trọng.
Phong cách kiến trúc Pháp – Hoa
Kiến trúc Pháp – Hoa có lẽ cũng xuất phát từ ý tưởng muốn xây dựng những công trình đáp ứng được công năng hiện đại nhưng vẫn mang màu sắc kiến trúc Á Đông. Tuy nhiên, khác với các kiến trúc Đông Dương, các tác giả của các công trình theo phong cách này hầu như sử dụng cách thức và yếu tố trang trí cổ điển Trung Hoa.
Các ngôi nhà theo phong cách Pháp-Hoa này thường chỉ có 2 tầng với cách bố trí tổng mặt bằng theo kiểu nhà chính – nhà phụ, đặc biệt ở các dinh thự thường có vườn trước rất lớn có bố trí non bộ. Mái dốc lợp ngói ống, ngói tráng men, bốn góc uốn cong và được trang trí khá cầu kỳ, con-sơn đỡ mái dạng trồng đấu nhiều lớp. Phần trang trí được chú trọng nhiều với các yếu tố trang trí kiểu Trung Hoa cổ điển.
Phong cách kiến trúc Neo-Gothic
Neo Gothic với mong muốn phục hưng lại Gothic, là một hình thức kiến trúc ra đời vào nửa sau thế kỷ XVII và dần phát triển đến đỉnh cao vào thế kỉ XIX. Phong cách này ở Việt Nam luôn gắn liền với các hình ảnh nhà thờ công giáo, đặc trưng bởi cách tổ chức mặt bằng hình chữ thập, mặt đứng ba nhịp, nhịp giữa là lối vào chính, phía trên có cửa sổ “hoa hồng”, hai bên là các lối vào phụ phía trên là tháp chuông. Tuy nhiên, khác với các nhà thờ Gothic Pháp sử dụng rất nhiều yếu tố trang trí, kiến trúc nhà thờ ở Việt Nam chỉ tổ chức nhiều cửa sổ hình cuốn nhọn kiểu Gothic mà hầu như không thêm vào các yếu tố trang trí nên trông khá khô khan.
Thực hiện: Vân Thảo
Xem thêm
Phong cách Indochine – Hành trình từ Pháp đến phương Đông
Dinh thự Đông Ngạc: Truyền thống Việt qua con mắt của kiến trúc sư Ý