Kiến trúc phố cổ Hội An: Dấu ấn một thời vàng son

Mang theo nét quyến rũ độc đáo, phố cổ Hội An nổi tiếng với các dãy nhà đặc trưng cho từng giai đoạn lịch sử đầy biến động.

Nằm tại hạ lưu sông Thu Bồn thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, Hội An là thành phố cảng truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn. Ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI thời nhà Lê, phố cổ Hội An trở thành thương cảng sầm uất bậc nhất khu vực dưới thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng cai trị, nhờ ra sức phát triển kinh tế Đàng Trong, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài.

tranh co hoi an

Bức họa Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ của Chaya Shinroku phác họa rõ khu phố người Nhật với những công trình kết cấu gỗ hai, ba tầng. Ảnh: Tư liệu

Trong vòng 30 năm, đã có 75 con tàu Châu Ấn cập cảng Hội An. Các thương nhân người Nhật khi đó tới bán những đồ đồng, tiền đồng, sắt, đồ gia dụng… và mua lại đường, tơ lụa, trầm hương… Sau một thời gian, do chính sách bế quan của Mạc phủ Tokugawa cũng những chính sách đàn áp người Nhật Công giáo của chúa Nguyễn, khu phố Nhật ở Hội An dần bị lu mờ. Vẫn còn một số nhỏ người Nhật định cư lại đây nhưng người Hoa đã bắt đầu dần thay thế vai trò của người Nhật trong việc buôn bán. 

Kiến trúc của phố cổ Hội An nguyên bản chủ yếu là những ngôi nhà gỗ có cấu trúc đơn giản. Khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn diễn ra ở miền Nam, chúa Trịnh đánh chiếm Quảng Nam năm 1775, cảng thị Hội An rơi vào cảnh loạn lạc. Những ngôi nhà gỗ nằm trong khu vực thương mại bị quân Trịnh phá hủy hoàn toàn, chỉ các công trình tín ngưỡng được giữ lại nguyên vẹn. Mãi 5 năm sau, Hội An mới được người Việt và người Hoa dần dần hồi sinh từ những đống đổ nát cũ, những ngôi nhà mới mọc lên theo kiến trúc giao thoa, vô tình chung xóa sạch mọi dấu vết của khu phố Nhật Bản.

pho co hoi an nha diep dong nguyen

Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên mang nét kiến trúc giao thoa độc đáo. Ảnh: Tư liệu

Kiểu nhà ở phổ biến nhất ở Hội An là những ngôi nhà phố một hoặc hai tầng với đặc trưng chiều ngang hẹp, chiều sâu dài, tạo nên kiểu nhà hình ống. Điều làm nên sự khác biệt của những căn nhà này là kết cấu vuông vắn 3×3 hoặc 5×5 gian. Song song với đó là các đường nét thiết kế mềm mại, uyển chuyển. Những vật liệu chính dùng để xây dựng nhà ở đây đều có sức chịu lực và độ bền cao do đặc điểm khí hậu khắc nghiệt của vùng đất miền Trung. 

nha co duc an hoi an pho co

Nhà cổ Đức An mang theo vẻ đẹp cổ kính, có tổng diện tích khoảng 600m2, bao gồm nhiều phòng khác nhau với kiến trúc và trang trí đa dạng. Ảnh: Reds VN

Thông thường, các ngôi nhà cổ điển ở Hội An có kết cấu kiểu nhà khung gỗ, hai bên có tường gạch ngăn cách. Khuôn viên trung bình của các ngôi nhà có chiều ngang khoảng 4 – 8 mét, chiều sâu khoảng 10 – 40 m, biến thiên theo từng tuyến phố. Bố cục mặt bằng phổ biến của những ngôi nhà ở đây gồm: vỉa hè, hiên, nhà chính, nhà phụ, hiên, nhà cầu và sân trong, hiên, nhà sau ba gian và vườn sau.

hoi an pho co mai ngoi

Mái ngói Hội An có hình vuông vát cong, kích thước mỗi cạnh tầm 22cm, chúng chủ yếu được làm từ những nguyên liệu là đất, cán mỏng rồi đem nung thô. Ảnh: soaipham

Năm 1888, khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp, nhiều người Hoa tới đó để bỏ vốn lập các cơ sở vận tải, thương mại, một số khác tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh ở cả Hội An và Đà Nẵng. Nhưng do giao thông đường thủy ngày càng trở nên khó khăn, cùng với chính sách phát triển Đà Nẵng của người Pháp, hoạt động thương nghiệp ở Hội An dần bị đình trệ. Những căn nhà được xây vào thời Pháp thuộc nên sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp với các chi tiết trang trí bằng phào chỉ, vòm cuốn, sử dụng các cấu kiện khuôn hoa đúc sẵn.

bao tang sa huynh hoi an

Bảo tàng Sa Huỳnh với hình thức trang trí theo kiểu kiến trúc thuộc địa hóa, nhưng lại được xây dựng bởi người Hoa. Vì vậy, từ bố cục tổ chức không gian, cấu trúc công trình đến cách sử dụng vật liệu đều được địa phương hóa. Ảnh: Tư liệu

Những dấu vết kiến trúc còn sót lại của mỗi thời kỳ đã trở thành một phần không thể thiếu trong quần thể kiến trúc đô thị lịch sử của Hội An. Dù hình thành khá muộn so với các kiểu kiến trúc khác, nhưng những yếu tố riêng biệt của khu phố cổ này đã giúp Hội An kiến tạo nên một diện mạo đô thị độc đáo, mang giá trị văn hóa toàn cầu.

Thực hiện: Vân Thảo


Xem thêm

Phong cách Indochine – Hành trình từ Pháp đến phương Đông

Mái ngói trong kiến trúc Việt xưa

Bến Xuân – Chốn tinh hoa Huế